,

Quản lý rác thải nhựa

Hành động ngay vì môi trường

Một trong những mục tiêu trong Chỉ thị 06 ngày 22-10-2020 của UBND tỉnh Tuyên Quang là đến năm 2022, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cửa hàng, chợ, siêu thị, khu du lịch trên địa bàn tỉnh không sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần. Chỉ còn nửa năm nữa là kết thúc năm 2022, giải pháp thay thế túi nilon, đồ dùng bằng nhựa vẫn... cần thêm thời gian.

Thói quen khó bỏ

Nếu như tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, việc thay thế đồ dùng bằng nhựa như chai nước uống, túi nilon... được thực hiện khá hiệu quả theo đúng lộ trình mà Chỉ thị 06 đề ra, thì tại các chợ dân sinh, ngay cả các siêu thị, cửa hàng kinh doanh, đây vẫn là thói quen khó bỏ với nhiều người.

Siêu thị Tuyên Quang đến thời điểm này chủ yếu vẫn sử dụng túi nilon để đựng hàng cho khách mang về. Tất cả các mặt hàng, từ đồ gia dụng, thực phẩm, mỹ phẩm hay thời trang, ít hay nhiều đều dùng túi nilon. Ít thì một túi, nhiều thì lồng 2-3 túi cho chắc chắn. Ông Hoàng Ngọc Long, quản lý Siêu thị Tuyên Quang cho biết, việc tuyên truyền về tác hại của túi nilon, đồ dùng bằng nhựa, cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều đã nắm được. Trên thực tế, đã có một số khách hàng chủ động mang theo các túi thân thiện với môi trường hoặc làn để đựng đồ mang về, nhưng con số này chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Mặc dù được đánh giá là rẻ hơn, nhưng tổng chi phí cho túi nilon phục vụ khách hàng riêng trong năm 2021 của Siêu thị Tuyên Quang đã chiếm hơn 400 triệu đồng. Chi phí cho khoản này trong năm nay dự báo sẽ tiếp tục tăng do “đội giá” từ xăng dầu, vận chuyển. Với ngành hàng bán lẻ, trong bối cảnh dịch bệnh và bão giá như hiện nay, theo ông Long, thì việc thay thế này phải nằm ở lộ trình tiếp theo - tức là vài ba năm nữa, hoặc có thể lâu hơn, vì nếu thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường, chi phí sẽ tăng thêm ít nhất 2 lần so với túi nilon hiện nay. Trong khi đó đơn vị lại chưa tính chi phí này cho khách hàng được mà vẫn tính vào chi phí của siêu thị.

Người dân phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) thu gom rác thải.

Trung bình 10 ngày, gian hàng bán hoa quả của bà Nguyễn Thị Nga, tiểu thương kinh doanh tại chợ Phan Thiết (TP Tuyên Quang) sử dụng hết 1 kg túi nilon, tương đương hơn 3 kg/tháng. Những ngày rằm, ngày cận Tết Nguyên đán, lượng túi nilon sử dụng sẽ tăng gấp 4 - 5 lần ngày thường. Bà Nga cho biết, thói quen của cả người bán và người mua được định hình từ nhiều năm nay khiến việc thay thế túi nilon bằng các sản phẩm khác rất khó. Chỉ một số ít người đi chợ có thói quen mang làn, túi theo để đựng thực phẩm, hoa quả, còn lại đều phụ thuộc vào người bán. Biết là túi nilon có hại cho môi trường, nhưng vì sự tiện lợi, nên bà Nga cũng như tất cả các tiểu thương kinh doanh tại chợ Phan Thiết vẫn sử dụng hàng ngày.

Chưa có nhiều sản phẩm thay thế

Đồng chí Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, lộ trình đã có, nhưng để thay thế được túi nilon, đồ dùng bằng nhựa tại các cửa hàng, siêu thị, đặc biệt là tại các chợ dân sinh... vẫn là vấn đề nan giải. Theo ông Tứ, để giải quyết được vấn đề này, ngoài tuyên truyền, thay đổi thói quen, ý thức người tiêu dùng, cần có 2 giải pháp: Một là quản lý chặt chẽ và siết chặt lại việc sản xuất túi nilon; thứ hai là phải có sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường phù hợp với nhu cầu của người dân.
Chị Dương Thúy Trinh, chủ một quán ăn tại đường Hà Huy Tập, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết, hiện cửa hàng đang sử dụng đồng thời 2 loại hộp đựng đồ ăn mang về là đồ nhựa và đồ dùng bằng giấy. Giá mua một hộp đựng bằng giấy đắt gấp đôi so với một hộp nhựa, khoảng 2.500 đồng/hộp, nhưng bất cập là hộp giấy, nhưng nắp vẫn làm bằng nhựa. Theo chị Trinh, hộp nhựa vẫn là đồ dùng không thể thay thế, vì thức ăn đựng mang về thường có nước canh, việc sử dụng đồ dùng bằng giấy chủ yếu để đựng các thức ăn khô, những thức ăn có nước canh đều phải sử dụng đồ dùng bằng nhựa để tránh sánh nước trong quá trình vận chuyển.

Bồn hoa tại nhà văn hóa ở xã Hùng Mỹ được xây dựng từ gạch sinh thái. 
 Ảnh: Cảnh Trực

Trên thực tế, các làng có nghề đan lát truyền thống trên địa bàn tỉnh hiện vẫn chưa sản xuất hàng loạt các sản phẩm làn bằng mây, tre, guột thay thế cho làn nhựa, túi nilon. Bà Hoàng Thị Thơ, thôn Nà Khá, xã Năng Khả (Na Hang) đã bỏ nghề đan lát từ nhiều năm nay. Những chiếc làn mây, làn guột giờ được bà trưng bày trong nhà để làm đồ lưu niệm. Theo bà Thơ, khi nghề đan lát được khôi phục cách đây vài năm và kỳ vọng sẽ tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế cho đồ dùng bằng nhựa, túi nilon, nhiều chị em phụ nữ trong thôn rất phấn khởi, vì vừa có thể lưu giữ được nghề truyền thống, vừa có thêm thu nhập. Nhưng sau một thời gian, sản phẩm làm ra được ký gửi tại các cửa hàng OCOP trên địa bàn tỉnh có số người hỏi mua rất ít. Giờ người giữ nghề ở Nà Khá không còn nhiều. Và túi nilon vẫn là lựa chọn của chị em mỗi khi đi chợ.

Khó cũng phải làm

Mục tiêu giảm thiểu rác thải nhựa không thể dừng lại, khi những hệ lụy của nó cho môi trường và tương lai đã được chỉ ra rất rõ ràng.

24 tổ tự quản, phân loại rác thải tại phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) đến thời điểm này đã hoạt động quy củ. Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Đội Cấn Nguyễn Chí Khiêm cho biết, trước khi thành lập, tình trạng xả rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, túi nilon ra ngoài môi trường rất khó quản lý.

Những đồ dùng bằng nhựa như can đựng nước giặt, nước rửa bát, dầu gội đầu... chị em phụ nữ tại các tổ tận dụng, thiết kế thành các chậu trồng hoa đặt tại các điểm công cộng trong xóm. Ông Lê Thanh Tùng, Trưởng Ban công tác Mặt trận tổ 10, phường Đội Cấn cho biết, việc tận dụng này giúp những con đường quanh xóm thêm rực rỡ và nhiều màu sắc. Bà con không ai bảo ai đều tranh thủ tận dụng những đồ dùng bằng nhựa của gia đình mình để làm đẹp thêm cho làng cho xóm.

Mô hình thu gom phân loại rác thải nhựa gắn với tuyến đường hoa tự quản tại Chi hội Nông Trường được Hội LHPN thị trấn Yên Sơn triển khai từ tháng 10-2021.  Vào ngày Chủ nhật hàng tuần, chị em trong chi hội sắp xếp công việc gia đình dành khoảng thời gian nhất định để tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm và thực hiện thu gom rác thải. Đồ dùng bằng nhựa có thể tái chế được chị em phân loại, bán gây quỹ. Từ bán rác thải nhựa, chi hội đã gây quỹ được hơn 5 triệu đồng hỗ trợ 3 hội viên phụ nữ nghèo và 7 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn học giỏi. 225 bình trồng hoa từ các chai, bình nhựa để đặt và treo dọc tuyến đường 500 mét đã giúp đường làng ngõ xóm đẹp hơn, màu sắc hơn.

Người dân tổ 10, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang)
tái chế đồ dùng bằng nhựa thành các chậu trồng hoa.

Đây chỉ là 2 trong số hơn 1.700 mô hình tổ tự quản đang được triển khai rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Nhiều mô hình tự quản có cách làm đổi mới, sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng địa phương, khu dân cư, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức thành viên như: định kỳ vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng hoa và cây xanh ở các tuyến đường khu dân cư; xây dựng bể ủ rác hữu cơ để thực hiện thu gom, xử lý rác thải tại hộ gia đình; tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ sử dụng làn mây khi đi chợ, tận dụng chai lọ nhựa trồng hoa treo tường, thu gom phân loại chai, lọ nhựa bán gây quỹ; thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại đồng ruộng, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; tái chế từ rác thải nhựa để trồng hoa, cây cảnh tại các hộ gia đình và tại nhà văn hóa thôn; thu gom phế liệu nhựa bán tạo nguồn quỹ để giúp đỡ những người nghèo có hoàn cảnh khó khăn…

Tuyên Quang rất quyết tâm để các mục tiêu giảm thiểu, thay thế nhanh chóng đi vào cuộc sống. Sau Chỉ thị 06, ngày 4-5-2022, UBND tỉnh ra Quyết định 274 phê duyệt Đề án Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh đến năm 2025. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 giảm tối thiểu 10% rác thải và chất thải nhựa phát thải trên địa bàn tỉnh hàng năm; 100% các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại công sở và trong các hội nghị, cuộc họp và hoạt động của cơ quan; 100% các trung tâm thương mại, siêu thị sử dụng túi thân thiện với môi trường; 85% chất thải nhựa phát sinh được thu gom tái chế, tái sử dụng và xử lý... Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Đình Tứ, đây là cơ sở để việc triển khai các giải pháp thay thế túi nilon, đồ dùng bằng nhựa trên địa bàn tỉnh thực sự đi vào cuộc sống.

Hiện, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức ký cam kết với các siêu thị, ban quản lý các chợ, nhà hàng, quán ăn... trên địa bàn tỉnh về hạn chế sử dụng túi nilon, đồ dùng bằng nhựa. Đồng thời, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục cho học sinh về tác hại của rác thải nhựa; cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng bộ tài liệu hỏi đáp về rác thải nhựa và giải pháp thay thế, ban hành vào tháng 8-2022.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục