,

Lâm nghiệp

Chuyện mới ở Cổ Yểng

Những ngày tháng 5, trời nắng chói chang, công trình cầu tràn qua suối Cổ Yểng đang thi công tạo nên lớp bùn nhàu trơn trượt, chiếc xe máy ì ạch đưa tôi vượt quãng đường 1,5 km vào thôn, một sự khang trang hiện hữu. Anh Đặng Tài Chạn, Trưởng thôn Cổ Yểng, xã Thanh Tương (Na Hang) hóm hỉnh, cái nghèo, cái đói nó bỏ nhau, không ở cùng dân Cổ Yểng từ lâu lắm rồi.

Khó khăn nối tiếp những khó khăn

Cổ Yểng tức là quanh co. Ngày xưa người dân thôn Cổ Yểng nghèo lắm, quẩn quanh như cái tên nó vậy, đường đi vào thôn phải đi qua mấy con suối, leo mấy quả đồi mới đến nơi. 

Năm 1987, một số hộ dân người Tày, Dao từ xã Phúc Yên (Lâm Bình) về đây lập bản, gia đình anh Chạn cũng vậy. Năm 1991, khi mới 11 tuổi, theo bố mẹ về đây định cư, anh Chạn nhớ như in ngày mới về, toàn dân đi trồng lúa nước, nhưng do nguồn nước và tập quán, năng suất lúa không đáng là bao. Cả bản lại rủ nhau trồng lúa nương, ngày đó đường xá khó khăn, trồng được hạt lúa, củ sắn phải đổ hàng bát mồ hôi chứ đâu có nhẹ nhàng. Cuộc sống cứ như vậy qua đi, cái đói, cái nghèo cứ quấn lấy nhau mãi không rời.

Trưởng thôn Đặng Tài Chạn (bên phải) đang cùng nhân dân kiểm tra cây keo.

Năm 2010, khi đó anh Chạn đang là Phó thôn, được nhà nước giao đất rừng theo Quyết định 661 của Thủ tướng chính phủ trồng mới 5 triệu ha rừng, ở thôn có 25 hộ dân được giao đất mỗi hộ được 5ha. Người trong thôn vui lắm, gần như nhà ai cũng có rừng, cái cần đã có giờ chỉ đi tìm con cá mà thôi. Ấy vậy mà chuyện làm kinh tế nhiều khi lại bại do tin đồn.

Phấn khởi khi nhận đất, toàn thôn đua nhau cải tạo đất trồng rừng, đến năm 2013, hơn 70ha keo vào chu kỳ cứng để phát triển, nhưng chả biết ở đâu mang về cái tin cây keo mất giá, bán không ai mua, cho không ai lấy, anh đi xác minh và đi từng nhà vận động bà con  giữ lại rừng, nhưng không ai nghe, mãi mới “níu” được gần 20 hộ giữ vững quan điểm làm kinh tế từ rừng. Nhìn hơn 10ha keo năm thứ 3 bị chặt không thương tiếc, anh đã khóc, khóc vì tiếc công sức của người dân và vì mình vẫn còn kém cỏi.

Năm 2016, lúc này một số hộ dân đã bán được rừng thu được hàng trăm triệu đồng, có tiền nhiều hộ đã chuyển một phần sang chăn nuôi trâu, bò. Anh Chạn kể, năm 2017 toàn thôn có 3 hộ tiên phong nuôi trâu là nhà anh, anh Trương Văn Tuệ, anh Phan Công Minh, mỗi hộ có 15 con trâu, năm đó anh được hỗ trợ 2 triệu đồng để làm chuồng trại, thấy nhà nước quan tâm, người dân lại bắt đầu sử dụng tiền bán rừng để chuyển sang trâu, bò. Năm 2018, toàn thôn Cổ Yểng có tới 150 con trâu, bò, đứng đầu xã Thanh Tương và đứng “top” các thôn trong huyện về số lượng. Nhưng đến năm 2020, khi Nhà máy sản xuất đũa tre, giấy đế và bột giấy, Công ty cổ phần xây dựng tổng hợp Tuyên Quang đi vào hoạt động, đồng nghĩa với bãi chăn thả tự nhiên đã trở thành địa điểm đặt nhà máy, người dân bắt đầu rơi vào khủng hoảng bởi nguồn thức ăn bị hạn chế, cùng lúc đó đại dịch Covid-19 bùng phát, toàn thôn xảy ra hiện tượng bán tháo trâu, bò. Anh Chạn nhớ lại: mình lại đi vận động nhưng mọi người cứ sốt sắng sợ này, sợ kia, thú thật sau bài học cây keo mình càng quyết tâm sửa sai nhưng thực sự với khối tài sản lớn cũng không làm được gì nhiều.

Những hướng đi mới và những người tiên phong

Tôi hỏi anh Chạn với sự băn khoăn: Người dân bán trâu như vậy thì cuộc sống có bế tắc không? Anh Chạn trả lời, cái khó thường ló cái khôn nhà báo ạ!

Năm 2020, sau khi trâu, bò bán hết, cả thôn còn vẻn vẹn có hơn 50 con tập trung vào vài hộ gia đình có kinh tế duy trì được đàn, người dân loay hoay đủ nghề, phụ thuộc vào lâm sản phụ như lấy măng, lấy củi, làm thuê khắp nơi nhưng vẫn chỉ đủ ăn, chứ chưa có tích lũy. Với vai trò là lãnh đạo thôn, có tiếng nói uy tín, anh Chạn cùng nhân dân tổ chức các cuộc họp, bàn cách chuyển đổi cây trồng thoát nghèo. Anh nhớ mãi, tháng 9 năm đó, đã có 15 hộ chuyển đổi sang nuôi dê. Đàn dê Cổ Yểng lớn nhanh như thổi, thương lái ùn ùn kéo đến thu mua, kinh tế vài hộ khấm khá trông thấy.

Cổ Yểng hôm nay thật khác, người dân có đến 80% làm kinh tế rừng và thu mua lâm sản. Nhiều hộ nhờ rừng đã thoát nghèo như hộ ông Đặng Phúc Ngân, gia đình có 9 nhân khẩu, năm 2010 ông là hộ nghèo nhất của thôn, vậy mà sau hơn chục năm gắn bó với rừng, ông đã thoát nghèo và thành hộ khá trong thôn, có của ăn của để, ông còn mở cửa hàng tạp hóa, mua ô tô chở gỗ cho nhà máy và phục vụ bà con.

Trên con đường bê tông phẳng lỳ, bám vòng quanh vào những triền đồi thấp, 2 bên với những cánh rừng keo bạt ngàn xanh mướt, tôi thấy kỳ lạ bởi một khoảng đồi bạch đàn vút thẳng, hơi tò mò, tôi tìm gặp chủ rừng, anh Trương Công Tuệ trong bộ quần áo lao động, mặt đỏ phừng vì nắng. Anh Tuệ là người tiên phong đổi 3ha đất trồng keo sang trồng bạch đàn giống C4. Mới được 3 năm mà cây cao gấp đôi cây keo rồi, giá thu mua cao, công chăm sóc lại ít hơn. Cơ duyên đến với bạch đàn cũng vì một lần đi tham quan mô hình trồng rừng ở Yên Bái, anh quyết định chuyển đổi, dám nghĩ, dám làm, anh đã thành công. Anh quả quyết, cuối năm nay, mình bán 3ha rừng keo còn lại sẽ trồng thử giống bạch đàn Cự vĩ DH 32-29, nếu thành công thì bảo nhân dân cùng làm, bởi địa hình dốc ở thôn rất phù hợp với loài cây mới này.

Ở Cổ Yểng, tinh thần “lá lành đùm lá rách” vẫn được người trong thôn, ngoài xã ngưỡng mộ lắm. Câu chuyện anh Trương Văn Nhệ nhường lại 3 ha rừng cho anh Trương Văn Ú mượn để làm kinh tế vẫn được truyền miệng, như câu chuyện về tình người ở đây. Nhà anh Nhệ có 6 ha rừng, thấy gia cảnh anh Ú nghèo quá, con cái nheo nhóc, đất canh tác lại không có, anh chủ động xin với thôn, với xã, để lại 3 ha cho anh Ú mượn trong 10 năm. Anh Nhệ bảo, người cùng thôn phải giúp nhau cùng làm giàu. Mình khá, người hàng xóm của mình cũng phải đủ ăn chứ. 

Hay gia đình chị Bàn Thị Chu, năm 2021 chị được hỗ trợ 40 triệu đồng làm nhà và được người dân trong thôn giúp đỡ hàng trăm ngày công để hoàn thiện. Biết chị gia cảnh khó khăn, bà con cũng tạo điều kiện cho chị công việc từ chăm sóc cây rừng với thu nhập ổn định. Chị bảo, mình không có đất rừng, nhưng nhờ có rừng mình đã bớt khổ, có chút kinh tế để lo cho các con sau này.

Anh Chạn khoe, kinh tế rừng thực sự đã thay đổi đời sống của 52 hộ dân nơi đây. Với 120ha rừng hàng năm đều cho doanh thu trên 3 tỷ đồng. Cổ Yểng cũng là thôn có đông người xuất khẩu lao động ở Đài Loan, Nhật Bản và các công ty trong nước, thu nhập bình quân đầu người là 30 triệu đồng/năm. Số tiền không phải lớn nhưng với cuộc sống người dân miền sơn cước đó là mơ ước bao đời!

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục