Dưa lê (Cucumis Melon) một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao trong họ bầu bí (Cucubitaceae) Quả chín có mùi thơm, vị ngọt mát được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên trong sản xuất hiện nay cho thấy một thực trạng báo động về việc lạm dụng các loại hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến nguy cơ tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Nhiều vụ ngộ độc cấp tính đã xảy ra, điều này khiến cho người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm, hoạt động sản xuất của nông dân bị ảnh hưởng. Với mục tiêu khôi phục và tạo dựng lại niềm tin ở người tiêu dùng năm 2011 mô hình sản xuất dưa lê siêu sạch, siêu ngọt đã được triển khai tại Trung tâm ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc. Kết quả cho thấy: cây dưa sinh trưởng phát triển thuận lợi, quả dưa lê giòn, mùi thơm và đặc biệt mô hình hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Riêng đối với chỉ tiêu về độ đường trong quả, do điều kiện nhà lưới thực hiện mô hình thuộc kiểu nhà lưới hở vì vậy mà Brix có sự biến động giữa các đợt quả (lứa quả sinh trưởng gặp mưa nhiều, độ đường thấp hơn những lứa quả sinh trưởng trong điều kiện trời khô ráo, có nắng).
Để mô hình có thể được nhân rộng và phát triển trong sản xuất, chúng tôi xin hướng dẫn bà con về cách quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) và một số điểm lưu ý trong sản xuất dưa lê siêu sạch, siêu ngọt.
ICM ở đây hiểu đơn giản:
- Phải trồng những cây dưa khỏe, sạch bệnh sau đó tiến hành chăm sóc quản lý chế độ dinh dưỡng cho cây đầy đủ, hợp lý để tăng cường khả năng chống chịu của cây trồng đối với dịch hại.
- Thường xuyên kiểm tra thăm đồng, tỉa bỏ lá già, cành nhánh vô hiệu, tạo môi trường thông thoáng để dễ dàng quản lý dịch hại.
Để thực hiện tốt được các thao tác này: đất phải được xử lý mầm bệnh, cỏ dại, bón phân chuồng hoai mục trước khi trồng 1 tuần.
Giống dưa lê được sử dụng phải là giống được đảm bảo hoàn toàn về nguồn gốc xuất sứ, hạt giống được qua xử lý mầm bệnh, cỏ dại. Hạt giống được gieo trên khay xốp sau 7- 10 ngày phát triển thành cây con có 1 lá thật (1 lá nhám), lựa chọn các cây khỏe, đẹp đem ra trồng.
Đối với việc quản lý dinh dưỡng cho cây, phải tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của giống, bón phân đúng giai đoạn sinh trưởng và đủ lượng.
Với cách làm như trên bà con hoàn toàn có thể kiểm soát được sâu bệnh và dịch hại trong sản xuất dưa lê siêu sạch.
Tuy nhiên để đảm bảo cho dưa có vị ngọt đậm, sản phẩm đưa ra thị trường thật sự là những quả dưa siêu sạch, siêu ngọt một lưu ý nhỏ chúng tôi muốn đề cập tới: Quả dưa sau khi hình thành (khi hoa cái được thụ phấn héo) 15 ngày yêu cầu điều kiện thời tiết có nắng, điều kiện đất hạn nhẹ. Điều này sẽ giúp cho quá trình vận chuyển và tích lũy vật chất vào trong quả tốt hơn, lượng nước tự do sẽ giảm, độ đường trong quả sẽ tăng lên.
Với yêu cầu như vậy sản xuất trong nhà có mái che mưa đơn giản, điều chỉnh được độ ẩm trong đất chắc chắn sẽ cho ra thị trường những quả dưa lê thật sự sạch, siêu ngọt.
Nguồn: Sở KHCN Vĩnh Phúc, đăng ngày 7/8/2014