,

Lâm nghiệp

Xứ Tuyên với mục tiêu 20 nghìn ha rừng gỗ lớn

Với diện tích rừng có chứng chỉ FSC lớn nhất nước, Tuyên Quang đang hướng tới mục tiêu 20 nghìn ha rừng gỗ lớn, khai thác tiềm năng của hơn 4 triệu tín chỉ cac-bon.

Tỉnh có diện tích rừng FSC lớn nhất nước

Tuyên Quang là tỉnh miền núi có 448.680ha rừng và đất lâm nghiệp (gồm đất rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Tổng diện tích rừng hiện có  hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu trên 140.700ha. Tỷ lệ che phủ rừng của Tuyên Quang đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước.

Rừng của tỉnh Tuyên Quang ngày càng khẳng định được giá trị kinh tế. Trong chương trình phát triển kinh tế lâm nghiệp của tỉnh, Tuyên Quang đang hướng tới mở rộng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC, rừng gỗ lớn.

Nhiều giống keo mới phù hợp với điều kiện của Tuyên Quang đã được đưa
vào sản xuất, cho năng suất gấp 1,5 lần giống cũ. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện, Tuyên Quang đã thực hiện cấp chứng chỉ FSC cho trên 35.800ha rừng trồng, cao nhất cả nước, góp phần nâng cao giá trị gỗ rừng trồng lên 15%. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện đã có hơn 69.000ha rừng gỗ lớn.

Xác định chất lượng cây giống có vai trò quyết định năng suất và hiệu quả kinh tế rừng trồng, Tuyên Quang đã đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ trong nghiên cứu, sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng. Đến nay, tỉnh đã nghiên cứu và ứng dụng thành công sản xuất giống keo lai bằng phương pháp nuôi cấy mô; bước đầu triển khai ứng dụng lai tạo, tuyển chọn và nhân giống keo có chu kỳ ngắn, sinh khối lớn, chống chịu bệnh đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu gỗ cho các nhà máy. Qua nghiên cứu, đã lựa chọn được 2 dòng keo lai 102 và BV342 hiện đang được Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình trồng và quản lý.

Từ năm 2016, Trường Đại học Tân Trào đã xây dựng thành công nhà nuôi cấy mô với diện tích 433m2, với công suất 1,5 triệu cây/năm; nâng cấp, cải tạo tầng 2 nhà nuôi cấy mô cũ; đầu tư nhà luyện cây, ươm cây diện tích 200m2 để luyện cây, ươm cây giống được sản xuất từ nhà nuôi cấy mô trước khi đưa ra vườn ươm. Dự án có tổng giá trị đầu tư hơn 6 tỷ đồng.

Gia đình bà Phan Thị Bảo, thôn 1, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn nhận khoán từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tuyên Bình để trồng rừng. Năm 2015, bà thử nghiệm trồng 3ha giống keo tai tượng. Sau 5 năm, với quy trình chăm bón đúng kỹ thuật, thân cây cao nhanh, chắc khỏe, không bị gẫy đổ.

Tuyên Quang đã và đang tiếp tục dồn nhiều nguồn lực
nhằm đưa kinh tế lâm nghiệp lên tầm cao mới. Ảnh: Văn Thưởng.

Cuối năm 2020, vườn keo cho thu hoạch đạt 80 - 90 khối gỗ/ha, sau khi trừ chi phí gia đình bà Bảo thu lãi 140 triệu đồng. Nhận thấy giống keo này phát triển nhanh, đầu năm 2020, bà Bảo tiếp tục đầu tư trồng 7ha. Sau hơn 2 năm trồng, hiện giống keo này cho thấy những ưu điểm vượt trội, cây khỏe đều, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao gấp 1,5 lần giống cũ. Hiện người dân trong vùng cũng đã mua giống cây nuôi cấy mô về trồng khá nhiều.

Hiện nay, GRDP ngành lâm nghiệp Tuyên Quang đạt trên 1.600 tỷ đồng, chiếm trên 17,5% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 8%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Tuyên Quang đặt ra mục tiêu phát triển thêm 20.000ha rừng gỗ lớn, nâng tổng số diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh lên 89.000ha.

Để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội đồng Nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XIX đã ban hành Nghị Quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 thực hiện chính sách hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, tương đương mức hỗ trợ lãi suất khoảng 8,4 triệu đồng/ha; chính sách hỗ trợ cây giống chất lượng cao để các hộ gia đình trồng rừng, làm giàu rừng, với mức hỗ trợ từ 5 triệu đến 12 triệu đồng/ha (tùy loài cây).

 

Hướng tới khai thác 4 triệu tín chỉ cac-bon

Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng với diện tích trên 85 nghìn ha/năm. Cùng đó, hỗ trợ bảo vệ trên 10 nghìn ha rừng/năm cho 4.104 hộ dân tộc thiểu số với tổng kinh phí hỗ trợ trên 132 tỷ đồng.

Đến năm 2025, Tuyên Quang đặt ra mục tiêu phát triển thêm 20.000ha rừng gỗ lớn.
Ảnh: Đào Thanh.

Song song đó, để bảo vệ rừng hiệu quả, những năm gần đây, lực lượng kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đã áp dụng hệ thống cảnh báo sớm cháy rừng trên điện thoại thông minh của các lãnh đạo chi cục kiểm lâm, lãnh đạo các hạt, trạm kiểm lâm. Nhờ đó, khi có thông tin về điểm cháy, lực lượng kiểm lâm đều được cảnh báo sớm và chỉ đạo kiểm tra xác minh, xử lý đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Ngành chức năng tỉnh cũng thực hiện hệ thống bảng, biển cảnh báo cấp cháy rừng tại các khu trọng điểm về cháy rừng…

Ông Triệu Đăng Khoa, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang cho biết, dù là rừng tự nhiên hay rừng trồng sản xuất đều có thể giúp người dân có thu nhập nếu người dân biết giữ, chăm sóc, phát triển kinh tế rừng bài bản, khoa học.

Để phát huy kinh tế dưới tán rừng, UBND tỉnh Tuyên Quang đã phê duyệt Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025 phát triển dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đạt trên 2.000ha; giai đoạn 2025 - 2030 phát triển trên 3.500ha cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ.

Nâng cao chất lượng rừng là định hướng mà Tuyên Quang đang tập trung
thực hiện nhằm khai thác bền vững tín chỉ cac-bon rừng. Ảnh: Văn Thưởng.

Hiện Tuyên Quang có 200ha cây dược liệu dưới tán rừng, với các loài chủ yếu là khôi nhung, thảo quả, hương nhu, giảo cổ lam… Tuy nhiên, phát triển kinh tế dưới tán rừng của tỉnh vẫn còn manh mún, chưa thực sự phát huy được hiệu quả kinh tế so với tiềm năng, thế mạnh.

Một lợi thế nữa mà người làm nghề rừng ở Tuyên Quang có thể mong đợi từ chương trình phát triển rừng gỗ lớn, đó là tỉnh đang triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ cac-bon rừng nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cac-bon rừng. Theo chương trình này, chủ rừng sẽ có thêm nguồn thu nhập mà chưa cần khai thác rừng.

Với diện tích hơn 448 nghìn ha rừng, trung bình mỗi năm tỉnh ước tính sẽ có khoảng 4 triệu tấn cac-bon được lưu giữ từ rừng, tương đương có khoảng 4 triệu tín chỉ cac-bon rừng để bán. Tuy nhiên, để thu được lợi nhuận từ loại hàng hóa đặc biệt này, cần nhiều quy trình và bước kiểm tra khoa học, cụ thể.

Xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương) hiện có gần 2,3 nghìn ha rừng, trong đó rừng sản xuất gần 1,7 nghìn ha. Đây là một trong những xã phát triển lâm nghiệp mạnh nhất huyện Sơn Dương.

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh điển hình
về phát triển lâm nghiệp bền vững. Ảnh: Đào Thanh.

Hơn 1 tháng nay, sau khi cán bộ kiểm lâm tuyên truyền về lợi ích thu được từ việc thương mại hóa tín chỉ cac-bon rừng, gia đình ông Ma Văn Bi, thôn Cả, xã Minh Thanh đã có thêm động lực và bắt tay vào mở rộng thêm hơn 1 ha keo, nâng tổng diện tích rừng của gia đình lên 5ha.

Ông Bi cho biết, lâu nay, rừng vốn là chỗ dựa để phát triển kinh tế, ổn định đời sống cho người dân. Giờ đây, khi biết rừng Tuyên Quang có đủ điều kiện, tiềm năng để bán tín chỉ cac-bon, người dân càng thêm kỳ vọng và phấn khởi. Hiện nay, người trồng rừng được nhà nước hỗ trợ từ phân bón đến cây giống, giờ lại có thu thêm từ việc chuyển đổi cac-bon rừng càng khiến người nông dân gắn với lâu dài với kinh tế rừng.

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, trở thành tỉnh điển hình về phát triển lâm nghiệp bền vững; trên 30% diện tích rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững; năng suất gỗ rừng trồng bình quân trên 17m3/ha/năm; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng bình quân đạt 1,1 triệu m3 gỗ/năm...

 

 

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục