,

Thương hiệu nông sản

Thịt dê "Núi Mây" hướng tới sản phẩm OCOP

Sau hơn 01 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn Núi Mây, xã Thái Bình (Yên Sơn) bước đầu đã đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kết nối doanh nghiệp mang lại cho hội viên kiến thức về kỹ thuật cũng như cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng.

Trong những năm qua trên địa bàn xã Thái Bình đã có nhiều hộ có chung một sở thích chăn nuôi dê, mỗi hộ quy mô chăn nuôi từ 5 đến 10 con. Với mục đích nâng cao thu nhập cho người dân, hướng người dân chăn nuôi tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm, đầu năm 2020, HTX nông sản an toàn Núi Mây được thành lập, bước đầu đã vận động được 7 thành viên tham gia.

Ngay từ khi thành lập, HTX đã xây dựng kế hoạch để phát triển đàn dê, trong đó chú trọng đến việc hỗ trợ bà con về giống, kỹ thuật chăn nuôi. Vì vậy, HTX đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức những lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi dê cho các hội viên. Từ chăn nuôi dê nhỏ lẻ, thiếu an toàn về dịch bệnh, các hộ đã quy tụ lại chăn nuôi tập trung với số lượng tổng đàn lên trên 400 con (trong đó 270 con thực hiện liên kết với các hộ gia đình trong thôn và các xã trên địa bàn huyện Yên Sơn). Từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất bán được trên 5 tấn dê hơi. Đặc biệt HTX đã ký hợp đồng với một doanh nghiệp tại thành phố Hà Nội với giá ổn định lâu dài.

Đang liên kết nuôi 50 con dê, anh Đào Mạnh Huy, thôn 7 chia sẻ, rút kinh nghiệm từ việc không liên kết chăn nuôi gà, vịt, lợn quy mô nhỏ hiệu quả không cao, hay mắc dịch bệnh, chi phí đầu tư lớn và cần nhiều thời gian chế biến thức ăn. Được tập huấn và tham gia HTX anh đã quyết định góp chung vốn nuôi dê.

Để nuôi dê đạt hiệu quả cao anh đã áp dụng các biện pháp kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Vì dê là loại động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng nuôi dê thường được làm bằng tre hoặc gỗ để đảm bảo chuồng thông thoáng, tránh nắng nóng, mưa tạt, gió lùa. Sàn chuồng cách mặt đất 0,5 đến 0,8 m, làm bằng gỗ bằng phẳng, chừa khe hở khoảng 1 đến 1,5 cm để phân lọt dễ dàng xuống đất. Dê cũng khá nhạy cảm, dễ bị các bệnh, như: Chướng bụng, đầy hơi, loét miệng, đau mắt… nên khi nuôi cần thường xuyên quét dọn chuồng trại, phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời những con dê bị bệnh để tránh lây nhiễm, gây thiệt hại cho cả đàn. Hiện nay, thịt dê lại là mặt hàng được nhiều khách hàng lựa chọn vì thực phẩm an toàn, giá dê hơi bán ra thị trường tương đối cao từ 140 đến 160 nghìn đồng/kg. Theo cách tính của anh Huy, một con dê nuôi từ bé đến khi xuất bán trọng lượng từ 35 đến 40 kg mất khoảng 3,5 đến 4 tháng. Với giá bán ổn định từ 140 đến 160 nghìn đồng/kg, trừ chi phí người chăn nuôi lãi khoảng 1,2 đến 1,3 triệu đồng/con.

Chị Hoàng Thị Thoa, Giám đốc HTX cho biết, việc liên kết sản xuất giữa những người nông dân đang là biện pháp sản xuất tích cực, mang tính bền vững cao do có sự chia sẻ lợi nhuận cũng như khó khăn giữa các thành viên; vấn đề cung ứng sản phẩm ra thị trường cũng chủ động, việc phòng chống dịch bệnh được theo dõi chặt chẽ, trao đổi kinh nghiệm dễ dàng. Thời gian tới HTX sẽ tạo điều kiện cho các thành viên vay vốn, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thành viên nâng cao nhận thức về vai trò của liên kết sản xuất để tập trung phát triển kinh tế, đồng thời hoàn thiện các thủ tục đánh giá, xếp hạng sản phẩm thịt dê “Núi Mây” đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường.

Ngoài chăn nuôi dê, HTX còn thực hiện sản xuất phân hữu cơ, từ nguồn phân dê, trâu, bò, lợn tại địa phương. Sau khi thu mua phân về, phân được đánh tơi, chộn đều ủ với men vi sinh, thời gian ủ tối thiểu từ 60 ngày trở lên, sau đó mang ra phơi khô vừa phải, rồi đưa vào máy tạo hình và sấy nhiệt khô để diệt nấm mốc, vi khuẩn và trứng ký sinh trùng có hại, đồng thời có tác dụng làm phân không bị tan nhanh. Quy trình sản xuất phân khép kín, nên môi trường xung quanh sạch sẽ, không bị ô nhiễm. Phân hữu cơ của HTX Núi Mây đã có mặt  trên thị trường, được nhiều nhà vườn trong và ngoài tỉnh đặt mua. Từ đầu năm đến nay, HTX đã tiêu thụ được trên 20 tấn phân. Đặc biệt đã có một doanh nghiệp tại Thái Nguyên thương thảo đăng ký mua với số lượng lớn. 

Hoạt động của HTX được đánh giá là có hiệu quả từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, HTX đã đầu tư các phương tiện máy móc để phục vụ sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiện mức thu nhập bình quân của mỗi thành viên HTX đạt từ 4,5 triệu đến 5 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là một trong những tiêu chí để xã Thái Bình đạt “xã nông thôn kiểu mẫu” năm 2021./.

Vũ Ngọc Tuyên -TTKN

Tin cùng chuyên mục