,

Thủy lợi

Những công trình thủy lợi làm thay đổi nông nghiệp xứ Tuyên

Ở Tuyên Quang có những công trình thủy lợi góp phần đồng hành cùng người dân giúp tăng năng suất, sản lượng cây trồng, thúc đẩy ngành nông nghiệp của địa phương phát triển.

Hồ Ngòi Là là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Công trình thủy lợi hồ Ngòi Là nằm trên địa bàn xã Trung Môn của huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Công trình được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 1975, có dung tích hữu ích là 3,24m3; mực nước dâng bình thường là 41,5m; lưu lượng xả thiết kế là 66,9 m3/s... Hồ thủy lợi Ngòi Là đảm bảo cung cấp tưới tiêu cho trên 680ha đất lúa tại các xã Chân Sơn, Trung Môn, huyện Yên Sơn; các phường Ỷ La, Tân Hà, Hưng Thành của thành phố Tuyên Quang.

Kể từ năm 1975 đến nay, công trình đã 2 lần được đầu tư nâng cấp vào năm 1999 và năm 2019. Sau 2 lần nâng cấp, sửa chữa đến nay công trình được đảm bảo an toàn, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất.

Bà Hoàng Thị Sỹ, Giám đốc Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tuyên Quang cho biết, hồ Ngòi Là là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh Tuyên Quang. Đây là công trình thủy lợi có ý nghĩa quan trọng giúp thay đổi năng suất, sản lượng của cây trồng trên địa bàn tỉnh. Qua 2 lần đầu tư, nâng cấp hồ thủy lợi Ngòi Là đã đảm bảo an toàn hồ đập đồng thời duy trì khả năng tưới tiêu cho đồng ruộng tại một số địa phương của thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn.

Theo Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Tuyên Quang, cùng với hồ Ngòi Là, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn có 25 hồ chứa lớn khác. Nổi bật nhất phải kể đến hồ Hoàng Khai, huyện Yên Sơn, đảm bảo tưới tiêu cho hơn 554ha lúa tại các xã, phường của huyện Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang. Hồ Như Xuyên thuộc xã Đồng Quý, huyện Sơn Dương; hồ có diện tích lưu vực lên đến 15km2, dung tích hồ chứa đạt 2 triệu m3. Hồ cây Gạo thuộc xã Chi Thiết, huyện Sơn Dương có diện tích lưu vực là 6,4 km2; diện tích tưới là 146ha… Đây đều là những công trình có vai trò quan trọng góp phần làm thay đổi bộ mặt của nông nghiệp của tỉnh Tuyên Quang.

Các công trình thủy lợi lớn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đang phát triển theo hướng đa mục tiêu. Ảnh: Đào Thanh.

Công trình thủy lợi hồ Như Xuyên, tại xã Đồng Quý, huyện Sơn Dương có diện tích lưu vực lên đến 15km2. Hồ chứa nước Như Xuyên được sửa chữa năm 1992 là công trình lớn của tỉnh, công trình tưới cho liên các xã Đồng Quý, Vân Sơn, Hồng Lạc của huyện Sơn Dương. Đến nay, các hạng mục đầu mối như đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước đầu kênh còn tốt.

Ông Vi Xuân Hồ, Chủ tịch UBND xã Đồng Quý, huyện Sơn Dương cho biết, công trình thủy lợi hồ Như Xuyên là niềm tự hào của người dân xã Đồng Quý. Từ khi xây dựng đến nay, công trình đã đồng hành cùng bà con trong phát triển sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng. Công trình được xây dựng với mục tiêu, nhiệm vụ chính là cấp nước tưới cho ruộng lúa và hoa màu, tham gia điều tiết lũ cho vùng hạ lưu.

Sau nhiều năm xây dựng, đưa vào khai thác và sử dụng đã làm cho lượng bùn cát đổ vào hồ tăng lên gây bồi lắng lòng hồ. Vì thế, cần thiết đo đạc, kiểm tra mức độ bồi lắng hồ chứa để có các biện pháp xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình. Để đánh giá được hết mức độ của hồ chứa thì cần thiết phải sử dụng các biện pháp quan trắc đo đạc hiện đại, tốn kém.

Năm 2021, công trình được tu sửa đổ bê tông cứng đáy cống xả nước và 600m kênh mương từ khu vực lòng hồ dẫn nước ra các cánh đồng làng Cây Táu. Dự kiến năm 2023, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ đầu tư khoảng 300 triệu để tu sửa một số hạng mục xuống cấp tại công trình này.

Các hồ chứa ở lớn ở Tuyên Quang đã và đang thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ điều tiết nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; đảm bảo công tác vận hành tốt nhất, bảo vệ mùa màng, diện tích sản xuất và sinh kế của bà con. Đồng thời các công trình này cũng có vai trò quan trọng trong việc phòng chống lũ, cân bằng hệ sinh thái. Hiện nay, các địa phương cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống hồ theo hướng đa mục tiêu, vừa phục vụ hoạt động sản xuất gieo trồng, vừa phát triển nghề nuôi trồng thủy sản kết hợp với du lịch sinh thái nông thôn; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công tác quản lý, vận hành đảm bảo hồ phát huy hiệu quả bền vững.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục