,

Thương hiệu nông sản

Nông nghiệp Tuyên Quang: Bước tiến vững chắc

Nông nghiệp Tuyên Quang đang có bước chuyển dịch mạnh mẽ. Sau nhiều năm dài ở trạng thái sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, giờ những vùng sản xuất chuyên canh tập trung hình thành, những chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân với doanh nghiệp ngày càng bền chặt. Nông nghiệp tỉnh nhà đã có những bước tiến vững chắc.

Những “thương hiệu vàng” tỏa sáng…

Năm 2019, cam sành Hàm Yên lần thứ hai được vinh danh là Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam. Diện tích cam toàn tỉnh hiện đạt trên 8.600 ha, trong số này đã có 772 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 33 ha cam hữu cơ chuyển đổi; sản lượng trên 90.000 tấn quả, chủ yếu là bán trong nước. Giá trị sản xuất cam chiếm 24,7% giá trị sản xuất ngành trồng trọt của tỉnh. Ông Đàm Ngọc Hưng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên cho biết, diện tích cam sành Hàm Yên chiếm đến 78,8% tổng diện tích cam toàn huyện và là một trong những loại cam có thương hiệu, được vinh danh và lọt vào Top 10 loại trái cây nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Để rải vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường, hiện nay người trồng cam ở Hàm Yên đã mở rộng sang nhiều loại giống khác như cam canh, cam V2, cam Vinh, BH32…


Niềm vui của người nuôi cá xã Yên Lập (Chiêm Hóa).

Ông Nông Văn Nghiệp, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Phong Lưu, xã Phù Lưu (Hàm Yên) cho biết, từ năm 2017 đến nay, Hợp tác xã đã kết nối với một số siêu thị như BigC, Lotte, Metro, Co.opMart và FiviMax cung ứng hàng trăm tấn cam sành, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngoài tỉnh. Ngoài ra, Siêu thị Vinmart của Tuyên Quang cũng nhập cam sành Hàm Yên thông qua hợp tác xã để bán lẻ.

Cây ăn quả có múi hiện đang được nhiều địa phương phát triển thành cây trồng chủ lực. Diện tích cây bưởi trên 3.600 ha, tập trung chủ yếu ở huyện Yên Sơn. Vườn bưởi hơn 1.000 gốc của gia đình chị Trịnh Thị Hải, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn) năm nay dự kiến cho lãi gần 600 triệu đồng. So với năm 2018, bưởi năm nay được mùa, đặc biệt là 2 giống bưởi mới đưa vào trồng gồm Phúc Trạch, da xanh. Trung bình mỗi cây bưởi có 30 - 40 quả, với giá bán hiện nay 40.000 - 45.000 đồng tại vườn, mỗi cây bưởi cũng đem lại cho gia đình từ 1,6 - 2 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Vinh, thôn Khuôn Thống, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) nhiều năm gắn bó với cây bưởi. Nhận thấy xu hướng sử dụng sản phẩm an toàn, từ năm 2016 ông đã chuyển đổi quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ. Ông Vinh cho biết, sản xuất theo hướng hữu cơ, chất lượng bưởi ngon hơn hẳn, ngọt đậm, bảo quản được lâu hơn, giá bán cũng cao hơn bưởi trồng đại trà từ 5.000 - 7.000 đồng/quả. Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh cho biết, Phúc Ninh hiện đã có 7,5 ha bưởi trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và hơn chục hộ gia đình bắt đầu chuyển đổi sang hướng hữu cơ.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Sơn, cây bưởi được người dân trong huyện trồng từ năm 2002. Hiện tại, thị trường tiêu thụ bưởi Yên Sơn tương đối tốt, giá trị kinh tế đem lại từ trồng bưởi vẫn đang dẫn đầu trong cơ cấu cây trồng, chưa xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Ước tính năm 2019, người dân trong huyện thu khoảng 600 tỷ đồng từ trồng bưởi. Tin vui với những người trồng bưởi ở Yên Sơn, khi sản phẩm này được Viện Sở hữu Trí tuệ Quốc tế và Liên hiệp Khoa học Doanh nhân Việt Nam bình chọn đứng TOP 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018.

Ông Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 42 nhãn hiệu nông sản hàng hóa. Trong đó có nhiều nông sản hàng hóa tiếp tục khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu. Một số sản phẩm đã xuất khẩu ra nước ngoài, như: Sản phẩm chè khô xuất khẩu vào các thị trường như Nga, Pakistan, Đài Loan và một số nước châu Âu; sản phẩm gỗ xuất khẩu sang châu Âu; sản phẩm đường kính, lạc củ, chuối xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Phấn đấu vượt các chỉ tiêu năm 2020

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho biết, kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng khá, duy trì năm sau cao hơn năm trước. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 8.768 tỷ đồng, tăng bình quân 4,17%/năm; tỷ lệ che phủ của rừng đạt 65%; dự kiến năm 2019 có thêm 7 xã, nâng tổng số 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu năm 2020 có thêm 10 xã, nâng lên 47 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%; cả 4/4 chỉ tiêu này dự kiến đều hoàn hành vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.


Các sản phẩm chủ lực của tỉnh trưng bày tại Hội thảo Khuyến nông @ nông nghiệp
về chăn nuôi đại gia súc được tổ chức tại tỉnh ta tháng 9 - 2019.

Lâm nghiệp là điểm nổi bật của ngành trong giai đoạn 2016 - 2020. Hết năm 2019, tỉnh đã có trên 25 nghìn ha rừng được cấp Chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC), lớn nhất cả nước. Trồng rừng tập trung cả giai đoạn đạt trên 55,5 nghìn ha, vượt 4,8% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Khai thác gỗ rừng trồng hàng năm trên 800.000 m3/năm (đứng thứ nhất vùng trung du miền núi phía Bắc), đáp ứng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh; đây là nền tảng phát triển chuỗi nông sản hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp, từng bước xây dựng trung tâm chế biến gỗ lớn tại Tuyên Quang.

Kết quả này có được nhờ tỉnh tập trung đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, giá trị rừng trồng: Rà soát, thay thế nguồn giống kém bằng giống chất lượng cao, đầu tư thâm canh rừng trồng bằng giống nuôi cấy mô, giống nhập ngoại; nâng năng suất rừng trồng từ 74 m3/ha/chu kỳ năm 2015 lên bình quân 82 m3/ha/chu kỳ 7 năm; diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu đến năm 2020 có trên 140.700 ha. 

Một trong những mục tiêu trọng tâm trong những năm tiếp theo là đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh đứng đầu về xuất khẩu đồ gỗ và bột giấy. Trong đó, tỉnh phấn đấu 5 năm tiếp theo tiếp tục trồng 48.000 ha rừng tập trung; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân trên 900.000 m3/năm; tổ chức bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, đồng thời thực hiện trồng rừng và khai thác rừng hợp lý để duy trì độ che phủ của rừng ổn định trên 60%.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt khẳng định, để sản xuất nông nghiệp bắt kịp với xu hướng thì nông nghiệp phải đổi mới sáng tạo, với cả 3 trụ cột Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân; cần lấy tiến bộ khoa học, nhất là công nghệ 4.0 làm đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn; gắn kết kinh tế hộ với kinh tế tập thể và tư nhân, với vai trò trụ cột là doanh nghiệp, hợp tác xã trong chuỗi liên kết để cải cách sản xuất, tiếp cận với tiêu chuẩn một số nước tiên tiến mới có thể cạnh tranh được trên thương trường quốc tế.

Bài, ảnh: Trần Liên

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục