,

Chuyển đổi số

Chấp nhận một số lĩnh vực tạm thời đứng ngoài chuyển đổi số

Định hướng cho mục tiêu chuyển đổi số của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị 'Dám nghĩ nhỏ' để giải quyết một vấn đề cụ thể và tìm ra giải pháp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT tự rà soát về khả năng chuyển đổi số, trước khi triển khai hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Bá Thắng.

 

Cẩn thận những "cái bẫy"

Ngày 20/2, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp. Tại đây, ông ví quá trình chuyển đổi như việc sở hữu cùng lúc ba ngôi nhà: ngôi nhà truyền thống là phương pháp ghi chép thủ công, ngôi nhà công nghệ thông tin là sử dụng các phần mềm để quản lý thủ tục hành chính, ngôi nhà thứ ba là chuyển đổi số.

"Nhiều lúc mình chạy tới chạy lui rồi tới lúc không biết mình phải ở ngôi nhà nào. Khi dọn đồ từ ngôi nhà thứ nhất sang ngôi nhà thứ hai chưa hết, chúng ta lại phải nghĩ đến ngôi nhà mới. Thành thử, sự lúng túng là điều khó tránh", Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu Bộ NN-PTNT nhân đó nhắc đến khái niệm “cái bẫy” khi chuyển đổi số, bởi đặc thù của ngành nông nghiệp nước nhà hiện còn mù mờ và người dân chưa có thói quen ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Do đó, nếu không có chiến lược và "ra đề bài" một cách cụ thể khi chuyển đổi, cán bộ hoạch định sẽ không biết bắt đầu từ đâu, thậm chí lãng phí nguồn lực.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị chia sẻ điều này. Mới được phân công làm đầu mối của Bộ NN-PTNT về công tác chuyển đổi số, ông đánh giá hạ tầng của Bộ và ngành nông nghiệp còn nhiều bất cập, khó tích hợp và đồng bộ sớm theo định hướng của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. 

Nhằm khắc phục, Thứ trưởng cho rằng cần sớm tổ chức hội nghị toàn ngành về chuyển đổi số, đồng thời triển khai kế hoạch hoạt động này một cách thường xuyên, định kỳ và có kinh phí chi hàng năm.

"Từng dự án cần xác định rõ làm cho Trung ương hay địa phương, đâu là giả thiết, đâu là mục tiêu cần đạt được. Có như vậy, chúng ta mới tránh được hiện tượng đầu tư dàn trải trong bối cảnh nguồn lực có hạn như hiện nay", ông Trị bày tỏ.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề xuất đưa chuyển đổi số thành hoạt động và được cấp kinh phí thường niên. Ảnh: Bá Thắng.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị đề xuất đưa chuyển đổi số thành hoạt động và được cấp kinh phí thường niên. Ảnh: Bá Thắng.

Năm 2022, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ liên quan tới chuyển đổi số của các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT là 53/77, đạt khoảng 70%. Trong 7 bộ chỉ tiêu đặt ra năm 2022, Bộ NN-PTNT đạt 3/7 chỉ tiêu, số còn lại mới dừng ở mức cơ bản.

Nổi bật là phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới nông minh giai đoạn 2021-2025; Phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập thông tin, dự báo tình hình thị trường nông sản; Trình Chính phủ Đề án Chuyển đổi số ngành NN-PTNT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Về chỉ đạo, điều hành, Ban hoàn thành 3 nhiệm vụ do Thủ tướng giao. Cụ thể: Triển khai cơ sở dữ liệu quản lý thức ăn chăn nuôi và cơ sở chăn nuôi; Triển khai cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng; Xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản. Đồng thời, Ban đã thành lập nhiều đoàn công tác đi khảo sát, thăm thực tế một số mô hình chuyển đổi số hiệu quả tại địa phương.

Ban chỉ đạo cũng tự nhận một số thành viên chưa thực sự quyết liệt, chưa quan tâm thường xuyên khiến nhiệm vụ triển khai tại đơn vị còn chậm. Một số đơn vị chậm nâng cấp hạ tầng, thiết bị điện tử và chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cam kết ưu tiên nguồn lực công nghệ cho công tác chuyển đổi số nông nghiệp. Ảnh: Bá Thắng.

 

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cam kết ưu tiên nguồn lực công nghệ cho công tác chuyển đổi số nông nghiệp. Ảnh: Bá Thắng.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận xét, nhận thức và kiến thức về chuyển đổi số của những người làm nông nghiệp còn yếu và hạn chế. Dù lĩnh vực trồng trọt được chọn và triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trong việc quản lý, cấp mã số vùng trồng vào năm 2022, ông Cường nghĩ nên chọn một, hai đối tượng để đẩy mạnh, làm chuyên sâu, lấy kinh nghiệm trước khi triển khai diện rộng.

Chọn mục tiêu cụ thể cho từng đề án

 

Năm 2023, Ban chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp được giao 7 nhiệm vụ trọng tâm. Nổi bật là Dự án “Xây dựng Hệ thống thông tin và Cơ sở dữ liệu nền tảng ngành NN-PTNT” có kinh phí 300 tỷ đồng.

Tham mưu vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu quan điểm, rằng chuyển đổi số phải bắt đầu từ nghiệp vụ và kết thúc ở nghiệp vụ. Ông cũng nhấn mạnh: "Chuyển đổi số chỉ là một phương thức mới để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tốt hơn".

Với dự án 300 tỷ đồng, Thứ trưởng Dũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ để có thể sử dụng kinh phí một cách tối ưu. Dựa trên kinh nghiệm công nghệ sẵn có, ông đề xuất Bộ NN-PTNT phân định rõ hạng mục nào sẽ đầu tư lâu dài, hạng mục nào sẽ đi thuê để giảm thiểu chi phí.

"Cái gì phổ biến, thay đổi nhanh, chẳng hạn như hạ tầng kỹ thuật thì chúng ta nên ưu tiên thuê đơn vị thứ ba. Còn cái gì là giá trị cốt lõi, thay đổi chậm như cơ sở dữ liệu ngành thì Bộ cân nhắc đầu tư, cả về công nghệ lẫn nhân lực để sử dụng lâu dài", ông Dũng góp ý.

Phó Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT Đặng Duy Hiển báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo chuyển đổi số. Ảnh: Bá Thắng.

Phó Chánh văn phòng Bộ NN-PTNT Đặng Duy Hiển báo cáo kết quả hoạt động năm 2022 và phương hướng nhiệm vụ năm 2023 của Ban chỉ đạo chuyển đổi số. Ảnh: Bá Thắng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan tái khẳng định dư địa của chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp còn rất nhiều. Từ đó, ông giao các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT tham vấn Bộ Thông tin và Truyền thông và rà soát lại hạ tầng. Bên cạnh đó, đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm về chuyển đổi số được giao cho Trung tâm Chuyển đổi số & Thống kê nông nghiệp. Văn phòng Bộ sẽ tập trung cho công tác cải cách hành chính.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng nhắc lại khẩu hiệu "Lấy con người làm trung tâm trong chuyển đổi số" và giao Vụ Tài chính nghiên cứu dành một khoản kinh phí cố định để đào tạo lại cho cán bộ ngành nông nghiệp về nhận thức, kiến thức chuyển đổi số, thay vì thuê chuyên gia. 

"Đừng nghĩ là thiếu cái gì thì đi mua bằng được về. Phải nghĩ là, trong nội tại vẫn còn những nguồn lực chưa khai phá hết", ông tâm niệm.

Bộ trưởng đồng thời kêu gọi cán bộ, nhân viên ngành nông nghiệp hình thành dần văn hóa, nếp nghĩ chuyển đổi số, biến đó thành hành động để ứng xử khác trước đây. Đó có thể là tích hợp dữ liệu về kho chung, sử dụng, lưu trữ dữ liệu trên đám mây, xây đắp, làm giàu thêm dữ liệu, thay vì cát cứ dữ liệu và suy nghĩ kiểu “cắt khúc”.

Empty

 

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng, nhận thức và kiến thức về chuyển đổi số của những người làm nông nghiệp còn yếu và hạn chế.

Trước thực tế nguồn lực có hạn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi mở đường hướng cho việc giảm tải chuyển đổi số của ngành nông nghiệp. Ông nêu hai cách: Hoặc chấp nhận giữ nguyên một số lĩnh vực và chuyển đổi số sau; Hoặc từng lĩnh vực tự vận động, giảm trường dữ liệu và chỉ chuyển đổi dựa trên những cái chung.

"Bản thân mỗi lĩnh vực giờ cũng chưa hoàn thành dữ liệu vật lý chứ không nói đến dữ liệu chuyển đổi số. Nếu cứ đắm đuối vào mục tiêu đồng thời, đồng bộ, rất có thể chúng ta sẽ không có gì", ông trăn trở.

Tán đồng việc khoanh vùng đối tượng và chọn mục tiêu cụ thể cho các đề án sau này, Bộ trưởng ưu tiên sự gọn nhẹ, tích hợp khi triển khai đề án. Ông cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT xây dựng thang đo về quá trình chuyển đổi số và nghiên cứu mời thêm những cơ quan độc lập để có đánh giá cụ thể.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan ghi nhận và đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông sớm triển khai chương trình hợp tác giữa hai Bộ về chuyển đổi số. Ông đề nghị hai bên phải đồng hành từ đầu, để thống nhất tư tưởng xuyên suốt.

Thủy lợi là một trong số những ngành tiên phong trong công tác chuyển đổi số. Cục trưởng Nguyễn Tùng Phong đề xuất việc tiếp cận trong chuyển đổi số nông nghiệp phải gắn với chuỗi giá trị ngành hàng. Ở đó, ngành cần xây dựng một kiến trúc tổng thể về cơ sở dữ liệu cho chăn nuôi và trồng trọt để đánh giá. Cùng với đó, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để phục vụ cho nông nghiệp, thủy lợi, phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

"Những số liệu này tất cả các ngành đều phải dùng. Vì vậy kiến trúc cơ sở dữ liệu xây dựng cần được tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo việc đồng bộ sau này", ông Phong chia sẻ.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục