,

Lâm nghiệp

Điểm sáng thoát nghèo từ trồng rừng

Đông Thọ hiện đang là xã phát triển nghề rừng mạnh nhất ở huyện Sơn Dương. Nơi đây nhờ trồng rừng đã mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

Đông Thọ bát ngát màu xanh của rừng.

Xã Đông Thọ hiện có 7 dân tộc sinh sống, chủ yếu là dân tộc Cao Lan, Nùng, Mông, Tày. Từ bao đời nay, người dân nơi đây đã sống bằng nghề rừng. Toàn xã hiện có trên 2.800 ha rừng gồm trên 146 ha rừng tự nhiên và trên 2700 ha rừng trồng. Trên địa bàn xã hiện có trên 703 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Bình quân hàng năm, toàn xã trồng trên 100 ha rừng, với trên 1.800 hộ dân tham gia sản xuất lâm nghiệp, thu nhập bình quân từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng/1,0 ha/ chu kỳ trồng rừng (6-7 năm).

Đông Thọ cũng là điểm sáng triển khai hiệu quả Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2021. Đồng chí Âu Văn Tá, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết, từ kinh tế rừng đã giúp nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, có cuộc sống no đủ. Đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 44%, đến nay giảm còn 39%.

Thôn Đông Ninh có diện tích rừng lớn nhất xã với trên 200 ha rừng, 160 hộ dân có rừng trồng sản xuất. Diện mạo nông thôn nơi đây đã khang trang hơn rất nhiều. Đường liên thôn, nội thôn đã được bê tông hóa 100%, 90% hộ gia đình đã có nhà xây kiên cố. Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng thôn Đông Ninh cho biết, từ trồng rừng đời sống của người dân đã được nâng lên, toàn thôn hiện chỉ còn 20 hộ nghèo, thu nhập bình quân 3 triệu đồng/ người/năm.

Gia đình ông Trần Kim Cương là hộ điển hình từ thoát nghèo và làm giàu từ rừng. Hiện nay, gia đình ông có 3,5 ha rừng đã cho khai thác, mỗi chu kỳ khai thác ước thu trên 200 triệu đồng/ha. Toàn bộ diện tích của gia đình ông đã được trồng theo giống keo mô từ chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh.

Cánh rừng 5 năm tuổi của gia đình ông Trần Kim Cương, thôn Đông Ninh, xã Đông Thọ (Sơn Dương)

Ông Cương phấn khởi khoe: “Trước đây khi chưa trồng rừng, chưa đầu tư thâm canh cho rừng, gia đình tôi rất vất vả. Nhưng khi xác định chỉ có trồng rừng mới thoát nghèo, gia đình tôi đã chú trọng khâu chăm sóc, đầu tư cho rừng, nhờ đó, sản lượng, năng suất gỗ rừng trồng mỗi chu kỳ khai thác đều tăng lên. Thu nhập từ rừng đã cho gia đình tôi có tiền để nuôi các con học tập và xây nhà trang trang”.

Cũng giống như Đông Ninh, thôn Trung Thu phát triển mạnh nghề trồng rừng. Bà Trần Thị Kim Thoa, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn cho biết, thôn có 138 hộ dân, tổng diện tích rừng là 120 ha, hầu hết nhà nào cũng có rừng. Mấy năm trở lại đây, người dân thôn Trung Thu có thu nhập chính từ trồng rừng. Nếu như trước đây, hầu hết người dân có sức lao động đi làm ăn xa, làm công nhân tại các công ty thì nay, nhiều người đã trở về chọn cách lập nghiệp từ những cánh rừng.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm qua mỗi năm, bình quân hàng năm có từ 7 đến 10 hộ thoát nghèo nhờ trồng rừng. Gia đình ông Trần Văn Cao, thôn Trung Thu có 3 ha rừng đã cho khai thác 4 chu kỳ, mỗi chu kỳ khai thác bình quân thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ ha. Trước đây, gia đình ông Cao có điều kiện kinh tế khó khăn, nhưng từ khi đầu tư phát triển rừng, gia đình ông có của ăn của để, nâng cao thu nhập. Năm 2022, gia đình ông còn được hỗ trợ trên 2 nghìn cây giống keo mô theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh để trồng mới 1,7 ha rừng.

Về Đông Thọ, màu xanh của rừng bao phủ những ngôi nhà xây khang trang, rừng khai thác đến đâu được trồng gối vụ đến đó, nơi đây đang trở thành mảnh đất xanh ươm mầm mơ ước về một cuộc sống ấm no, đủ đầy từ rừng.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục