,

Dịch bệnh

Hướng dẫn biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Để chủ động trong công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm, ngăn chặn nguy cơ xảy ra dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra trên địa bàn tỉnh, trong Chuyên mục Khuyến nông hôm nay Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm như sau:

1. Triệu chứng của bệnh

 - Loài mắc bệnh: Bao gồm gà, vịt, ngan, ngỗng, đà điểu, các loài chim... và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi, bệnh có thể lây lan sang người. Thời kỳ lây truyền kéo dài từ 3 đến 7 ngày, thời gian ủ bệnh từ 1 ngày đến 3 ngày và có thể kéo dài hơn tùy theo độc lực của vi rút.

 - Gia cầm bị bệnh cúm thường đi run rẩy, đầu lắc hoặc nằm tụ từng đám; đường hô hấp có biểu hiện như ho, thở khò khè, phù đầu, chảy nước mũi, mào tím tái, xuất huyết dưới da...; phân loãng có màu trắng hoặc trắng xanh...

 - Tỷ lệ mắc bệnh cúm và chết tùy thuộc vào loài vật mắc bệnh, độc lực của virus gây bệnh cũng như tuổi mắc và điều kiện môi trường. Trường hợp virus gây bệnh có độc lực cao làm cho một số loại gia cầm có thể chết 100%.

 2. Đường lây lan của bệnh cúm gia cầm

Căn bệnh này có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp giữa các con gia cầm trong cùng đàn với nhau và cũng có thể lây lan gián tiếp qua phân thải của gia cầm, dụng cụ chăn nuôi và quần áo, giày dép,... của người hoặc phương tiện vận chuyển đi từ nơi có bệnh đến làm lây lan dịch bệnh.

3. Biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm

Phòng bệnh bắt buộc bằng vắc xin và thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi là giải pháp tốt nhất nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của mầm bệnh như vi rút, vi khuẩn… để bảo vệ đàn gia cầm an toàn dịch bệnh.

- Chuồng nuôi gia cầm, thủy cầm phải đảm bảo diện tích phù hợp, cách xa chuồng nuôi động vật khác, xa khu dân cư, đường giao thông lớn và khu công cộng như chợ, cơ sở giết mổ động vật, trường học, bệnh viện...; có hố khử trùng, tường rào xây bao với chiều cao tối thiểu 2m. Cơ sở hành chính của trại phải cách biệt khu chăn nuôi.

- Trại nuôi gia cầm phải được phân thành các khu như: Khu ấp nở xuất bán, khu gà con, gà hậu bị, gà đẻ… và phải có khu riêng biệt để nuôi gà mới nhập về. Không nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm trong cùng một trại. Gà nuôi thả vườn tự do nên dùng lưới quây lại thành khu để thuận lợi cho việc vệ sinh, khử trùng như đối với một trại kín.

- Cùng nhập, cùng xuất: Không nên nuôi gối các lứa và luân chuyển trong cùng một trại. Sau mỗi đợt xuất bán hết gia cầm, phải vệ sinh tiêu độc, khử trùng và để trống chuồng trong một thời gian rồi mới thả đợt mới. Thực hiện cách ly và kiểm soát gia cầm giống mới nhập về ít nhất 14 ngày.

 - Hạn chế khách tham quan, người vào khu chăn nuôi cần có quần áo, bảo hộ lao động đảm bảo vệ sinh dùng riêng trong khu chăn nuôi và hạn chế đi lại; đồng thời có biện pháp ngăn các động vật như chó, mèo, chim, chuột, côn trùng khác xâm nhập vào chuồng nuôi.

- Dụng cụ, thiết bị chăn nuôi, thức ăn, nước uống: Mỗi khu trại chăn nuôi phải có dụng cụ riêng, không mang các sản phẩm thịt gia cầm vào trại để sử dụng.

- Các phương tiện vận chuyển trước khi vào trại phải được khử trùng bằng hoá chất và xử lý kỹ phần bánh xe, gầm xe.

- Vệ sinh chuồng trại: Định kỳ hàng tuần phải vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực chuồng trại; phát quang, khơi thông cống rãnh, rắc vôi bột, phun xịt thuốc sát trùng, thu dọn, xử lý kỹ chất thải trong trại, chất độn chuồng thay ra phải được khử trùng hoặc chôn, đốt.

- Phải có hố sát trùng, dụng cụ phun xịt ở cổng trại; khu chăn nuôi phải có các khay đựng thuốc sát trùng; hàng ngày phải vệ sinh dụng cụ chăn nuôi như xô, chậu, máng ăn, máng uống …

- Khi thấy gia cầm có hiện tượng ốm, chết nghi mắc cúm gia cầm, phải báo ngay cho cán bộ thú y và chính quyền địa phương. Không bán hoặc ăn thịt gia cầm ốm, gia cầm trong đàn bị bệnh, không vứt xác gia cầm chết và chất thải bừa bãi. 

- Gia cầm đã tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm chỉ được xuất bán, giết thịt sau khi tiêm phòng đủ 14 ngày và gia cầm phải khoẻ mạnh, không có biểu hiện bệnh.

Trên đây là hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Đề nghị người chăn nuôi gia cầm thực hiện tốt để đạt hiệu quả kinh tế cao./.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục