,

Phổ biến GDPL

Một số nội dung cơ bản của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC gồm 07 Chương, 41 Điều,

Nghị định này thay thế Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương. Sau đây là một số điểm mới và những nội dung chính của Nghị định 61/2018/NĐ-CP như sau:

Thứ nhất: Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

1. Nghị định này quy định về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân.
2. Đối tượng áp dụng là các cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính (các Bộ, cơ quan ngang bộ; UBND các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện); Cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan có thẩm quyền; các Tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện TTHC; Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; các doanh nghiệp, cá nhân được thuê hoặc được ủy quyền thực hiện TTHC theo quy định của pháp luật.

Thứ hai:  Về nguyên tắc thực hiện: 

1. Lấy sự hài lòng của tổ chức, cá nhân là thước đo chất lượng và hiệu quả phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức và cơ quan có thẩm quyền.

2. Việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được quản lý tập trung, thống nhất.

3. Giải quyết TTHC kịp thời, nhanh chóng, thuận tiện, đúng pháp luật, công bằng, bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền.

4. Quá trình giải quyết TTHC được đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá bằng các phương thức khác nhau trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và có sự tham gia của tổ chức, cá nhân.

5. Không làm phát sinh chi phí thực hiện TTHC cho tổ chức, cá nhân ngoài quy định của pháp luật.

6. Cán bộ, công chức, viên chức cơ quan có thẩm quyền thực hiện trách nhiệm giải trình về thực thi công vụ trong giải quyết TTHC theo quy định của pháp luật.

7. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các Điều ước quốc tế có liên quan đến thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.

Thứ ba: Nghị định quy định rõ những hành vi mà cán bộ, công chức, viên chức không được làm trong quá trình giải quyết TTHC như:

1. Cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC;

2. Cản trở tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức nộp hồ sơ, nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo quy định của pháp luật;

3. Cản trở hoặc ngăn chặn trái phép quá trình truyền, gửi, nhận dữ liệu điện tử; thay đổi, xóa, hủy, giả mạo, sao chép, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ nội dung dữ liệu thực hiện TTHC;

4. Tiết lộ thông tin về hồ sơ, tài liệu và các thông tin liên quan đến bí mật của tổ chức, cá nhân hoặc sử dụng thông tin đó để trục lợi.

5. Từ chối thực hiện, kéo dài thời gian giải quyết thủ tục hành chính hoặc tự ý yêu cầu bổ sung hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định của pháp luật;

6. Trực tiếp giao dịch, yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ không thông qua Bộ phận Một cửa, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

7. Đùn đẩy trách nhiệm, thiếu hợp tác, thiếu công bằng, không khách quan, không đúng pháp luật trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính;

8. Ứng xử, giao tiếp không phù hợp với quy chế văn hóa công sở;

9. Các hành vi vi phạm pháp luật khác trong thực hiện công vụ.

* Ngoài ra, Tổ chức, cá nhân có yêu cầu giải quyết TTHC không được thực hiện các hành vi sau đây:

1. Gian lận, mạo nhận, chiếm đoạt, sử dụng trái phép hồ sơ, tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính;

2. Cản trở việc giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân;

3. Dùng các thủ đoạn khác để lừa dối, hối lộ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính;

4. Vu khống, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, mạo danh người khác để tố cáo sai sự thật, không có căn cứ, không có chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền trong hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC;

5. Xúc phạm danh dự của cơ quan có thẩm quyền; dùng vũ lực, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính;

6. Nhận xét, đánh giá thiếu khách quan, không công bằng, không trung thực, không đúng pháp luật, không đúng thực tế với việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan có thẩm quyền trong quá trình hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC;

7. Các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.

Thư tư: Về tổ chức Bộ phận Một cửa:

- Tại cấp tỉnh: Nghị định quy định bộ phận một cửa là tên gọi chung của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công. Đối với cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công là đơn vị hành chính đặc thù thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh, có con dấu để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật của Trung tâm Phục vụ hành chính công do Văn phòng UBND cấp tỉnh bảo đảm và quản lý.

Trường hợp cấp tỉnh chưa đủ điều kiện tổ chức Trung tâm Phục vụ hành chính công, tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, người đứng đầu cơ quan chuyên môn quyết định thành lập Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc văn phòng cơ quan chuyên môn đó.

Thứ năm: Nghị định quy định rõ về Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ phận Một cửa; Trách nhiệm của người đứng đầu Bộ phận Một cửa; Người làm việc tại Bộ phận Một cửa; tiêu chuẩn, trách nhiệm và thời hạn làm việc của công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Một cửa
Về trách nhiệm của người đứng đầu bộ phận một cửa: Trực tiếp điều hành và chịu trách nhiệm trước người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền về toàn bộ hoạt động của Bộ phận Một cửa.

Được thừa lệnh người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền ký các văn bản đôn đốc các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính để bảo đảm việc giải quyết theo đúng quy định; báo cáo, đề xuất với người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý đối với những trường hợp giải quyết thủ tục hành chính không bảo đảm thời gian và chất lượng theo quy định.

Quản lý thời gian làm việc, tiến độ xử lý công việc được giao, thái độ, tác phong, cư xử của cán bộ, công chức, viên chức được cử đến làm việc tại Bộ phận Một cửa; đề xuất với cơ quan cử người thay cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật lao động, có thái độ, tác phong, cư xử không đúng quy chế văn hóa công sở, năng lực chuyên môn không đáp ứng được nhiệm vụ.

Về quy định tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền lợi, thời hạn làm việc của công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa. Cụ thể là cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại bộ phận một cửa cấp bộ, cấp tỉnh, cấp huyện đã được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên hoặc tương đương trở lên; có thâm niên công tác tối thiểu 3 năm trong ngành, lĩnh vực được phân công và được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ; có phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao trong thi hành nhiệm vụ được giao; có tác phong, thái độ giao tiếp, cư xử lịch sự, hòa nhã, cởi mở, thân thiện, chuẩn mực, đúng quy chế văn hóa công sở. Nghị định cũng quy định rõ thời hạn làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được cử đến làm việc tại bộ phận một cửa (không ít hơn 06 tháng và không nhiều hơn 24 tháng mỗi đợt).

Thứ sáu: Cách thức tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC

Tổ chức, cá nhân có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính thông qua các cách thức:
1. Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa;
2. Thông qua dịch vụ bưu chính, qua thuê dịch vụ của doanh nghiệp, cá nhân hoặc qua ủy quyền theo quy định của pháp luật;
3. Trực tuyến tại Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh.

Thứ bẩy: Về tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính

1. Đối với hồ sơ được nhận trực tiếp tại Bộ phận Một cửa hoặc thông qua dịch vụ bưu chính, thì cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận Một cửa phải xem xét, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ; quét (scan) và lưu trữ hồ sơ điện tử, cập nhật vào cơ sở dữ liệu của Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương.

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chưa chính xác theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ phải hướng dẫn đại diện tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ theo quy định và nêu rõ lý do theo mẫu Phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;

b) Trường hợp từ chối nhận hồ sơ, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ phải nêu rõ lý do theo mẫu Phiếu từ chối giải quyết hồ sơ TTHC;

c) Trường hợp hồ sơ đầy đủ, chính xác theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ và lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn ngày trả kết quả.

2. Đối với hồ sơ được nộp trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận Một cửa phải xem xét, kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của hồ sơ.

a) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, chính xác hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết theo quy định, cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận phải có thông báo, nêu rõ nội dung, lý do và hướng dẫn cụ thể, đầy đủ một lần để tổ chức, cá nhân bổ sung đầy đủ, chính xác hoặc gửi đúng đến cơ quan có thẩm quyền. Việc thông báo được thực hiện thông qua chức năng gửi thư điện tử, gửi tin nhắn tới người dân của Cổng Dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh;

b) Nếu hồ sơ của tổ chức, cá nhân đầy đủ, hợp lệ thì cán bộ, công chức, viên chức tại Bộ phận Một cửa tiếp nhận và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.

Thứ tám:  là Yêu cầu đối với Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh phải bảo đảm tính thống nhất trong quá trình đầu tư, xây dựng, tuân thủ nguyên tắc mỗi bộ, ngành, địa phương chỉ có một Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung để tiếp nhận, giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp; bảo đảm khả năng tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để truy xuất dữ liệu TTHC của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh. Hỗ trợ xác thực thông tin công dân, doanh nghiệp thông qua việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các cơ sở dữ liệu khác liên quan…

 Thứ chín: là mã hồ sơ TTHC: mã số hồ sơ TTHC do Hệ thống thông tin điện tử một cửa cấp tự động, được sử dụng thống nhất trong giao dịch giữa cơ quan nhà nước với cá nhân, tổ chức và giữa các cơ quan, đơn vị với nhau.

Thứ mười: là đánh giá việc giải quyết TTHC:

 - Nguyên tắc đánh giá: khách quan, trung thực, chính xác, khoa học, minh bạch, công khai, công bằng, bình đẳng đúng pháp luật trong việc đánh giá và công bố kết quả đánh giá; lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức về chất lượng và tiến độ giải quyết TTHC, kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo đánh giá; bảo mật thông tin cá nhân cung cấp thông tin, hợp tác khảo sát lấy ý kiến đánh giá.

- Thẩm quyền đánh giá: cơ quan có thẩm quyền cấp trên đánh giá chất lượng giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết của cơ quan, đơn vị trực thuộc; tổ chức, cá nhân đến giao dịch giải quyết TTHC đánh giá chất lượng và tiến độ giải quyết TTHC; cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết TTHC tự đánh giá việc thực hiện của cơ quan mình; Văn phòng Chính phủ đánh giá việc giải quyết TTHC tại các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và tổ chức khác đánh giá thực hiện TTHC thông qua điều tra xã hội học theo chương trình, kế hoạch của tổ chức.

- Xử lý kết quả đánh giá

1. Kết quả đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan có thẩm quyền được công khai tại cơ quan và trên trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC.

2. Kết quả đánh giá là một trong những tiêu chuẩn để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết TTHC; xác định trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu cơ quan, đơn vị tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; ưu tiên xem xét việc đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và xem xét khen thưởng, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 21 tháng 6 năm 2018
 

 

Nguyễn Anh Tuấn - Văn phòng Sở

 

Tin cùng chuyên mục