,

Chăn nuôi

Hiệu quả bước đầu và một số giải pháp phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng tại xã bình an, huyện lâm bình

Bình An là xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh, có vị trí địa lý và hệ thống giao thông chưa được thuận lợi; địa hình bị chia cắt mạnh nên đất đai chủ yếu là đồi núi dốc. Trung tâm xã nằm cách huyện lỵ Lâm Bình khoảng 6km về phía tây nam; xã có 8 thôn, gồm: Tát Ten, Phiêng Luông, Tống Pu, Nà Xé, Nà Cóoc, Chẩu Quân, Bản Dạ và Tiên Tốc.
                                                                                                                                
Toàn xã có 780 hộ với 3.584 nhân khẩu; trong đó dân tộc Dao: 263 hộ/1.090 khẩu; dân tộc Mông 141 hộ/796 khẩu; số hộ nghèo chiếm 69% (538 hộ/2.569 khẩu).

Tổng diện tích đất tự nhiên của xã 5.262,85 ha, gồm: Đất sản xuất nông nghiệp 591,71 ha, trong đó đất trồng lúa 140,8 ha (đất 2 vụ lúa: 108,4 ha; đất 1 lúa: 32,4ha), diện tích còn lại là đất trồng cây hàng năm, đất cây lâu năm khác; đất lâm nghiệp 4.695,34 ha, trong đó: đất rừng sản xuất 3.018,84 ha (TB 3,8ha/hộ), đất rừng phòng hộ 1.676,5 ha. Sản lượng lương thực quy thóc trong 6 tháng đầu năm 2018 là 636 tấn (BQ 815kg/hộ).

Tổng đàn gia súc, gia cầm 7.680 con (trong đó: Đàn trâu 1.068 con, Đàn bò 335 con (TB 1,8 con/hộ), Đàn lợn 1.470 con, Đàn gia cầm 4.807 con).

*Những khó khăn khi xây dựng mô hình.

Thôn Tiên Tốc được thành lập năm 2015 theo Quyết định số 209/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang. Với diện tích đất tự nhiên 397 ha, trong đó: đất trồng 1 vụ lúa 14,5 ha (0,27ha/hộ), đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm khác 15,41 ha còn lại là đất lâm nghiệp. Toàn thôn có 53 hộ gia đình với 276 nhân khẩu, trong đó: dân tộc Mông 38 hộ, dân tộc Dao 14 hộ, dân tộc Tày 1 hộ.

Qua trao đổi, ông Ma Công Thành, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: Ngay sau khi được thành lập, với 100% số hộ là dân tộc, trên 70% số hộ trong thôn được chuyển về từ dự án di dân lòng hồ thủy điện Tuyên Quang nên cuộc sống ban đầu của người dân gặp không ít khó khăn do mới chuyển đến khu tái định cư; từ khuôn viên nhà ở, tập quán sinh hoạt phần lớn đều có sự thay đổi; diện tích đất để sản xuất nông nghiệp tạm đủ nhưng nguồn nước mặt trong thôn rất khan hiếm nên chỉ cấy được một vụ lúa nhờ vào nguồn nước mưa, do đó việc đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ cho các hộ trong thôn rất khó khăn.

Nhận thấy những vấn đề trên, cần lựa chọn một hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp để đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân trong thôn, UBND xã Bình An đã chỉ đạo và lựa chọn triển khai thí điểm mô hình nuôi trâu nhốt tại một số hộ trong thôn, nhằm tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai và phát huy tính cần cù chịu khó, kinh nghiệm vốn có của đồng bào dân tộc Mông trong chăn nuôi trâu bò nhốt chuồng.  

* Hiệu quả bước đầu

Sau khi triển khai thực hiện, tổng kết đánh giá và khẳng định mô hình mang lại hiểu quả kinh tế cao, từ đó các hộ trong thôn đã tự nhân rộng mô hình thành phong trào nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Hiện tại trong thôn có 50/53 hộ chăn nuôi trâu bò với tổng đàn 158 con (trung bình 3con/hộ).

 
Chăn nuôi trâu nhốt chuồng tại thôn Tiên Cốc, xã Bình An

 

Anh Cháng A Bào trưởng thôn Tiên Tốc cho biết: Gia đình anh đã tham gia ngay từ những năm đầu khi xã triển khai thí điểm mô hình nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Mỗi lần gia đình anh nuôi vỗ béo từ 3 đến 4 con trâu, sau 3 – 4 tháng thì xuất bán, lợi nhuận thu được từ việc chăn nuôi trâu bò của gia đình ước khoảng 40 triệu đồng/năm, nếu dùng 1/3 số tiền trên đi mua gạo sẽ đảm bảo lương thực cho cả gia đình trong 1 năm. Hiện gia đình anh đang tập trung nuôi 3 con trâu vỗ béo và 2 con bò nái, đàn trâu bò đang trong mùa cỏ nên sinh trưởng, phát triển rất tốt. Mong muốn của anh Bào cũng như các hộ chăn nuôi trong thôn là được vay tiền từ nguồn vốn hỗ trợ có lãi suất thấp để mua thêm trâu, bò, đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng diện tích trồng cỏ giống mới, đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh để  chăn nuôi phát triển ổn định, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.

* Giải pháp phát triển

Từ kết quả thực tế của mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng tại thôn Tiên Tốc, nhằm phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, kinh nghiệm chăn nuôi hiện có; đồng thời khắc phục những hạn chế… từ đó thúc đẩy phong trào chăn nuôi trên địa bàn xã Bình An trở thành một nghề phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả cần tập trung vào một số giải pháp sau:

- Triển khai tuyên truyền sâu rộng hơn nũa tới toàn thể nhân dân trên địa bàn xã, biết và hiểu rõ các chính sách của tỉnh đã ban hành nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển như: Các chính sách  khuyến khích, hỗ trợ hợp tác xã, chủ trang trại, hộ chăn nuôi phát triển, cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn, như ưu tiên hỗ trợ: Phát triển đàn trâu, bò, lợn...đủ tiêu chuẩn để làm giống; phối giống nhân tạo cho trâu, bò, lợn; kinh phí mua vắc-xin và tiền công tiêm phòng bệnh lở mồm long móng...; hỗ trợ vắc-xin phòng bệnh cho cho đàn gia súc, gia cầm tại các xã đặc biệt khó khăn, xã vùng II, vùng III của tỉnh.

- Vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp người chăn nuôi hiểu và tự nguyện liên kết thành lập Hợp tác xã, tổ hợp tác trong chăn nuôi nhằm khai thác triệt để những nội dung  ưu tiên phát triển chăn nuôi trong các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành; kịp thời tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi xuất để tập trung cho đầu tư phát triển chăn nuôi; mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có tâm huyết cùng xây dựng mối liên kết theo chuỗi từ khâu cung ứng sản xuất đến chế biến và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm.

Thu hoạch cỏ giống mới ( Packchong1) tại xã Bình An, huyện Lâm Bình
 
- Khuyến khích việc dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp giữa các hộ sản xuất để thuận lợi cho việc quản lý, canh tác và vận chuyển sản phẩm của mỗi gia đình; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật đối với những hộ gia đình có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất sản xuất từ đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm cho hiệu quả kinh tế thấp sang trồng những loại cây, giống cỏ có năng xuất, chất lượng tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao; duy trì diện tích trồng mía hiện có, tiến tới lựa chọn những giống mía ít ra bông, bố trí trồng dải vụ để vừa có sản phẩm mía bán cho nhà máy đường, đồng thời lá và ngọn mía là nguồn thức ăn thô xanh rất tốt cho chăn nuôi trâu, bò trong thời gian mùa đông rất khan hiếm cỏ tươi; chuyển đổi và mở rộng diện tích đất trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh trong suốt chu kỳ chăn nuôi trâu bò./.
 
Tác giả: Nguyễn Mạnh Tường - TTKN
 

Tin cùng chuyên mục