,

Lâm nghiệp

Tuyên Quang: Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị sản xuất và đồng thời hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng công nghệ cao.


Tuyên Quang đặt mục tiêu trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng

Đẩy mạnh quản lý rừng bền vững

Để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh triển khai đến người dân, thực hiện trồng rừng và theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững. Theo đánh giá của các chủ rừng, trồng rừng theo tiêu chuẩn mới, giúp sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10 -15%; giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng từ 10 đến 15%. Đây là một tín hiệu tích cực trong định hướng phát triển rừng ở Tuyên Quang.

Như tại xã Hùng Mỹ (huyện Chiêm Hóa,), việc trồng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững, đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt. Trước đây, do chưa chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc, nên năng suất của rừng khá thấp, nhưng nay đã được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ cao hơn.

Ông Trần Đình Quang ở xã Hùng Mỹ chia sẻ: “Thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững, người dân chúng tôi phải tuân thủ nghiêm ngặt 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí. Mặc dù vất vả hơn nhưng bù lại, chất lượng rừng được nâng cao khiến chúng tôi rất vui mừng”.

Theo ông Quang thì, rừng trồng được cấp chứng chỉ sẽ cho sản lượng gỗ cao hơn rừng thường từ 10 - 15%. Giá bán gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ cũng tăng từ 15 - 20%. Riêng rừng của người dân xã Hùng Mỹ được Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thu mua và hỗ trợ thêm 100.000 đồng/m3.


Đoàn công tác của Tổng cục lâm nghiệp kiểm tra rừng trồng gỗ lớn tại tỉnh Tuyên Quang.

Được biết, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 36.900 ha rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rừng bền vững. Cùng với đó, Tuyên Quang còn tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm rừng trồng của người dân. Nhờ đó, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp cũng đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ người trồng rừng bằng cách cam kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ cây giống, kỹ thuật…

Trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng hàng đầu

Tuyên Quang là tỉnh có thế mạnh về phát triển sản xuất lâm nghiệp với hơn 448 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm 76% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó diện đất có rừng là trên 426 nghìn ha. Hàng năm, tỉnh trồng được trên 11 nghìn ha rừng, sản lượng khai thác 880 nghìn m3/năm, độ che phủ của rừng luôn duy trì trên 65%. 

Hiện nay, Tuyên Quang là một trong những tỉnh có độ che phủ lớn nhất cả nước, đã hình thành vùng nguyên liệu rừng trồng trên 190 nghìn ha. Vốn rừng hiện có là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực như: công nghiệp chế biến gỗ, phát triển du lịch sinh thái, ngành nghề thủ công mỹ nghệ…

Nhằm thay đổi tư duy nhận thức của nông dân trong việc phát triển kinh tế rừng, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, tỉnh Tuyên Quang đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động khuyến lâm trên địa bàn tỉnh về đào tạo tập huấn kỹ thuật; xây dựng mô hình trình diễn áp dụng giống mới; áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới về lĩnh vực lâm nghiệp; thông tin tuyên truyền các mô hình lâm nghiệp đạt hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng...


Cán bộ kiểm lâm tuần tra rừng đặc dụng tại xã Sơn Phú (huyện Na Hang, Tuyên Quang)

Theo ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang, sản xuất lâm nghiệp bền vững của tỉnh đã tạo hàng vạn việc làm cho người dân vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, hàng vạn hộ gia đình có cuộc sống ổn định, trong đó có hàng ngàn hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng đến vài tỷ đồng từ nguồn lợi mà rừng mang lại.

 “Thời gian tới, Tuyên Quang sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò trách nhiệm và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức kinh tế và nhân dân về phát triển lâm nghiệp bền vững nói chung, bảo vệ rừng tự nhiên, phát triển rừng trồng sản xuất nói riêng”, ông Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh.

Báo Dân tộc và Phát triển

Tin cùng chuyên mục