,

Lâm nghiệp

Mô hình hiệu quả trong chế biến lâm sản

Là một trong những đề án tại tỉnh được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2022, đề án “Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất gỗ ván ép” do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp 1 - Cục Công Thương địa phương phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang triển khai tại Công ty TNHH Trà Phú Lâm (TP Tuyên Quang) bước đầu mang lại hiệu quả.

Công ty TNHH Trà Phú Lâm (TP Tuyên Quang) có sản phẩm chính là sản xuất, chế biến các sản phẩm gỗ ván bóc. Nắm bắt được nhu cầu của thị trường và tận dụng những lợi thế sẵn từ nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu về máy móc thiết bị để phù hợp với nhu cầu sản xuất tại đơn vị, cuối năm 2021 được sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia, Công ty đã mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại với công suất thiết kế 12.000 m3 sản phẩm/năm. Tổng vốn đầu tư của dự án là 6,2 tỷ đồng, trong đó, nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 700 triệu đồng.

Đại biểu tham quan mô hình trình diễn kỹ thuật trong sản xuất gỗ ván ép tại Công ty TNHH Trà Phú Lâm (TP Tuyên Quang).

Dây chuyền với hệ thống máy ép nóng, máy ép nguội, nồi hơi, băng chuyền có thể ứng dụng rộng rãi đối với tất cả các loại gỗ ván ép. Sản phẩm ván ép được ứng dụng dây chuyền sản xuất hiện đại có bề mặt hoàn thiện bằng phẳng, mịn; ruột ván ép sử dụng ván bóc gỗ cứng rừng trồng như: ván bóc keo, bạch đàn có khả năng chịu lực cao; ván ép có nhiều lớp được ép nóng nhiều lần kết hợp keo tiêu chuẩn có khả năng chịu nước đun sôi, có độ co giãn và độ cứng cao thích ứng với môi trường ẩm ướt hay nắng nóng ngoài trời. Từ đó có thể sử dụng ván ép để làm các món đồ nội thất, làm vách ngăn công nghiệp, lát sàn phòng học, phòng ngủ, văn phòng, chế tạo đồ mộc gia đình...

Anh Nguyễn Hữu Chí, Giám đốc Công ty TNHH Trà Phú Lâm (TP Tuyên Quang) chia sẻ, thông qua chương trình khuyến công quốc gia đã thực sự giúp doanh nghiệp bớt đi một phần khó khăn về tài chính, có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất. Việc ứng dụng công nghệ của dây chuyền thiết bị hiện đại đã tạo nên các sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm được sản xuất sử dụng 100% nguyên liệu tại chỗ. Nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại nên quá trình sản xuất giúp tiêu thụ năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, không sản sinh ra những chất thải độc hại. Dự kiến dây chuyền khi đi vào hoạt động ổn định, doanh thu hàng năm có thể đạt 60 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Trà Phú Lâm (TP Tuyên Quang) tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương với mức thu nhập từ 5 - 8 triệu đồng/người/tháng. 

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang, việc triển khai thành công Đề án lần này sẽ góp phần định hướng, nhân rộng cho các tổ chức, cá nhân khác có cơ hội được tham quan, học hỏi quy trình sản xuất gỗ ván ép trên dây chuyền hiện đại hoạt động hoàn toàn khép kín. Đây là mô hình sản xuất kinh doanh đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo phát triển bền vững, thân thiện môi trường; đồng thời tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu, giảm thiểu việc xuất khẩu nguyên liệu thô, chống lãng phí tài nguyên rừng, đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm đồ gỗ chất lượng cao, trang trí nội thất, các sản phẩm tiêu dùng có giá trị thẩm mỹ cao.

Hiệu quả từ Đề án mang lại không những tạo việc làm với thu nhập ổn định cho lao động địa phương, giúp chuyển dịch cơ cấu lao động mà còn góp phần ổn định an ninh chính trị, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước; kết nối các doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm sản với nhau. Đồng thời, khẳng định được những tác động tích cực, hiệu quả của chính sách khuyến công tới hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp. 

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục