* Về biện pháp công trình và các giải pháp khắc phục:
- Tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn nước: Kiểm tra và tổ chức giữ nước, sử dụng nước tiết kiệm, trữ nước ở tất cả các công trình thủy lợi, đặc biệt trong các hồ, ao… để có nguồn nước tưới chủ động chống hạn. Đồng thời sửa chữa rò rỉ các đập đầu mối; xử lý rò rỉ ở các van cống lấy nước, cống điều tiết…
- Đối với các trạm bơm:
+ Tổ chức kiểm tra, sửa chữa hư hỏng, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhiên liệu để phòng, chống khi có hạn xảy ra; nạo vét bể hút, bể xả và vận hành theo đúng quy trình kỹ thuật để đảm bảo các trạm bơm làm việc an toàn, đúng năng lực thiết kế;
+ Đối với các trạm bơm ven sông Lô, sông Gâm các Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi cơ sở cần thường xuyên theo dõi và bám sát lịch xả nước theo thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để tập trung lấy đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể lịch xả nước như sau:
Đợt 1: Bắt đầu từ 0h ngày 04/01/2022 đến 24h ngày 06/01/2022 (03 ngày)
Đợt 2: Bắt đầu từ 0h ngày 15/01/2022 đến 24h ngày 22/01/2022 (08 ngày)
Đợt 3: Bắt đầu từ 0h ngày 13/02/2022 đến 24h ngày 17/02/2022 (05 ngày).
- Đối với hệ thống kênh tưới: Tổ chức phát dọn, nạo vét toàn bộ hệ thống kênh mương, hoành triệt tất cả các vị trí rò rỉ, các vị trí lấy nước không theo thiết kế, đảm bảo nước chảy thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng; Riêng các công trình trên kênh (cầu máng, xi phông, tràn bên...) phải kiểm tra, sửa chữa ngay những hư hỏng như lún, nứt, sạt lở, rò rỉ... Đặc biệt đối với các xi phông phải thường xuyên nạo vét, vớt rác ở cửa vào và cửa ra, mở van xả cặn, thau rửa bùn cát.
- Đối với các công trình đang thi công dở dang: Tập trung thi công dứt điểm, công trình hoàn thành đến đâu kịp thời đưa vào khai thác phục vụ sản xuất ngay đến đó;
- Đối với những diện tích khả năng nguồn nước không đảm bảo tưới suốt vụ, cần xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang loại cây trồng khác sử dụng ít nước hơn để đảm bảo hiệu quả sản xuất;
- Kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi xâm hại đến công trình như: Tháo cạn ao, hồ để đánh bắt cá; đóng mở cống lấy nước tùy tiện; cuốc xẻ, phát bờ kênh, đổ đất, cỏ rác xuống lòng kênh hoặc tháo nước vào ruộng để nước chảy tràn bờ gây lãng phí...
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, thường xuyên các biện pháp phòng, chống hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng để vận động, hướng dẫn nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán.
* Ban quản lý công trình thủy lợi cơ sở xây dựng kế hoạch tưới cụ thể, có biện pháp phân phối, điều hòa nước hợp lý:
- Đối với khu vực có đủ nguồn nước tưới: Tổ chức tưới hợp lý, tiết kiệm và theo đúng quy trình kỹ thuật tưới luân phiên (xa cao tưới trước, gần thấp tưới sau).
- Đối với khu vực khô hạn, thiếu nước: Áp dụng biện pháp tưới ẩm tiết kiệm tối đa nguồn nước, nhằm giảm tối đa lượng nước tưới. Riêng rau, màu, cây trồng cạn tận dụng trữ nước vào các giếng, ao, khu ruộng nhỏ, để áp dụng các hình thức tưới thủ công.
* Về các biện pháp chống hạn: Tùy điều kiện cụ thể từng khu vực mà áp dụng các biện pháp chống hạn như: Sử dụng máy bơm di động để bơm nước từ các nguồn nước gần nhất. Đắp trữ nước ở các mương tiêu, các khe, lạch để tạo nguồn nước bơm, tát. Đối với những khu vực trồng rau, màu: Tận dụng rơm, rạ, dùng ni lông phủ lên bề mặt luống nhằm hạn chế sự bốc hơi nước của đất.