,

Trong ngành

Về Tuyên Quang – 'địa chỉ đỏ' của Bộ Canh nông thời kháng chiến

Lấy nông nghiệp làm gốc để phát triển, Tuyên Quang hướng đến một nền nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, đặc sản.

Song song với đó, Tuyên Quang cũng phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng trung du và miền núi Bắc bộ.

“Địa chỉ đỏ” giới thiệu truyền thống của ngành nông nghiệp

Sáng 13/11, Bộ NN-PTNT phối hợp với tỉnh Tuyên Quang tổ chức các hoạt động về nguồn nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (14//11/1945 – 14/11/2022).

Nhân dịp này, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, chia sẻ về quê hương cách mạng Tân Trào và khu di tích quốc gia Bộ Canh nông với niềm tự hào sâu sắc. Tiếp nối truyền thống đó, tỉnh Tuyên Quang không ngừng nỗ lực vươn mình, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn đang giới thiệu những sản phẩm OCOP đặc sắc của xứ Tuyên cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vào chiều 12/11/2022. Ảnh: Minh Phúc.

Trong lịch sử cách mạng Việt Nam, Tuyên Quang vinh dự được Trung ương Đảng và Bác Hồ hai lần chọn làm Thủ đô. Đó là Thủ đô khu giải phóng để lãnh đạo thành công cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 và Thủ đô kháng chiến chống thực dân Pháp tại Tuyên Quang.

Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của cách mạng, làm nên chiến thắng vĩ đại giành lại độc lập và thống nhất đất nước, đặc biệt trong giai đoạn 1947 – 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Quốc hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và 13 trong số 14 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 65 cơ quan Trung ương đặt trụ sở làm việc tại tỉnh Tuyên Quang, trong đó có Bộ Canh nông - tiền thân của Bộ NN-PTNT, được đặt tại thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Di tích này là nơi và làm việc của các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, nhân viên của Bộ Canh nông trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Địa điểm khu di tích Bộ Canh nông tại thôn Hoắc, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Minh Phúc.

Để ghi nhận vị trí, ngày 31/10/2013, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng địa điểm khu di tích Bộ Canh nông là di tích quốc gia. Đây là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ đi sau, thể hiện lòng thành kính và tri ân tưởng nhớ công lao to lớn của các thế hệ cán bộ ngành nông nghiệp từ thời kháng chiến kiến quốc đến giai đoạn thống nhất đất nước và thời kỳ đổi mới hiện nay.

Đổi thay trên quê hương cách mạng Tân Trào

Tỉnh Tuyên Quang đã đoàn kết thống nhất vượt qua khó khăn, khai thác những tiềm năng lợi thế để đạt được chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt.

Tăng trưởng GDP năm 2022 của tỉnh Tuyên Quang ước tăng 8,63%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,93%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 14,66%; khu vực dịch vụ tăng 7,09%.

Nông, lâm nghiệp đã chuyển nhanh từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa với 6 vùng rất lớn: vùng rừng trồng 190.000ha; vùng cam trên 8.000ha; vùng chè 8.400ha; vùng bưởi 5.000ha; vùng lạc 4.900ha; vùng mía 2.200 ha.

Đặc biệt, trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, trong đó Công ty Woodsland Tuyên Quang có công suất chế biến gỗ 150.000m3/năm. Nhà máy giấy An Hòa công suất 130.000 tấn/năm.

Đoàn khảo sát của Vụ Hợp tác Quốc tế cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam đến thăm vườn nhãn cổ thụ tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, làm cơ sở để hỗ trợ phụ nữ nông thôn phát triển sinh kế, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Minh Phúc.

Tỉnh Tuyên Quang cũng đã xây dựng Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ cacbon rừng, giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng carbon rừng giai đoạn 2021 - 2030.

Hằng năm, toàn tỉnh trồng được 11.500ha rừng. Khối lượng gỗ khai thác hằng năm khoảng 11 triệu m3 và đến nay, tỉnh đã cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn FSC được 36.900ha rừng. Độ che phủ rừng luôn luôn duy trì mức 65%...

Và khi được tháo gỡ về hạ tầng các thông qua dự án kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai; cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang được chuẩn bị khởi công…, Tuyên Quang đã thu hút được rất nhiều doanh nghiệp đến đầu tư.

Riêng năm 2021, tỉnh Tuyên Quang đã thu hút được 36 dự án với tổng số vốn khoảng 25.000 tỷ đồng. Gần đây, tỉnh Tuyên Quang thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT về Chương trình OCOP.

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động về nguồn kỷ niệm 77 năm ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tặng quà lưu niệm của Bộ NN-PTNT cho tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Minh Phúc.

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 128 sản phẩm OCOP. Trên địa bàn có 95 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 33 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang đã được trưng bày giới thiệu và bán tại Thủ đô Hà Nội và một số địa phương lân cận.

Bước đầu, sản phẩm OCOP đã gắn với du lịch nông thôn. Ví dụ, chúng tôi có những sản phẩm như sản phẩm Homestay 99 ngọn núi tại xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, thu hút rất nhiều khách du lịch.

Xác định rõ con đường phát triển từ lợi thế về nông, lâm nghiệp

Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, đồng thời ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch phê duyệt Đề án phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang.

Một mô hình Homestay tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Minh Phúc.

Tỉnh xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang, huyện Lâm Bình sẽ là trung tâm du lịch sinh thái du lịch cộng đồng; du lịch khám phá có thương hiệu cấp quốc gia, tiến tới thương hiệu quốc tế.

Mỗi huyện, thành phố có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp; xây dựng ít nhất một làng văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch xây dựng từ một đến 2 sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn, để thu hút khách du lịch xây dựng một làng văn hóa dân tộc cấp tỉnh đồng bộ, bài bản, có bản sắc đặc trưng riêng.

Tỉnh Tuyên Quang cũng phấn đấu đón 3 triệu lượt khách du lịch/năm, tạo việc làm cho trên 25.000 lao động về xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2021, tỉnh đã có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến hết năm 2022 tỉnh có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng. Kế hoạch đến năm 2025 tỉnh có trên 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thêm 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Khung cảnh nông thôn mới yên bình tại xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Ảnh: Minh Phúc.

Trong thời gian, tỉnh xác định mục tiêu đến năm 2030, Tuyên Quang sẽ là tỉnh phát triển khá toàn diện, bao trùm và bền vững trong vùng trung du miền núi phía Bắc; kinh tế phát triển nhanh và năng động trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả;

Cùng với đó, Tuyên Quang xác định phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hàng hóa, sản xuất an toàn, hữu cơ, đặc sản, hình thành các vùng chuyên canh với quy mô thích hợp ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông, lâm nghiệp để phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Đồng thời thực hiện Đề án xây dựng tỉnh Tuyên Quang trở thành khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Song song với đó, Tuyên Quang cũng phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất, chế biến gỗ, đưa Tuyên Quang trở thành một tỉnh điển hình về phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững với mục tiêu trọng tâm là trung tâm sản xuất chế biến gỗ của vùng trung du và miền núi Bắc bộ.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục