,

Gia súc

Hướng dẫn Một số biện pháp phòng chống nắng, nóng cho gia súc, gia cầm trong mùa hè

Vào mùa hè, thời tiết thường rất oi bức, thời gian nắng kéo dài dẫn đến nhiệt độ trong ngày tăng cao làm cho gia súc, gia cầm ăn ngủ kém nên sức đề kháng bị suy giảm, năng suất thịt, trứng thấp. Các loại dịch bệnh như: Dịch tả, cảm nắng, tiêu chảy, viêm phổi, tụ huyết trùng… dễ phát sinh gây thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi. Để hạn chế những ảnh hưởng xấu do nhiệt độ tăng cao, trong Chuyên mục Khuyến nông hôm nay Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm như sau:

Một số biện pháp chung đối với chăn nuôi.

- Nên làm chuồng trại theo hướng đông nam, mái chuồng lợp ngói, tôn mát hoặc lá cọ, trong chuồng lắp đặt quạt thông gió; xung quanh chuồng bố trí phên hoặc lưới che nắng, phía bên ngoài chuồng nuôi trồng cây xanh tạo bóng mát.

- Giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thông thoáng, thu gom phân vào hố chứa để sử lý ủ phân sinh học nhằm giảm nhiệt sinh ra từ nguồn phân bị phân hủy, những ngày nắng nóng cần phun nước lên mái chuồng để giảm bớt nhiệt độ. Thực hiện các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi.

1.1. Đối với đàn lợn

Cần áp dụng một số biện pháp như:

- Giảm mật độ nuôi nhốt: Đối với lợn nái nuôi con cần 6 - 8 m2/đàn, lợn nái chửa 2,5 - 3m2/con, lợn thịt 2 m2/con.

- Đối với lợn nuôi thịt thương phẩm, mỗi ngày tắm cho lợn từ 1 đến 2 lần.

- Cho lợn uống đủ nước sạch, bổ sung Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải… để giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng.

- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin: Phó thương hàn, dịch tả, tụ huyết trùng… để tăng khả năng miễn dịch, phòng chống bệnh xâm nhập vào cơ thể lợn. Nếu lợn bị ốm, phải cách ly để chăm sóc và theo dõi riêng.

Tăng cường chăm sóc lợn nái, lợn con đang bú mẹ.

1.2. Đối với đàn trâu, bò, dê

- Chăn thả khi thời tiết dịu mát: Buổi sáng, chăn thả trâu bò sớm từ 6 giờ đến 8 giờ; buổi chiều, chăn thả muộn từ 16 giờ đến 18 giờ. Khi trời nắng và nền nhiệt độ tăng cao, nên đưa trâu bò vào dưới tán cây xanh để trâu bò nghỉ ngơi.

- Mật độ nuôi nhốt: Trâu, bò nuôi thịt từ 5 - 6 m2/con; dê từ 1,8 - 2 m2/con.

- Cho trâu, bò ăn đủ no, đủ dinh dưỡng, uống nước sạch và bổ sung Vitamin C để giải nhiệt nhằm đảm bảo sức khoẻ, tăng khả năng chống nóng và bệnh tật

- Mỗi ngày nên cho trâu, bò tắm từ 1 đến 2 lần để giảm nhiệt cơ thể.

- Cách ly gia súc ốm để chăm sóc và theo dõi riêng. Tăng cường chăm sóc gia súc có chửa và gia súc mới đẻ.

- Thường xuyên diệt côn trùng chích hút gây hại cho gia súc

1.3. Đối với gia cầm

- Cho gia cầm ăn sớm, ăn xong treo máng ăn lên để thoáng chuồng nuôi.

- Giảm mật độ nuôi nhốt để giảm nhiệt độ trong chuồng nuôi.

- Cung cấp đầy đủ nước sạch cho gia cầm uống tự do.

- Giảm độ dầy đệm lót cho phù hợp để tránh sinh nhiệt cao ở chuồng nuôi.

- Khi thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn cây quanh chuồng hoặc phun nước lên mái chuồng nuôi để giảm bớt nhiệt độ.

- Đối với gà đẻ có thể chết đột ngột vào những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ ngoài trời > 350C, nhiệt độ trong chuồng nuôi > 400C thì chức năng tỏa nhiệt của gà kém hiệu quả dẫn đến cơ thể gà tích nhiệt và chết; vì vậy đối với gà đang đẻ nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt hàm lượng đạm trong khẩu phần và bổ sung cho ăn thêm rau xanh.

- Tăng sức đề kháng cho gia cầm bằng cách cho uống Bcomplex, Vitamin C, chất điện giải… sử dụng thức ăn có chất lượng tốt, phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vắcxin: Newcastle, cúm, dịch tả vịt, tụ huyết trùng… để tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm xâm nhập; cách ly gia cầm ốm, yếu vào ô chuồng riêng để theo dõi chăm sóc.

Trên đây là hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống nắng nóng cho gia súc, gia cầm. Đề nghị người chăn nuôi áp dụng và thực hiện để đạt hiệu quả cao./.