,

Cải cách hành chính

Dịch vụ công trực tuyến: Phải chuyển từ lượng sang chất

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 của Chính phủ đạt được kết quả quan trọng, trong đó 25/25 dịch vụ công trực tuyến (DVC) thiết yếu của Đề án đã cơ bản được triển khai đồng bộ. Việc cung cấp DVC trực tuyến thiết yếu cho người dân đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, từng bước hướng tới là cung cấp DVC trực tuyến cần chuyển từ số lượng sang chất lượng.

Triển khai đồng bộ

Ngay sau khi có Quyết định phê duyệt Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của Đề án 06 đối với việc chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký, ban hành Kế hoạch số 32/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở cụ thể hóa 7 quan điểm chỉ đạo và mục tiêu tổng quát Đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ Căn cước công dân gắn chíp trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 phục vụ 5 nhóm tiện ích và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 1.871 Tổ Công nghệ số cộng đồng (cấp xã: 138, cấp thôn: 1.733) với tổng số 10.217 thành viên, đạt tỷ lệ 100% theo chỉ tiêu đề ra. Tổ Công nghệ cộng đồng đóng vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền hướng dẫn người dân nhận thức được tiện ích của dịch vụ công trực tuyến.

Cán bộ Tư pháp - Hộ tịch và Công an xã Thanh Tương (Na Hang)
hướng dẫn người dân đăng ký hồ sơ TTHC theo hình thức trực tuyến.

Công an tỉnh đã tổ chức thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trên địa bàn, đạt 97.7% và 259.103 người dân tham gia đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2. Kết quả này được Bộ Công an đánh giá tỉnh Tuyên Quang là một trong 5 địa phương có người dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 đạt tỷ lệ cao.

Cùng với đó UBND tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện công tác tuyên truyền; công tác đẩy mạnh tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, đặc biệt đối với 25 DVC thiết yếu; công tác số hóa hồ sơ; tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ TTHC; rà soát và chỉ đạo đầu tư các thành phần công nghệ thông tin thiết yếu cần thiết. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện nhận hồ sơ trực tuyến thông qua hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp bộ; hoặc đã thực hiện cập nhật thông tin hồ sơ TTHC vào cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp bộ để phục vụ quy trình xử lý và trả kết quả TTHC.

Trong năm 2022, tỉnh cung cấp 1.876 dịch vụ hành chính công trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, DVC mức độ 2: 540 dịch vụ, đạt 29%; DVC mức độ 3: 282 dịch vụ, đạt 15%; DVC mức độ 4: 1.054 dịch vụ, đạt 56%. Tỷ lệ DVC trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 76%, gấp 2,17 lần so với cùng kỳ năm 2021. Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng DVC trực tuyến, giúp người dân tiết kiệm tiền, hạn chế đi lại, tạo thói quen thực hiện DVC trực tuyến tại nhà; giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, phòng ngừa nhũng nhiễu, tiêu cực...

Phải tạo dần thói quen cho người dân

Một trong những hạn chế hiện nay đó là bà con chưa tiếp cận được DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức, sự hiểu biết của bà con chưa đầy đủ. Bên cạnh đó là việc sử dụng các phương tiện kết nối dịch vụ công trực tuyến như điện thoại, Internet ở nhà của người dân cũng gặp khó khăn.

Theo báo cáo của Sở Tư pháp, hiện ngành duy trì triển khai cung cấp DVC trực tuyến mức độ 4 đối với 4 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực tư pháp theo quy định. Số hồ sơ được nộp trực tuyến trên Cổng DVC trực tuyến của tỉnh, đạt 52,26%, trong đó cấp tỉnh đạt 82%; cấp huyện, xã đạt 44,4%. Tuy nhiên, việc chỉ đạo rà soát số liệu số hóa sổ hộ tịch trên địa bàn toàn tỉnh còn lúng túng, chậm, chưa khoa học. Việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVC trực tuyến đối với các DVC thiết yếu thuộc lĩnh vực tư pháp tại cấp xã còn hạn chế dẫn đến số lượng hồ sơ trực tuyến tại một số địa phương phát sinh ít. Còn 1 Phòng Tư pháp và 14/138 UBND cấp xã chưa phát sinh hồ sơ chứng thực điện tử.

Huyện Na Hang năm 2022 ở cấp xã, tổng số hồ sơ phát sinh 1.385 hồ sơ, trong đó hồ sơ nộp trực tiếp 1.190 hồ sơ chiếm 86%, còn lại 14% là nộp trực tuyến. Trong đó còn 4 xã (Đà Vị, Hồng Thái, Thanh Tương, Sơn Phú) chưa triển khai tổ chức thực hiện dịch vụ công trực tuyến thiết yếu trong lĩnh vực tư pháp về khai sinh, khai tử, kết hôn.

Anh Đinh Xuân Vĩnh, cán bộ Tư pháp - Hộ tịch xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) cho biết, tỷ lệ hồ sơ 4 dịch vụ công thiết yếu thuộc lĩnh vực tư pháp đăng ký trực tuyến của xã đạt 100%. Nói như vậy không có nghĩa là bà con có thể tự làm mà chủ yếu là do cán bộ tư pháp trực tiếp hỗ trợ. Để làm quen với phần mềm mới mất khá nhiều thời gian mới có thể xong 1 hồ sơ, trước đây mất 15 phút thì nay phải mất 40 phút, còn nếu để người dân tự làm có thể mất cả tiếng đồng hồ. Tuy nhiên đây là cái mới đem lại nhiều lợi ích về lâu dài, bước đầu khó khăn là chuyện bình thường, khi việc đăng ký hồ sơ trực tuyến đối với người dân quen dần thì lúc đó mới có thể nói đến thành công.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Đề án 06, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện Đề án 06 trong thời gian qua mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu. Người đứng đầu các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn tiếp tục quán triệt tầm quan trọng của đề án, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Từ đó phải nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, triển khai sâu rộng đến các cấp, các tầng lớp nhân dân, phát huy vai trò, trách nhiệm của thành viên Tổ công tác thực hiện Đề án 06, tạo điều kiện quan trọng cho công cuộc chuyển đổi số. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm huy động sự tham gia tích cực của các thành viên Tổ công tác, cấp xã, thôn bản thực hiện đề án. Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh theo hướng trực quan để đại đa số người dân hiểu được và thực hiện.          

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục