,

Thương hiệu nông sản

Dấu ấn OCOP

Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - gọi tắt là OCOP phấn đấu đến năm 2020 mỗi huyện, thành phố xây dựng được 1 sản phẩm chủ lực; hỗ trợ tiêu chuẩn hóa 74 sản phẩm hàng hóa như xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, cải tiến mẫu mã, bao bì, trang thiết bị… Thực hiện hiệu quả chương trình này là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
 

Du khách tham quan gian hàng trưng bày chè và gạo đặc sản Tân Trào (Sơn Dương)
tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.  Ảnh: Minh Thủy

Các địa phương trong tỉnh đã triển khai các quy hoạch ngành, đề án của UBND tỉnh về phát triển sản phẩm có khả năng cạnh tranh nhằm khơi dậy sự sáng tạo, tinh thần và khát vọng làm giàu trong nhân dân. Điểm nhấn của Chương trình OCOP là ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế. Nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp mới được thành lập sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương, mang lại giá trị tích cực cho người dân. Tiêu biểu là Công ty cổ phần Cam sành Hàm Yên, Hợp tác xã An Nhiên Phát, xã Khuôn Hà (Lâm Bình), Hợp tác xã sản xuất chè Shan tuyết  Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang)…

Đến nay, toàn tỉnh có 260 hợp tác xã, trong đó có 98 hợp tác xã tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Hiện toàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng để tham gia Chương trình OCOP như: Cam sành Hàm Yên, lạc Chiêm Hóa, bưởi Yên Sơn, chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang), mật ong Tuyên Quang, gạo đặc sản Tân Trào (Sơn Dương)… Toàn tỉnh hiện có 42 sản phẩm nông nghiệp xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nhiều sản phẩm đã tạo được thương hiệu mạnh trên thị trường. Đặc biệt, sản phẩm chè Shan tuyết của Hợp tác xã Sơn Trà được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chọn làm quà tặng Thủ tướng Malaysia trong chuyến thăm Việt Nam tháng 8 vừa qua. Sản phẩm cam sành Hàm Yên vừa đón nhận thêm danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019”.

Các địa phương trong tỉnh, trọng tâm là các xã xây dựng nông thôn mới đã xác định được sản phẩm chủ lực bảo đảm không ngừng nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, tạo thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững. 

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục