,

Thủy lợi

Hồ đập an toàn, nông dân an nhàn

Nhiều công trình hồ đập lớn ở Tuyên Quang đã được sửa chữa kiên cố sẵn sàng nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương.

Các địa phương của Tuyên Quang chú trọng bảo đảm an toàn hồ đập, sẵn sàng cho việc tưới tiêu cho vụ đông xuân sắp tới. Ảnh: Đào Thanh.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 78 đập, hồ chứa lớn và vừa thuộc thẩm quyền phê duyệt phương án bảo vệ của UBND tỉnh Tuyên Quang; còn lại là công trình đập, hồ chứa nước nhỏ, do các đơn vị khai thác công trình lập và quyết định phương án bảo vệ.

Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, đã có 2 công trình đập, hồ chứa lớn được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước, các công trình còn lại Sở NN-PTNT đang tập trung chỉ đạo cơ quan chuyên môn hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị được giao quản lý khai thác công trình tổ chức lập phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước theo quy định, dự kiến đến hết năm 2022 toàn tỉnh có 50% tổng số công trình đập hồ chứa, lớn và vừa được UBND tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ.

Các công trình hồ đập được đảm bảo an toàn, việc điều tiết tưới tiêu đảm bảo giúp người dân có nguồn nước ổn định phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Với diện tích lưu vực rộng hơn 16 km2, hồ Ngòi Là là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Công trình hồ thủy lợi Ngòi Là nằm trên địa bàn xã Trung Môn của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 1975, có dung tích hữu ích là 3,24m3; mực nước dâng bình thường là 41,5m; lưu lượng xả thiết kế là 66,9 m3/s... Hồ thủy lợi Ngòi Là đảm bảo cung cấp tưới tiêu cho trên 680ha đất lúa tại các xã Chân Sơn, Trung Môn, huyện Yên Sơn; các phường Ỷ La, Tân Hà, Hưng Thành của thành phố Tuyên Quang.

Ông Ngô Văn Quyền, nhân viên Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang, người trực tiếp quản lý, vận hành tại hồ thủy lợi Ngòi Là cho biết, đảm bảo an toàn công trình hồ thủy lợi Ngòi Là, hiện nay Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang đã phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, theo dõi các hồ chứa nước thuỷ lợi để kịp thời phát hiện các sự cố, nhất là đối với các hạng mục công trình xung yếu có nguy cơ mất an toàn. Đồng thời Ban cũng theo dõi chặt chẽ tình hình khí tượng, thủy văn để điều chỉnh kế hoạch điều tiết nước phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn công trình; điều tiết nguồn nước theo đúng kế hoạch sản xuất theo tiến độ từ làm đất, gieo cấy đến tưới dưỡng cho lúa.

Tại huyện Sơn Dương, tổng số công trình thủy lợi trên địa bàn huyện là 422 công trình, trong đó hồ chứa là 198 công trình; đập dâng 124 công trình; công trình tạm là 63 công trình; trạm bơm điện là 20 công trình; trạm bơm dầu là 1 công trình… Hệ thống kênh tưới kiên cố 645/778 km. Các công trình cung cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho diện tích 10.333,431 ha.

Các công trình hồ đập thủy lợi của Tuyên Quang đang dần phát triển theo hướng đa mục tiêu. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Hoàng Văn Niên, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sơn Dương cho biết, hiện nay đa số các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện được xây dựng từ lâu, nhiều công trình hiện nay đã bị hư hỏng, xuống cấp không đảm bảo an toàn khi có mưa lũ xảy ra. Đến nay, toàn huyện hiện còn 63 công trình tạm cần được đầu tư kiên cố.

Khó khăn trong công tác quản lý, vận hành các công trình hồ đập thủy lợi trên địa bàn huyện Sơn Dương hiện nay là, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tại các Ban Quản lý công trình thủy lợi cơ sở còn thiếu và chưa đảm bảo về năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ; kinh phí tiền lương, tiền công hỗ trợ cho cán bộ còn thấp, chưa thu hút được nhân lực có trình độ cao tham gia vào công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi trên địa bàn.

 Cùng với đó, nguồn vốn ngân sách huyện còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn vốn để tu sửa, nâng cấp các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp.

Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh Tuyên Quang dự kiến thực hiện gieo mạ từ ngày 30/12/2022 đến ngày 3/1/2023; cấy từ ngày 25/01/2023 đến ngày 31/01/2023, khi mạ được 3 đến 4 lá. Bởi vậy việc an toàn hồ đập và các công trình thủy lợi là yếu tố quan trọng giúp người nông dân yên tâm về nguồn nước phục vụ tưới tiêu, canh tác, đảm bảo mùa vụ đạt năng suất, chất lượng và có hiệu quả kinh tế cao.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục