,

Cây ăn quả

Hướng dẫn kỹ thuật đốn tỉa, chăm sóc cây ăn quả có múi trước khi ghép cải tạo

Để giúp người trồng cây ăn quả có múi như: Cam, bưởi, quýt... duy trì được sự trẻ hóa vườn cây, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm hoặc chuyển đổi giống phù hợp với nhu cầu thị trường để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong mục Khuyến nông hôm nay, Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật đốn tỉa, chăm sóc cây ăn quả có múi trước khi ghép cải tạo như sau:

1. Chọn cây giống làm gốc ghép.

Đối với cây ăn quả có múi, thường sử dụng cây bưởi gieo ươm bằng hạt làm gốc ghép; nhưng trong ghép cải tạo để đảm bảo sức sống của mầm ghép phát triển khỏe mạnh và có khả năng chống chịu tốt đối với sâu, bệnh gây hại ở gốc và rễ cây thì phù hợp nhất nên chọn giống bưởi diễn làm gốc ghép, trong đó có 2 dạng gốc ghép, gồm:

1.1. Gốc ghép có thể ghép trực tiếp.

Là loại gốc ghép nhỏ, cây được trồng từ 2 đến 4 năm tuổi, có thể ghép mắt mầm trực tiếp vào cành cấp 1 hoặc cấp 2; đối với loại gốc ghép này cần tiến hành chăm sóc trước khi ghép khoảng 1 tháng, với lượng phân bón gồm có:

+ Phân chuồng ủ hoai mục, bón từ 30 đến 50kg /cây;

+ Phân NPK 16:16:8, bón từ 1 đến 2kg /cây; đồng thời phòng trừ các loại sâu bệnh theo quy trình chung để đảm bảo gốc ghép không nhiễm các loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh loét do vi khuẩn gây hại cho mầm ghép.

1.2. Gốc ghép cần đốn trẻ lại.

 Là loại gốc ghép có đường kính thân lớn, cây được trồng từ 5 năm tuổi trở lên, cần phải đốn trẻ lại để ghép cải tạo vào những mầm chồi tái sinh.

- Thời gian cưa đốn cây: Từ tháng 4 đến tháng 5 hoặc tháng 12 dương lịch.

- Mức độ cưa đốn:

+ Đối với cây có bộ khung tán cao lớn, tuổi cây trên 10 năm: Thực hiện việc đốn trẻ lại, tạo bộ khung tán mới bằng cách cưa ngang thân chính hoặc cành cấp 1 với vị trí cưa đốn cách mặt đất từ 1m đến 1,5 m.

+ Đối với cây có bộ khung tán thấp, tuổi cây dưới 10 năm: Cây được cắt tỉa thưa bớt cành khung trên tán, cắt đốn ở vị trí cành cấp 1 hoặc cấp 2 với chiều cao vết cắt cách mặt đất từ 0,7 đến 1,2 m.

Lưu ý: Không cưa đốn vào những ngày trời mưa, khi cắt nên để lại 01 cành nhằm duy trì sự sống của cây; ngay sau khi cắt đốn cần sử dụng cành lá hoặc lưới đen… che phủ thân gốc ghép để tránh ánh nắng gây cháy thân.

* Chăm sóc cây gốc ghép sau cưa đốn.

- Tỉa định chồi tái sinh trên cây sau cưa đốn: Từ mỗi cành sau cưa đốn sẽ phát sinh nhiều chồi mới, cần phải tỉa khi chồi tái sinh có độ dài trên 5 cm.

- Số lượng chồi để lại/cây: Ở mỗi cành sau cắt đốn, tỉa để lại những chồi có thế sinh trưởng khoẻ và phân bố đều về các hướng của cành cắt, cụ thể:

+ Cây có bộ khung tán cao lớn, sau đốn trẻ lại, tỉa tạo mầm khung tán để lại từ 10 đến 15 chồi/cây

+ Cây có bộ khung tán thấp, sau cắt tỉa, tạo khung tán để lại từ 5 đến 10 chồi/cây

- Lượng phân bón/cây: Phân chuồng ủ hoai mục, bón từ 30 đến 50 kg; phân NPK 16:16:8 bón từ 1 đến 2kg/cây

+ Thời điểm bón phân:

Lần 1: Trước hoặc sau cưa đốn, bón 100% phân chuồng + 70% phân NPK;

Lần 2: Trước khi ghép 1 tháng, bón nốt lượng phân NPK còn lại.

- Tưới nước, giữ ẩm: Tưới nước để duy trì đủ ẩm cho đất quanh tán cây.

- Chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh theo quy trình chung để đảm bảo toàn bộ thân gốc và mầm chồi tái sinh của gốc ghép không bị các loại sâu bệnh hại, đặc biệt là sâu vẽ bùa, bọ xít và bệnh loét do vi khuẩn gây ra.

Trên đây là hướng dẫn kỹ thuật đốn tỉa, chăm sóc cây ăn quả có múi trước khi ghép cải tạo. Trong chương trình lần sau, chúng tôi tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật ghép và chăm sóc vườn cây ăn quả có múi sau ghép cải tạo. Đề nghị người sản xuất thực hiện tốt, đạt hiệu quả cao./.