,

Nông thôn mới

'Lột xác' nhờ một đề án về kinh tế vườn

Đề án 548 đã khơi dậy được nội lực tiềm ẩn của huyện Tiên Phước (Quảng Nam), góp phần đưa ngành nông nghiệp của địa phương này 'lột xác' sau 5 năm triển khai.

Đánh thức tiềm năng kinh tế vườn

Nhắc đến nét đẹp ở những vùng quê xứ Quảng, không thể không nói đến vùng đất trung du Tiên Phước. Nơi đây hội đủ nét đẹp của sông, của núi, của những mảnh vườn mướt màu xanh cây trái và cả những ngôi nhà cổ mê đắm lòng người. Ở đây, dưới khung cảnh thanh bình của làng quê, cuộc sống của người dân nhẹ nhàng, bình dị nhưng không kém phần sung túc, đủ đầy.

Những kết quả đó là cả quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của chính quyền và người dân trong việc thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 548) do UBND huyện Tiên Phước khởi xướng.

Phong trào cải tạo vườn tạp đã nhanh chóng có bước đột phá từ khi Đề án 548 của huyện Tiên Phước ra đời. Ảnh: Q.H.

Nhắc lại thời điểm trước khi Đề án 548 ra đời, ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chia sẻ, người dân địa phương này vốn có truyền thống làm vườn từ lâu đời. Qua nhiều thời kỳ, những khu vườn được cải tạo, nâng cấp, tu bổ và chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, quyết định sản xuất, thu nhập, đời sống của phần lớn người dân địa phương.

Vườn cây của người dân Tiên Phước được cơ cấu nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, theo kiểu vườn sinh thái đa cây, đa con, đa tầng, trong đó có những loại cây đặc sản của Tiên Phước và Quảng Nam như tiêu, lòn bon, thanh trà, dó, sầu riêng, măng cụt…

“Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại chỉ dừng lại ở khâu sản xuất. Mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa hình thành, mức độ đầu tư thâm canh, áp dụng cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ chưa được chú trọng. Điều này dẫn đến năng suất, chất lượng nông sản còn thấp, giảm khả năng cạnh tranh”, ông Anh nói.

Với những tiềm năng, lợi thế, cùng với truyền thống đã có từ lâu đời, những năm qua, huyện Tiên Phước xác định kinh tế vườn chính là thế mạnh, ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. UBND huyện đã xây dựng, ban hành nhiều đề án, dự án, kế hoạch nhằm thực hiện có hiệu quả định hướng này. Kết quả nổi bật nhất chính là từ Đề án 548.

Trong Đề án này, có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp sau đầu tư đến hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp như: Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; giống cây trồng, vật tư; cải tạo mặt bằng vườn; hệ thống nước tưới; xây dựng công trình thủy lợi nhỏ; giao thông trong làng… để xây dựng mô hình trang trại, gia trại, mô hình trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu và chỉnh trang vườn đạt tiêu chí xanh, sạch đẹp..

Sau 5 năm, Đề án 548 đã đi vào cuộc sống, thay đổi trình độ sản xuất của người dân huyện Tiên Phước. Ảnh: Lê Khánh.

Nhìn chung, các cơ chế hỗ trợ theo Đề án 548 cụ thể, thiết thực, được người dân hưởng ứng thực hiện, phát huy hiệu quả. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2018 - 2019), nguồn vốn ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho huyện Tiên Phước thực hiện Đề án 548 là 20 tỷ đồng.

UBND huyện cũng đã thành lập Ban điều hành Đề án 548, Hội đồng thẩm định, Hội đồng nghiệm thu do Phó Chủ tịch UBND huyện làm trưởng ban.Trên cơ sở nguồn lực được phân bổ hằng năm và thứ tự ưu tiên của các địa phương, Hội đồng thẩm định cấp huyện tổ chức thẩm định, phê duyệt phương án cho từng hộ gia đình để tổ chức thực hiện.

​Bên cạnh đó, nguồn vốn sự nghiệp và vốn đầu tư hạ tầng cho phát triển kinh tế vườn, trang trại của địa phương này cũng tăng lên đáng kể. Nhiều công trình giao thông, thủy lợi được đầu tư, tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển hàng hóa và cung cấp nước tưới cho cây trồng, từ đó hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế vườn, trang trại và quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất.

Sức bật từ Đề án 548

Đến nay, đi dọc các xã từ Tiên Thọ, Tiên Kỳ, Tiên Cảnh, Tiên Châu, Tiên Hà… (huyện Tiên Phước), không khó để bắt gặp những vườn cây trái xanh tốt, trĩu quả được trồng ngay hàng, thẳng lối. Một bầu không khí trong lành, ngát hương của các loài hoa quả là những gì có thể cảm nhận được khi đặt chân đến vùng đất này.

Khu vườn rộng hơn 1ha với đủ các loại cây trái như lòn bon, măng cụt, mít, chuối… là thành quả mà ông Phạm Văn Tuyết (trú thôn Hội An, xã Tiên Châu, huyện Tiên Phước) kiên trì cải tạo nhiều năm qua theo định hướng phát triển kinh tế vườn của huyện.

Từ những gốc cây ăn quả hàng chục năm tuổi trong vườn nhà, ông Tuyến được UBND huyện Tiên Phước hỗ trợ 15 triệu đồng theo Đề án 548 vào năm 2019. Với số tiền đó, cùng với sự chỉ dẫn của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, ông đã tiến hành chỉnh trang vườn tược, trồng thêm hàng trăm gốc chuối, măng cụt, sầu riêng, cau, tiêu… theo hướng xen canh.

Nhờ đất đai màu mỡ, chăm bón đúng quy trình, vườn cây của ông phát triển nhanh. “Mỗi mùa lại có mỗi loại cây cho thu hoạch. Những cây có giá trị cao như lòn bon, năm được mùa cũng cho thu khoảng 4 tấn, còn cây măng cụt được vài tạ, chưa kể thu hoạch lai rai từ các loại cây khác. Nói chung, thu nhập từ vườn cây cũng dư sức trang trải cuộc sống gia đình”, ông Tuyết vui vẻ nói.

Ông Thái Nguyên Khoa (trú thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) lại tập trung phát triển 1 loại cây duy nhất là măng cụt. Hiện nay, trong khu vườn rộng 1ha của mình, gia đình ông Khoa có hơn 100 cây măng cụt đã cho thu hoạch. Để nâng cao giá trị cho cây trồng này, ông Khoa đã can thiệp các biện pháp nhằm cho cây ra quả vào đúng dịp cuối năm, lệch vụ với các nhà vườn ở miền Nam.

"Năm nào cũng vậy, vườn tôi có khoảng 70 – 80% số lượng cây cho trái vào tháng 11. Thời điểm này giá bán măng cụt rất cao, dao động từ 110.000 – 130.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi thời điểm chính vụ (tháng 6 - 7). Nhờ đó, như năm vừa rồi, vườn măng cụt của tôi đạt sản lượng đến hơn 2 tấn, doanh thu 240 triệu đồng, trừ chi phí, gia đình mang về thu nhập hơn 200 triệu đồng”, ông Khoa tâm sự.

Ngoài tập trung phát triển kinh tế vườn, Đề án 548 còn hỗ trợ người dân cải tạo không gian nhà cửa, cảnh quan để phát triển du lịch. Trong đó nổi bật nhất là hệ thống những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm ở làng Lộc Yên (xã Tiên Cảnh). Với vẻ đẹp cổ kính, mộc mạc đậm chất làng Việt cổ xưa, mỗi năm, tính riêng làng cổ Lộc Yên có khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan.

Theo UBND huyện Tiên Phước, tính đến nay, sau 5 năm, tổng kinh phí từ Đề án 548 hỗ trợ cho người dân khoảng gần 650 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện có 724 hộ chỉnh trang vườn nhà. Diện tích vườn toàn huyện đạt 5.882ha, tăng 561ha so với năm 2015. Diện tích vườn được cải tạo, cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả kinh tế cao đạt 3.984ha.

Những ngôi nhà cổ kết hợp với hệ sinh thái vườn nhà là điều kiện để
​ huyện Tiên Phước phát triển du lịch nông thôn. Ảnh: L.K.

Ông Nguyễn Hùng Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết, có được sự thay đổi như ngày hôm nay chính là nhờ sự tin tưởng, ủng hộ của người dân các xã đối với Đề án 548. Người dân thực sự là chủ thể, là mục tiêu quan trọng mà Đề án hướng tới. Từ đó đã dần thay đổi cách làm nông nghiệp truyền thống, từng bước làm giàu từ chính mảnh vườn của mình, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp huyện Tiên Phước.

“Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những năm qua, thiên tai, dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển kinh tế vườn của người dân. Do đó, để tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro, thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng các mô hình, tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt như: Ứng dụng các giải pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trong quá trình canh tác, áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm để chống hạn mùa khô. Đồng thời, xây dựng mô hình bảo vệ chống ngã đổ trên các loại cây ăn quả chủ lực ứng phó với biến đổi khí hậu làm điểm học tập cho nhân dân ứng dụng”, ông Hùng nói.

Giá trị thu nhập từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại của huyện Tiên Phước đã tăng bình quân 60 triệu đồng/ha (năm 2015) lên 120 triệu đồng/ha (2020). Thu từ kinh tế vườn, kinh tế trang trại tăng bình quân 30 triệu đồng/hộ (năm 2015) lên 50 triệu đồng/hộ (năm 2020). Tỷ trọng kinh tế vườn, kinh tế trang trại năm 2020 đạt 390.412 triệu đồng, chiếm 35,6% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục