,

Phổ biến GDPL

Quốc hội 14 là nhiệm kỳ 'được mùa' Luật Nông nghiệp

Bởi lẽ đã có tới 5 luật đã được ban hành cộng thêm Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai, đê điều là 6.

Tăng hai năm liên tiếp trên bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của Chính phủ, nhiều băn khoăn liệu Bộ NN-PTNT còn dư địa để cắt giảm thủ tục hành chính những năm tiếp theo hay không, song kết quả năm 2019 cho thấy những nỗ lực không giới hạn, vượt kỳ vọng của ngành nông nghiệp.

PV Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN-PTNT) về nội dung quan trọng này.


Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Kim Anh.

9 luật phủ kín ngành nông nghiệp

Sau khi tăng từ vị trí 13 lên vị trí thứ 7 năm 2017 và tiếp tục tăng lên vị trí thứ 4 năm 2018, vậy năm 2019 Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục cải cách hành chính (CCHC) ở những lĩnh vực nào, thưa bà?

Trong năm 2018, Bộ NN-PTNT tập trung rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, các thủ tục hành chính phục vụ công tác kiểm tra chuyên ngành gồm 34 văn bản.

Đặc biệt, Quốc hội 14 lần này được coi là nhiệm kỳ "được mùa" của luật nông nghiệp khi có tới 5 luật đã được ban hành cộng thêm Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai, đê điều là 6.

Cho đến nay, Bộ NN-PTNT đã có đầy đủ 9 đạo luật qui định điều chỉnh các lĩnh vực về nông nghiệp gồm: Luật Phòng chống thiên tai, Luật Đê điều, Luật Thủy lợi, Luật Thủy sản, Luật Thú y, Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Lâm nghiệp.

Hơn nữa, Luật có hiệu lực từ ngày nào các văn bản hướng dẫn thi hành lập tức có hiệu lực đồng thời ngày đó. Cụ thể, Luật Lâm nghiệp, Thủy sản đã có hiệu lực từ 1/1/2019, các văn bản qui phạm pháp luật hướng dẫn thi hành cũng đã được Bộ NN-PTNT hoàn thành.

Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt có hiệu lực từ 1/1/2020, đến thời điểm này Luật Chăn nuôi đã có 4/4 thông tư đã được Bộ trưởng kí ban hành, Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chăn nuôi đã trên bàn của Thủ tướng để xem xét và kí ban hành trong thời gian tới.

Đối với Luật Trồng trọt, Nghị định 84 hướng dẫn thi hành quản lí về phân bón đã được Chính phủ ban hành. Nghị định 94/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trồng trọt đã được Thủ tướng kí ban hành ngày 13/12/2019. Còn 3/4 thông tư đã được Bộ trưởng kí ban hành, một số thông tư nữa chúng tôi đánh giá nội dung cần phải suy xét thêm nên cũng sẽ ban hành trong vài tuần tới.

Như vậy, trong năm 2019 này chúng tôi đã cơ bản hoàn thiện việc xây dựng về thể chế. Công việc này rất khó bởi nó đòi hỏi không chỉ phù hợp với các đạo luật khác, phù hợp với Hiến pháp mà còn phải phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Vì thế phải hài hòa qui định trong và ngoài nước để hơi thở cuộc sống đi vào trong văn bản qui phạm pháp luật, đồng thời phải giữ được tính ổn định để luật có sự ổn định 10 - 15 năm, các văn bản dưới luật sẽ xem xét để sửa đổi đảm bảo tính đồng bộ, hợp pháp, hợp lí, hài hòa với thông lệ quốc tế cũng như trong quản lí nông nghiệp đặc thù điều kiện của Việt Nam.  

Vượt chỉ tiêu cắt giảm Chính phủ giao

Sau khi đã cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh năm 2018, Chính phủ giao Bộ NN-PTNT tiếp tục cắt giảm tối thiểu 50% trong năm 2019 này liệu có quá sức không, thưa bà?

Cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính là nhiệm vụ mà chúng tôi ngay từ đầu năm đã khẩn trương tiến hành. Thực tế, Bộ NN-PTNT chủ động triển khai từ năm 2018 chứ không phải chờ đến khi có Nghị quyết 02 mới làm.

Theo Nghị quyết 02, Chính phủ đặt ra là quí 1/2019 Bộ NN-PTNT phải hoàn thành cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Nội dung cắt giảm phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ.

Trên tinh thần đó, Bộ NN-PTNT đã rà soát 6 luật, 7 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Từ 2018, Bộ NN-PTNT không còn các thông tư qui định điều kiện kinh doanh nữa mà thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ về quy định đầu tư kinh doanh chỉ được xây dựng ở cấp văn bản nghị định trở lên.

Sau khi rà soát từ luật đến nghị định, chúng tôi xác định có 34 ngành nghề nông nghiệp có điều kiện đầu tư kinh doanh và 272 ngành nghề điều kiện đầu tư kinh doanh còn hiệu lực. Chúng tôi đã đơn giản hóa, cắt giảm 251 điều kiện, trong đó bãi bỏ 115 điều kiện và sửa đổi, đơn giản hóa 136 điều kiện, đạt tỉ lệ 72,7% so với chỉ tiêu Chính phủ đề ra tối thiểu phải 50%. Việc này đã được Bộ NN-PTNT công bố công khai trên cổng thông tin điện tử.

Về các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành, phải nói nông nghiệp là ngành có các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành rất lớn, lên tới 7.698 dòng hàng. Nhưng chúng tôi đã rà soát, cắt giảm một cách tối đa, triệt để, hiện tại chỉ còn 1.768 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành, tỉ lệ cắt giảm là 77%. Trong cắt giảm này chúng tôi đã qui định mã HS tới 8 số đúng hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đặc biệt, có những mặt hàng trước đây phải 2 cơ quan kiểm tra, ví dụ như thức ăn chăn nuôi (TĂCN) nhập khẩu có nguồn gốc động vật, kiểm tra chất lượng là Cục Chăn nuôi, kiểm dịch do Cục Thú y, như vậy doanh nghiệp phải đến 2 nơi, thời gian kéo dài nhiều hơn, chi phí cao hơn.

Theo chỉ đạo của Chính phủ và sự quyết liệt của lãnh đạo Bộ, Ban cán sự Đảng Bộ NN-PTNT quyết định giao về một đầu mối. Cụ thể, TĂCN có nguồn gốc động vật giao cho Cục Thú y thực hiện, TĂCN có nguồn gốc từ thực vật giao cho Cục Bảo vệ thực vật thực hiện, TĂCN có nguồn gốc thủy sản giao cho Cục Thú y thực hiện…

Qua đó giúp doanh nghiệp chỉ cần đến một nơi, cải thiện giấy tờ, đơn giản hóa thủ tục, chi phí giảm đi rất nhiều.


Năm 2019 Bộ NN-PTNT cắt giảm trên 72% điều kiện kinh doanh, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao.

Với việc đã cơ bản hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2019, bà có thể cho biết bước sang năm bản lề 2020 ngành nông nghiệp sẽ tập trung CCHC ở lĩnh vực nào?

Chúng tôi đánh giá việc hoàn thiện thể chế là một việc khó, không phải hoàn thành như vậy là xong mà đây chỉ là hoàn thành ở bước đầu, còn thực sự đi vào thực chất đấy là việc tổ chức thực thi các công việc này.

Đó là cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính, giảm bớt, xã hội hóa các công tác kiểm tra chuyên ngành làm sao để doanh nghiệp và đối tượng chịu sự tác động của văn bản biết để nghiêm túc thực hiện.

Ở đây, cơ quan quản lí ở trung ương chỉ có trách nhiệm hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật, việc tổ chức thực thi, kiểm tra thực hiện các văn bản này tại địa phương quan trọng hơn rất nhiều.

Do đó, tôi thấy cần phải có cơ chế làm trên cổng thông tin điện tử của Bộ cũng như một cửa, một cửa liên thông quốc gia. Chúng tôi rất đồng tình ủng hộ với chỉ đạo của Chính phủ trong việc Chính phủ điện tử thông qua việc khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia vừa qua.

Từ việc Chính phủ điện tử giúp cho các thông tin được thông suốt cũng như các hoạt động từ cơ quan quản lí nhà nước, từ TW đến địa phương, giữa các Bộ với nhau, giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lí nhà nước có sự chia sẻ để nắm bắt thông tin, phản hồi được nhanh chóng, rõ ràng để có sự điều chỉnh hợp lí.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp không phải là không có thách thức trong năm 2020, đó là việc thực hiện Nghị định 85 về kiểm tra chuyên ngành. Nghị định 85 đưa ra hạn cuối ngày 30/6/2020 việc kiểm tra chuyên ngành phải dựa trên các tiêu chuẩn qui chuẩn thay vì áp dụng các chỉ tiêu phép thử như hiện nay. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT phải khẩn trương hoàn thiện các qui chuẩn tiêu chuẩn để phủ được hết 1.768 mặt hàng, một khối lượng công việc khổng lồ.

Biết là khó và khối lượng công việc năm 2020 lớn nhưng không thể không làm, bởi tiêu chuẩn quy chuẩn chính là công cụ quan trọng, hữu hiệu để kiểm tra an toàn, từ đó mở cánh cổng barie cho hàng hòa của nước ngoài vào Việt Nam cũng như của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài đảm bảo chỉ tiêu an toàn chất lượng.

Xin cảm ơn bà!

nongnghiep.vn

Tin cùng chuyên mục