,

Sâu, bệnh hại

Trồng Na ghép cho hiệu quả kinh tế cao

Phong trào trồng na trên địa bàn huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La trong một vài năm trở lại đây ngày càng phát triển mạnh. Nhiều hộ dân nơi đây đã có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm từ loại cây này. Người trồng na giờ đây đã có thể tự cấy ghép điều chỉnh số lượng quả trên cây sao cho hợp lý để quả vừa to, đẹp vừa cho chất lượng tốt nhất để cạnh tranh với các sản phẩm na trên thị trường.
Anh Trần Bá Khánh, ở thị trấn Hát Lót, chủ nhân của gần 3 ha na cho biết: Đây là thời điểm quan trọng nhất đối với quá trình sinh trưởng và phát triển của quả na. Ngoài việc phải lựa chọn, vứt bỏ những quả na không đạt yêu cầu giúp cho cây na ra quả to, mắt đều, người trồng na còn phải chú ý đến các bệnh như nám vỏ, các loại nấm và đặc biệt là diệt ruồi và ong không để chúng trích vào quả vì nếu quả na bị trích vỏ sẽ bị thâm, rất khó bán.
 

Cây Na ghép (Ảnh sưu tầm)

Nhờ áp dụng các dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và học hỏi từ những người trồng na ở các tỉnh khác, người trồng na ở Mai Sơn đã tự ghép được sản phẩm na cho quả to, chín đúng vụ và đặc biệt là hương vị rất thơm ngon. Chia sẻ về những kinh nghiệm ghép na, anh Khánh cho biết: Quan trọng nhất trong quá trình cấy ghép là quá trình thụ phấn cho na, nếu thời tiết thuận lợi thì có thể thụ phấn bất cứ thời điểm nào, nhưng nếu thời tiết khô và nắng thì phải thụ phấn vào buổi sáng tầm 7-9h, khi ấy tỷ lệ đậu quả sẽ rất cao. Ngoài ra, phải tính toán tùy theo đặc tính của cây na để thụ phấn, nếu cây không có lực tốt sẽ không thể thụ phấn nhiều.

Theo anh Khánh, trước đây ở Mai Sơn, cây na chỉ có vài hộ trồng, nhưng nhờ hiệu quả kinh tế mà cây na mang lại nên từ năm 2004 đến nay, diện tích trồng na đã không ngừng mở rộng, hiện nay trên địa bàn huyện Mai Sơn có gần 80ha na, chủ yếu ở thị trấn Hát Lót và xã Cò Nòi. Na ở đây chủ yếu là giống na dai, năng suất bình quân khoảng 8-10 tấn/ha. Nhờ thu nhập từ cây na mà đời sống của người dân nơi đây được nâng lên, sau cây ngô, cây na đã dần trở thành cây trồng thoát nghèo chính của người dân.

Anh Trần Bá Cường, một trong những hộ trồng na nhiều nhất thị trấn hát lót cho biết: Gia đình anh hiện đang trồng khoảng hơn 4 ha na, những năm trước đây do chưa có kinh nghiệm trong việc ghép cũng như chăm sóc na nên sản lượng và năng suất rất thấp, song những năm gần đây do tự mày mò nghiên cứu lẫn học hỏi kinh nghiệm trồng na từ những hộ đi trước, anh đã tự ghép na thành công. Na ghép cho quả to, hình thức đẹp, chất lượng lại ngon nên rất dễ bán, hơn nữa, một vài năm gần đây, na vừa được mùa, được giá nên gia đình anh cũng có thu nhập khá cao từ na. Năm ngoái sau khi trừ hết chi phí con giống, phân đạm, tiền thuê người làm anh còn thu về được khoảng 200 trăm triệu đồng.

Việc tiêu thụ sản phẩm na hiện nay cũng hết sức dễ dàng, xã Cò Nòi và thị trấn Hát Lót nằm ngay trên trục đường Quốc lộ 6 tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình mua bán và vận chuyển na tới các địa phương khác để tiêu thụ. Theo ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Cò Nòi, trong mấy năm trở lại đây, phong trào trồng na trên địa bàn xã phát triển mạnh, đặc biệt là việc trồng na xen canh với cây cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ nông dân trong xã đã vươn lên làm từ việc trồng na ghép. Hiện xã đang có chủ trương khuyến khích người nông dân chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng na đồng thời đang xây dựng các phương án để có thể hỗ trợ cho các hộ trồng na một cách hiệu quả nhất.
Ông Trần Xuân Quang, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mai Sơn cho biết: Mô hình trồng na ghép đã được người dân trong địa bàn huyện trồng khá phổ biến trong một vài năm trở lại đây và cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện trên địa bàn huyện có khoảng 30 hộ trồng na. Mỗi gia đình ít nhất có khoảng 1,5 ha với thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên mỗi vụ.

Tuy nhiên, cách ghép na của người dân đa số vẫn là tự học hỏi nghiên cứu là chính nên khi cấy ghép vẫn còn gặp không ít khó khăn. Trong thời gian tới, phòng nông nghiệp sẽ sớm có kế hoạch mở các lớp tập huấn cách thức trồng và chăm sóc na, mặt khác sẽ đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm na trên thị trường để giúp người trồng na trên địa bàn dễ dàng cho việc tiêu thụ sản phẩm./.
 
Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đăng ngày 3/7/2014

Tin cùng chuyên mục