,

Dịch bệnh

Chăn nuôi nhỏ lẻ: Nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Trên địa bàn tỉnh, số lượng các trang trại chăn nuôi quy mô tập trung vẫn còn tương đối ít, trong khi việc chăn nuôi chủ yếu dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún trong dân. Điều này tác động rất lớn đến công tác phòng chống dịch bệnh của tỉnh, nhất là trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm đang có dấu hiệu tái phát tại nhiều địa phương.
 

Ngày 2-4, đàn lợn 13 con của gia đình ông Tướng Văn Tem, thôn Ngòi Tèo, xã Minh Dân (Hàm Yên) ốm chết, sau khi lấy mẫu bệnh phẩm kiểm tra, xét nghiệm, kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Toàn bộ đàn lợn sau đó đã bị tiêu hủy. Minh Dân vừa công bố hết dịch tả lợn châu Phi chưa đầy tháng, một số hộ dân bắt đầu quay trở lại tái đàn chăn nuôi, nhưng do nhiều nguyên nhân, đã khiến dịch bùng phát trở lại. Cũng trong ngày 2-4, trên địa bàn xã này phát hiện 1 hộ chăn nuôi gà chết không rõ nguyên nhân, sau khi lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương để xác định nguyên nhân. Kết quả, mẫu bệnh phẩm gia cầm của hộ gia đình này dương tính với bệnh cúm gia cầm type A/H5N6. Hộ gia đình này quy mô chăn nuôi chưa đầy 200 con, việc chăn nuôi chủ yếu tận dụng diện tích đất vườn quanh nhà để chăn thả.

Ông Nguyễn Bá Lệ, Chủ tịch UBND xã Minh Dân cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 400 hộ chăn nuôi lợn, tổng đàn khoảng 3.000 con và trên 900 hộ chăn nuôi gia cầm, tổng đàn trên 35 nghìn con. Theo ông Lệ, hầu hết các hộ chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm đều có quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, khoảng vài chục con lợn, vài chục con gà, chỉ có một số ít hộ gia đình chăn nuôi theo quy mô gia trại, nhưng số lượng cũng chỉ dao động trên dưới 50 con lợn, vài trăm con gà. Mặc dù đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp vệ sinh tiêu độc khử trùng, nhưng do tập quán chăn nuôi, nhiều hộ chưa thực sự chú trọng đến các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thêm vào đó, việc sử dụng nguồn con giống không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh luôn thường trực trên đàn gia súc, gia cầm của địa phương.


Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Hợp tác xã nông nghiệp
công nghệ cao Tiến Thành các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chủ yếu dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Ngoài 275 trang trại chăn nuôi lớn, thì số cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ lên đến trên 120 nghìn hộ. Việc chủ động xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra khá khó khăn, không chỉ với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ mà cả các trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Qua thống kê, rà soát, toàn tỉnh hiện mới chỉ có 15 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trong đó có 3 trang trại bò sữa; 3 trang trại gia cầm và 9 cơ sở nuôi lợn.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Công cho biết, do tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, chuồng trại chưa được đầu tư khép kín, nằm xen kẽ trong các khu dân cư khiến việc phòng dịch gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như dịch tả lợn châu Phi. Sau nhiều nỗ lực, dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế. Thế nhưng, chỉ sau vài tháng, đến giữa tháng 4, đã có 10 xã tái phát dịch, gồm Tân Mỹ (Chiêm Hóa); Minh Hương, Minh Dân, thị trấn Tân Yên, Yên Phú (Hàm Yên); Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang); Thượng Ấm, Thiện Kế, Tú Thịnh (Sơn Dương) và Lăng Can (Lâm Bình).

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định, nguy cơ tái bùng phát dịch tả lợn châu Phi ra các địa phương là rất lớn do giá thịt lợn đang ở mức cao, do vậy một số hộ đã nuôi tái đàn trở lại; đa số các hộ chăn nuôi chưa áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có vaccine phòng và thuốc điều trị bệnh, trong khi công tác tiêu độc khử trùng tại các hộ thực hiện chưa tốt, đặc biệt tại những vùng đã xảy ra dịch bệnh năm 2019. Trước đó, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở Tuyên Quang từ tháng 5-2019 tại 746 thôn, bản thuộc 126 xã, phường, thị trấn trên đàn lợn của 4.077 hộ dân. Số lượng lợn phải tiêu hủy là hơn 29 nghìn con, tương đương 1.410 tấn, gây thiệt hại nặng cho người chăn nuôi.

Đối với các hộ chăn nuôi gia cầm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã khoanh vùng, xác định thêm 3 xã nằm trong nguy cơ cao, gồm xã Minh Khương, Phù Lưu, Yên Phú của huyện Hàm Yên. Chính quyền địa phương các xã này đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi, hiện đang tổ chức tiêm phòng theo quy định.

Việc chăn nuôi nhỏ lẻ không thể thay đổi một sớm một chiều. Vì vậy, để hạn chế tối đa thiệt hại do dịch bệnh có thể xảy đến với đàn vật nuôi của tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi các quy định của pháp luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm. Đơn vị cũng phối hợp với các địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh chủ động, đặc biệt chú trọng công tác tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, phát hiện, xử lý kịp thời, triệt để tại chỗ không để lây lan rộng, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tái đàn phù hợp đúng quy định; khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, tập trung; chăn nuôi nông hộ có kiểm soát, bảo vệ môi trường.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục