,

Lâm nghiệp

Phát triển rừng gỗ lớn nâng cao giá trị kinh tế rừng trồng

Xã Thái Bình là một trong những xã có diện tích rừng trồng sản xuất lớn của huyện Yên Sơn, đến hết năm 2021 toàn xã có 1.649,26 ha rừng trồng sản xuất. Thực hiện chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2018 - 2021 theo Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐND ngày 25/7/2017 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025.

 Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Thái Bình phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Yên Sơn đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn kỹ thuật đến người dân trong việc trồng rừng tập trung thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn đối với cây keo mang lại hiệu quả và lợi ích thiết thực đối với đời sống của người dân làm nghề rừng. Đến hết năm 2021, đã có 190 hộ đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC với trên 1400 ha và đã cấp chứng chỉ được 397,3 ha.

Anh Bình chăm sóc vườn rừng của gia đình

 Theo đánh giá của một số chủ rừng thì hiệu quả kinh tế của việc chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ (rừng nguyên liệu) với chu kỳ từ 5 - 7 năm sang rừng gỗ lớn với chu kỳ từ 10 - 12 năm trở lên sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 2 đến 3 lần. Gia đình ông Nguyễn Đức Bình, thôn 2, xã Thái Bình hiện có 12 ha đất trồng rừng, trong đó có 06 ha trồng cây keo lai, 06 ha cây keo tai tượng. Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến về chính sách khuyến khích và hỗ trợ chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, ông Bình đã mạnh dạn đăng ký với diện tích 04 ha rừng chuyển hóa sang trồng rừng gỗ lớn với chu kỳ khai thác từ 10-12 năm để tăng sản lượng và giá trị khi thu hoạch. Ông Bình cho biết: "Trong năm 2021 gia đình ông khai thác 4,2 ha ở năm thứ bảy, diện tích này vẫn còn là rừng gỗ nhỏ, chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ bóc hoặc làm nguyên liệu cho nhà máy giấy giá trị chỉ đạt khoảng 107 triệu đồng/ha, thì đối với rừng gỗ lớn tôi chỉ cần để cây thêm 4 - 5 năm nữa có thể cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha, chỉ cần chăm nom bảo vệ mà không mất nhiều chi phí gì thêm”.

Ông Trần Xuân Phát, thôn 9, xã Thái Bình hiện có hơn 12 ha đất trồng cây keo lai để phát triển kinh tế gia đình, trung bình mỗi năm gia đình anh khai thác 2 - 3 ha rừng trồng ở giai đoạn 7 đến 8 năm tuổi với giá trung bình 100 triệu/ha nhưng khi được tuyên truyền về hiệu quả kinh tế của trồng rừng gỗ lớn gia đình ông cũng có nguyện vọng muốn chuyển hóa diện tích 4 ha sang rừng gỗ lớn.

Phát triển thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn, ngoài nâng cao hiệu quả kinh tế rừng trồng còn tạo vùng nguyên liệu tập trung, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Sản xuất kinh doanh rừng gỗ lớn cũng giảm bớt số lần khai thác và chi phí trồng lại rừng. Đồng thời, hạn chế xói mòn, rửa trôi đất do quá trình khai thác rừng gây ra. Rừng gỗ lớn còn có khả năng hấp thụ cacbon, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu.  Tuy nhiên, việc phát triển rừng gỗ lớn cần nguồn vốn ổn định, trong khi đó, điều kiện kinh tế nhiều hộ trồng rừng còn khó khăn. Do đó, một số người dân vẫn đang duy trì việc trồng và khai thác rừng nguyên liệu gỗ nhỏ để đảm bảo kinh tế gia đình chứ chưa nghĩ đến lợi ích lâu dài từ chủ trương chuyển đổi sang rừng gỗ lớn.

Ông Trần Văn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình chia sẻ: “Qua nắm bắt tình hình cho thấy, bà con đang dần thay đổi nhận thức trong việc trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp. Chính vì vậy, chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân, các chủ rừng tiếp tục phát triển cây gỗ lớn dài hạn, bởi hiệu quả kinh tế mà nó mang lại, nhất là trong điều kiện nhu cầu sử dụng gỗ lớn để phục vụ công nghiệp chế biến ngày càng tăng cao. Từ đó, hướng tới mục tiêu phát triển rừng bền vững, góp phần chống xói mòn và tạo “lá chắn xanh” trong phòng chống thiên tai”.

Có thể thấy, chủ trương trồng rừng gỗ lớn là một trong những giải pháp nhằm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến đồ gỗ. Để nhân rộng mô hình này, cùng với các cấp, ngành, các doanh nghiệp cùng người trồng rừng cần quan tâm, mạnh dạn phát triển rừng gỗ lớn, góp phần đem lại lợi ích lâu dài, đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng và nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn./.

Bài, ảnh: Dương Thị Kim Cúc - TTKN

Tin cùng chuyên mục