,

Chăn nuôi

Tiêm phòng cho gia súc, gia cầm: Không thể trông chờ, ỷ lại

TQĐT - Bắt đầu từ năm nay, tỉnh sẽ dừng việc hỗ trợ kinh phí để mua vắc xin tiêm phòng một số dịch bệnh nguy hiểm cho đàn gia súc. Như vậy, người chăn nuôi sẽ phải tự chủ kinh phí không thể trông chờ, ỷ lại vào nhà nước như trước.

Cán bộ thú y xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) tiêm phòng cho đàn trâu của các hộ dân thôn Xá Ngoại.

Vụ tiêm phòng thu đông năm 2018 đã chính thức bắt đầu, báo cáo của Chi cục Chăn nuôi Thú y, tổng đàn vật nuôi trong diện bắt buộc phải tiêm phòng năm 2018 có tăng hơn so với 1 năm trước đây. Cụ thể: Đàn bò trên 34.000 con, tăng gần 2.000 con; đàn lợn trên 555.000 con, tăng trên 18.000 con. Riêng đàn trâu có xu hướng giảm trên 4.000 con so với cùng kỳ, đạt khoảng 106.000 con. 

Khác với mọi năm, tỉnh hỗ trợ chi phí công tác tiêm phòng, năm nay người chăn nuôi phải tự chủ động mua vắc xin, công tiêm phòng, thuốc vệ sinh tiêu độc khử trùng... Để người chăn nuôi nắm được chủ trương của tỉnh, Chi cục Thú y đã triển khai đến các trạm thú y các huyện, thành phố phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tuyên truyền đầy đủ thông tin, đồng thời vận động bà con nêu cao ý thức, trách nhiệm chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong khung thời vụ tốt nhất. 

Tại một số xã, dù tỉnh đã dừng việc hỗ trợ nhưng không vì thế mà bà con chần chừ, lo lắng. Ông Nông Văn Phương, thôn 7, xã Nhân Mục (Hàm Yên) cho rằng, không thể trông chờ, ỷ lại vào tỉnh mãi được. Để phòng bệnh cho đàn trâu, gia đình đã mời cán bộ thú y về tiêm phòng, đàn trâu 4 con của gia đình tiêm đủ 2 mũi tụ huyết trùng, lở mồm long móng chỉ hết hơn 200 nghìn đồng, bình quân mỗi mũi tiêm vắc xin là 27.000 đồng/con. 

Ông Đặng Văn Cảnh, thôn Tiên Hóa 1, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) cho biết, chăn nuôi trâu vỗ béo với quy mô lớn 10 con/lứa, mỗi lứa chỉ từ 3 đến 4 tháng nên việc tiêm phòng được gia đình rất coi trọng, trâu nhập đàn là được tiêm đủ vắc xin phòng bệnh. Theo ông Cảnh, chăn nuôi theo hướng hàng hóa mà ngồi trông chờ vào nhà nước hỗ trợ tiêm phòng sẽ rất mạo hiểm. Do vậy gia đình phải chủ động tiêm để bảo đảm an toàn. 

Theo ông Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi - Thú y), bên cạnh nhiều hộ chăn nuôi tích cực chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi, vẫn còn 1 số địa phương tình trạng bà con còn mong ngóng, chờ đợi vào sự hỗ trợ của nhà nước. Thực tế cho thấy, những năm trước, tỷ lệ tiêm phòng đều không đạt mục tiêu đề ra, năm 2017 vừa qua đàn vật nuôi được tiêm phòng chỉ đạt trên 70%, đối với các xã vùng sâu, vùng xa tỷ lệ đàn gia súc được tiêm phòng còn thấp hơn nhiều chỉ đạt từ 40% đến 50%. Điều này dẫn đến tình trạng một số bệnh nguy hiểm vẫn lưu trú, truyền từ năm trước sang năm sau, gây khó khăn cho ngành thú y trong công tác kiểm soát dịch bệnh.  

Để công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi đạt hiệu quả rất cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền các địa phương đôn đốc bà con chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi trong khung thời vụ tốt nhất nhằm tăng sức đề kháng cho vật nuôi, đặc biệt là các bệnh nguy hiểm như dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng. Ngành thú y sẽ tăng cường cán bộ hỗ trợ cơ sở kiểm tra, theo dõi tiến độ tiêm phòng bảo đảm tính chính xác và hiệu quả. Bên cạnh sự vào cuộc của ngành chuyên môn, chính quyền địa phương người chăn nuôi cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự bảo vệ đàn vật nuôi của gia đình bằng việc tiêm đầy đủ vắc xin phòng bệnh; chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh; vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng nuôi nhốt… Như vậy mới giảm thiểu được gánh nặng cho ngân sách tỉnh và hơn hết là ngăn chặn được bệnh phát sinh, gây hại trên đàn gia súc, gia cầm.      
 

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục