,

Trong ngành

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế tập thể và hợp tác xã

Sáng 15-2, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn
chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Đến 31-12-2021, cả nước có 27.342 hợp tác xã, tăng 16.420 hợp tác xã (gấp 2,5 lần) so với năm 2001; khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận của hợp tác xã tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/hợp tác xã, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/hợp tác xã …

Tại tỉnh Tuyên Quang, hiện nay, toàn tỉnh có 520 hợp tác xã, với 11.800 thành viên, tăng 328 hợp tác xã so với thời điểm năm 2001. Trong giai đoạn 2001-2021 có 160 hợp tác xã đã chuyển đổi theo Luật Hợp tác xã, 83 hợp tác xã giải thể. Tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đạt 1.134 tỷ đồng, tăng 973,6 tỷ đồng so với năm 2001; thu nhập bình quân của thành viên, lao động của hợp tác xã đạt 67,2 triệu đồng/người/năm; tỷ trọng đóng góp của khu vực hợp tác xã vào tổng sản phẩm của địa phương GRDP khoảng 1,5%.

Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 600 hợp tác xã, với trên 12.800 thành viên; có trên 100 tổ hợp tác, với trên 300 thành viên, khuyến khích các tổ hợp tác đủ điều kiện thành lập hợp tác xã. Số hợp tác xã hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên trên tổng số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu trên 50% hợp tác xã nông nghiệp có hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, 100% hợp tác xã tổ chức, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã…

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên cả nước, đã có những đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các hợp tác xã trong thời gian tới cần vận dụng sáng tạo, khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số trong chuyển đổi nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức; huy động mọi nguồn lực hợp pháp để phát triển. Đồng thời, cần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, gắn với mở rộng thị trường; tăng cường liên doanh, liên kết; xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi, thế mạnh từng khu vực, vùng miền; quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý...

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục