,

Trong ngành

Đề xuất sử dụng tem an toàn thực phẩm

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho rằng cần có phương án tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thực phẩm an toàn, đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (ở giữa) kiểm tra tình hình sản xuất,
cung ứng thực phẩm tại Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh. Ảnh: Bảo Thắng.

Xu hướng tiêu dùng thịt mát

Sáng 24/1, Đoàn công tác Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam dẫn đầu phối hợp UBND TP. Hà Nội đi kiểm tra một số cơ sở sản xuất cung ứng lương thực, thực phẩm trong dịp tết Nguyên đán.

Tại buổi làm việc với đoàn, ông Đào Quang Vinh, Công ty CP Công nghệ thực phẩm Vinh Anh, cho biết, công ty đã mạnh dạn đầu tư xây dựng một lò mổ với dây chuyền giết mổ hiện đại, quy mô lớn bậc nhất tại khu vực miền Bắc.

Toàn bộ dây chuyền, thiết bị máy móc, phục vụ cho công tác giết mổ, chế biến thịt lợn của công ty được nhập khẩu và chuyển giao công nghệ từ Pháp, Trung Quốc với công suất từ 600 - 1.000 con lợn/ca. Toàn bộ lợn giết mổ đều được thực hiện theo chuỗi liên kết chăn nuôi.

Khi vào lò mổ, lợn được đưa vào máy châm tê tự động ba điểm, giúp thịt ít bị biến đổi lý hóa, ảnh hưởng đến chất lượng thịt so với cách gây tê thủ công. Sau đó, thịt được đưa vào rửa trong nước nóng và đánh lông tự động. Việc áp dụng máy móc và thiết bị hiện đại giúp sản phẩm đảm bảo vệ sinh, đạt công suất cao hơn so với những lò giết mổ thông thường.

Ngoài giết mổ, khâu vận chuyển cũng được Công ty Vinh Anh chú trọng. Ông Vinh đã đầu tư hệ thống xe ô tô chuyên dùng có hệ thống lạnh để phân phối đảm bảo an toàn thực phẩm tươi ngon, hợp vệ sinh.

"So với giết mổ thủ công, giết mổ công nghiệp về lâu dài sẽ rẻ và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hơn. Tại Công ty Vinh Anh, thịt sau khi giết mổ được làm mát, đảm bảo độ mềm, nhiều chất dinh dưỡng và thơm ngon hơn", ông Vinh chia sẻ.

Thời gian tới, Công ty Vinh Anh sẽ đẩy mạnh việc sản xuất, chế biến cũng như cung ứng thịt mát ra thị trường. Lý giải về điều này, ông Vinh cho biết, thịt nóng ở 35 độ C, cứ 15 phút vi sinh vật có hại tự nhân đôi theo cấp số nhân. Trong khi với thịt mát ở 5 độ C, con số là khoảng 600 phút.

Trên quan điểm “bán thực phẩm không chỉ bằng quan hệ mà phải bằng chất lượng”, Công ty Vinh Anh bắt đầu sản xuất theo chuỗi từ năm 2014, và đảm bảo mọi yếu tố đầu vào như giống, thức ăn tự trộn có kiểm soát hoặc mua ở những công ty uy tín; quy trình sử dụng vacxin, kháng sinh, thuốc thú y cần có quy định nghiêm ngặt…

Trong thời gian giãn cách xã hội, Công ty Vinh Anh bị ảnh hưởng bởi nhu cầu suy giảm do các bếp ăn tập thể, nhà hàng ngừng hoạt động. Xu thế ấy kéo dài đến hiện tại. Giám đốc Đào Quang Vinh kiến nghị Bộ NN-PTNT và UBND TP. Hà Nội có biện pháp hỗ trợ cho sản phẩm thịt mát, giúp nhiều người dân biết đến hơn nữa.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, cho biết, thành phố đã lên sẵn nhiều kịch bản cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trong dịp tết Nguyên đán. Dự báo năm nay, số lượng người ở lại Hà Nội ăn tết nhiều hơn mọi năm, nên nguồn cung thực phẩm cũng phải chuẩn bị dồi dào hơn.

Về định hướng phát triển ngành nông nghiệp Thủ đô, ông Quyền cho rằng Hà Nội cần một định hướng riêng.

"Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội không chỉ đảm bảo cho an ninh lương thực, mà cần ứng dụng sâu, rộng khoa học công nghệ, đồng thời tích hợp phát triển thêm nông nghiệp xanh, nông nghiệp đô thị", ông nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu trong buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội sáng 24/1. Ảnh: Bảo Thắng.

Nhiều phương án hỗ trợ, xúc tiến tiêu thụ

Lắng nghe ý kiến của UBND TP. Hà Nội và doanh nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin, Bộ NN-PTNT đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hình thức tổ chức hội chợ, chợ trực tuyến. Bất chấp dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, các sản phẩm truyền thống phục vụ dịp tết Nguyên đán vẫn được đảm bảo.

Bên cạnh hội chợ, Bộ NN-PTNT đã duy trì hoạt động Diễn đàn kết nối nông sản 970 hàng tuần. Đây là kênh thông tin, kết nối giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, hợp tác xã và người tiêu dùng.

"Tuy người dân hạn chế ra đường, nhu cầu về những sản phẩm đảm bảo an toàn, vệ sinh, chất lượng cũng như giá cả không có nhiều biến động", Thứ trưởng nói.

Qua buổi làm việc, Thứ trưởng cũng ghi nhận việc thành phố tập trung phát triển sản xuất  ứng dụng công nghệ cao, các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản an toàn với 141 chuỗi, và 40 nhãn hiệu được bảo hộ.

Thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị Hà Nội tiếp tục xây dựng các chuỗi liên kết, đồng thời có phương án tuyên truyền, giới thiệu cho người dân lựa chọn các sản phẩm nông sản an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Với các cơ sở sản xuất, chế biến, Thứ trưởng khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện vệ sinh, an toàn thực phẩm theo chuỗi giá trị, từ nơi sản xuất đến sơ chế, chế biến đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ, nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc.

Đồng thời, ông lưu ý việc đóng gói bao bì sao cho bắt mắt, giúp quảng bá, và nhận diện thương hiệu sản phẩm dễ dàng trong cộng đồng.

Cuối cùng, Thứ trưởng Nam nêu đề xuất về việc sử dụng tem an toàn thực phẩm, giúp định hướng tiêu dùng cho cộng đồng.

"Các cơ sở sản xuất cần chú ý đến tem nhãn để người tiêu cùng có thể nhận biết sản phẩm an toàn, chất lượng", ông nhấn mạnh.

 

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục