,

Lâm nghiệp

Tuyên Quang phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ

Từ năm 2010, tỉnh Tuyên Quang đã chủ động, tích cực lập và triển khai hiệu quả quy hoạch ba loại rừng, giao đất, giao rừng cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để phát triển kinh tế lâm nghiệp và bảo vệ rừng. Toàn tỉnh hiện có 425.356ha rừng (độ che phủ của rừng trên 65%), trong đó, rừng đặc dụng 45.575 ha, rừng phòng hộ 115.135ha; rừng sản xuất 233.183ha.


Dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của Công ty cổ phần Woodsland (Tuyên Quang).

Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển rừng và kinh tế lâm nghiệp, Tuyên Quang luôn xác định phát triển nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với công nghiệp chế biến gỗ, du lịch sinh thái. Đây là khâu đột phá nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.

Đẩy mạnh giao đất, giao rừng

Từ năm 2010, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế lâm nghiệp, bảo vệ rừng như: hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao; hỗ trợ bảo vệ rừng, hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững và hỗ trợ lãi suất để chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn; hỗ trợ đào tạo lao động... Tuyên Quang đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chú trọng thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhất là chế biến gỗ rừng trồng. Với những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện, được nhân dân, doanh nghiệp tham gia tích cực, kinh tế nông lâm nghiệp giai đoạn 2015-2020 của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hơn 4%/năm (đứng thứ 4 trong khu vực trung du và miền núi phía bắc) duy trì hiệu quả năm vùng sản xuất hàng hóa (vùng rừng trồng 190 nghìn ha, vùng cam hơn 8.000ha, vùng chè 8.400ha, vùng bưởi 5.000ha, vùng mía 2.200ha) và hơn 50 chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ (chuỗi sản xuất, chế biến chè; gỗ rừng trồng; mía đường; dong giềng; mật ong; trâu thịt; cá đặc sản)... Đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 54/122 xã và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; các xã còn lại đều đạt bình quân 15 tiêu chí/xã.

Đặc biệt, kinh tế lâm nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, duy trì trên 190 nghìn ha rừng trồng, năng suất rừng trồng bình quân trên 115m3/ha, trữ lượng gỗ 2,185 triệu m3/năm; sản lượng khai thác hằng năm trên 900.000m3 đứng đầu các tỉnh miền núi phía bắc, đứng thứ 5 so với cả nước; trong đó tỷ trọng gỗ lớn phục vụ chế biến chiếm 30%, gỗ nguyên liệu giấy chiếm 70%; diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên 35.800ha. Hằng năm, trồng mới trên 11.000ha rừng mà chủ yếu là rừng tập trung; tỷ lệ che phủ rừng luôn trên 65%, trong đó các huyện Lâm Bình và Na Hang tỷ lệ che phủ trên 70%.

Phát triển công nghiệp chế biến gỗ

Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp của tỉnh năm 2021 đạt hơn 1.600 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Nổi bật trong lĩnh vực này là Công ty cổ phần giấy An Hòa. Tổng Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Anh cho biết, hiện công ty đang vận hành hai dây chuyền sản xuất: Dây chuyền bột giấy, công suất 130.000 tấn/năm và dây chuyền giấy cao cấp, công suất 140.000 tấn/năm. Công ty không ngừng đổi mới dây chuyền công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Các sản phẩm của công ty như bột giấy trắng, giấy in, giấy viết, giấy photocopy hiện đã xuất khẩu sang thị trường nhiều nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tạo việc làm cho hơn 800 lao động với mức thu nhập gần 7 triệu đồng/người/tháng và hàng vạn lao động tham gia trồng rừng. Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang với nhà máy chế biến gỗ tại huyện Yên Sơn công suất thiết kế 150.000m3 sản phẩm/năm, với các sản phẩm: ván dăm, ván ép và các sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất từ gỗ rừng trồng, tạo việc làm ổn định cho 2.000 lao động.

Nhằm tiếp tục nâng cao giá trị kinh tế lâm nghiệp, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó đề ra tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp 10%/năm; phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt hơn 89.000ha; sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 5.500.000m3; mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) hơn 90.000ha. Giai đoạn 2026-2030, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt trên 12%/năm, sản lượng gỗ khai thác đạt 6.500.000m3; tiếp tục mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên 100.000ha rừng sản xuất. Đến năm 2030, giá trị thu được từ rừng trồng gỗ nhỏ (chu kỳ 7 năm) đạt hơn 220 triệu đồng/ha; với rừng trồng gỗ lớn (chu kỳ 10 năm) đạt trên 350 triệu đồng/ha. Đưa "Tuyên Quang trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ".

Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang cho biết, triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển lâm nghiệp. Trong đó, cơ cấu lại và tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững, nâng cao năng suất, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập và đời sống cho người trồng rừng và bảo vệ rừng, hướng tới phát triển lâm nghiệp xanh, tuần hoàn. Chủ động, tích cực phối hợp các địa phương trong vùng và các doanh nghiệp chế biến quy hoạch, xây dựng vùng, tạo chuỗi liên kết vùng về phát triển nguyên liệu gỗ rừng trồng đáp ứng nhu cầu chế biến về lâu dài, trở thành khu vực phát triển lâm nghiệp tiêu biểu và trung tâm chế biến gỗ rừng trồng lớn của cả nước. Chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để tiếp cận thị trường cung ứng tín chỉ các-bon rừng nhằm tăng thêm nguồn thu, góp phần nâng cao đời sống cho người trồng rừng và bảo vệ rừng.

Báo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục