,

Trong ngành

Nông nghiệp cộng hưởng – lối ra của nông nghiệp Việt Nam

Các nông trại tại Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong vận hành và kinh doanh khi đứng trước bài toán chi phí và rủi ro gia tăng cùng lúc với sức ép giảm giá từ phía khách hàng ngày càng lớn...

Tìm hiểu quy trình khai thác hạt cà phê.

Chi phí bán hàng, chi phí marketing gia tăng; sự cạnh tranh khốc liệt về giá trên thị trường; giá đầu vào của vật tư, nguyên liệu sản xuất tăng cao; sự đứt gãy của chuỗi cung ứng... là những vấn đề nan giải mà các nông trại cũng như doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt. 

Nông nghiệp không dựa vào… nông nghiệp

Đối mặt với tình hình nói trên, các mô hình nông nghiệp trong tương lai nếu chỉ dựa thuần túy vào nông nghiệp sẽ rất khó tồn tại và phát triển bền vững. Cộng hưởng với một số ngành khác sẽ tạo nhiều giá trị hơn cho nông nghiệp. 

Kết nối với cộng đồng nhằm tạo ra hệ sinh thái cộng đồng phát huy nông nghiệp với tri thức bản địa là mô hình thứ nhất. Mô hình này có thể phát triển hơn nữa khi gắn kết với 17 mục tiêu bền vững của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) nhằm kiến tạo kinh tế bền vững. Chẳng hạn một cộng đồng nông dân trên vùng núi có thể cùng nhau phát triển khu nông nghiệp trồng nấm thiên nhiên chất lượng cao. Mô hình này còn có thể phát triển mạnh mẽ nếu tích hợp thêm với giáo dục và du lịch. Bản chất của mô hình cộng đồng này hướng tới các giá trị trong tương lai mà người tiêu dùng rất quan tâm, đó là xanh, sạch, bền vững và tính đa dạng của nông nghiệp cũng như cuộc sống. 

Mô hình thứ hai là nông nghiệp kết hợp giáo dục. Các nông trại phối hợp với cơ sở giáo dục sẽ tạo ra các trải nghiệm mới. Đây là xu hướng được dự báo sẽ phát triển trong thời gian tới khi các trường đẩy mạnh các hoạt động đào tạo Steam (là khái niệm dạy học liên ngành, trong đó nhấn mạnh việc học tập dựa trên thực hành thay vì theo cách giáo dục truyền thống, kiến thức lý thuyết - BTV) vốn đòi hỏi nhiều về môi trường và không gian học tập như trong trang trại nông nghiệp. Nông trại và nhà trường có thể ký các thỏa thuận hợp tác giáo dục lâu dài để nông trại có cơ sở đầu tư trang thiết bị cũng như các mô hình nông nghiệp thông minh nhằm tạo ra những hoạt động trải nghiệm sâu sắc hơn cho học sinh. 

Mô hình thứ ba là nông nghiệp kết hợp du lịch. Thời gian qua, mô hình farmstay phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, farmstay đòi hỏi rất nhiều đầu tư cũng như công sức vận hành từ phía nông trại. Thực tế, có nhiều cấp độ khác nhau khi kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch. Cấp độ một là mô hình tham quan và trải nghiệm sử dụng sản phẩm nông nghiệp trong các tour du lịch. Mô hình này đơn giản, dễ triển khai; tuy nhiên, nó đòi hỏi vị trí, cảnh quan của trang trại phải phù hợp với yêu cầu của một tour du lịch. Cấp độ hai là xây dựng kênh bán nông sản trực tiếp kết hợp với du lịch. Mô hình này phù hợp với các nông trại có sản phẩm OCOP hoặc cao hơn và có thể thấy tại các trạm dừng chân như Long Thành Milk trên Quốc lộ 52 đi Vũng Tàu. Cuối cùng là mô hình farmstay như đã nói ở trên. Ngay trong mô hình farmstay, các cộng đồng nông nghiệp cũng hướng tới mô hình farmstay phân tán kết hợp với du lịch trải nghiệm. Mô hình này có lợi điểm là không đòi hỏi đầu tư nhiều vào stay – phòng ở vì khách hàng tới farm để có thể sống – sinh hoạt và trải nghiệm như người nông dân. 

Để giúp nông dân thành công trong tương lai, điều quan trọng nhất là Việt Nam cần một chương trình lớn “Tri thức hóa nông dân”. Tri thức hóa nông dân đòi hỏi tất cả nông dân cùng là giảng viên và cũng là người học để chia sẻ, thúc đẩy và cùng nhau học tập, sử dụng tri thức để thành công. 

Tìm hiểu quy trình khai thác hạt cà phê. Một tua du lịch kết hợp học hỏi kinh nghiệm làm nông nghiệp do FoodMap tổ chức.

Kiến tạo giá trị mới

Tổng kết lại, kết hợp với các ngành khác sẽ tạo ra lợi thế chiến lược quan trọng cho mô hình nông trại truyền thống. Lợi thế thứ nhất là kiến tạo ra những giá trị mới cho khách hàng thông qua việc phát triển bền vững, phát triển cộng đồng. Cạnh tranh trên giá trị mới sáng tạo sẽ giúp cho nông trại có được các lợi thế so với nhiều đối thủ lớn. Lợi thế thứ hai là giúp các nông trại phát triển thương hiệu trên thị trường. Trong nền kinh tế truyền thống, xây dựng thương hiệu và marketing đòi hỏi rất nhiều chi phí và nguồn lực. Khi tích hợp các mô hình mới, nông trại sẽ có nhiều kênh để truyền thông và nhân rộng độ nhận biết sản phẩm thông qua việc trải nghiệm, chạm và dùng thử sản phẩm nông nghiệp của khách hàng. Lợi thế thứ ba, đó là bài toán xây dựng kênh bán của riêng mình không phụ thuộc vào kênh bán hiện tại. Đây là xu hướng của tương lai trong chuyển đổi số thương mại. Các nông trại có thể tự xây các kênh bán hàng tới tận tay khách hàng của mình với chi phí hiệu quả. Thứ tư, đó là năng lực tiếp cận khách hàng để từ đó hiểu và phát triển các sản phẩm phù hợp trong tương lai. Cuối cùng, giá trị của các mô hình nói trên chính là tầng cao nhất của chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Các nông trại có thể chuyển đổi số tầng 1 là số hóa dữ liệu, tầng 2 là số hóa quy trình. Tầng thứ ba đòi hỏi các nông trại cần thay đổi mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ, công cụ và nền tảng số. Chính các mô hình nói trên là những gợi ý quan trọng giúp cho nông nghiệp chuyển đổi tại mức cao nhất. 

Các mô hình nông nghiệp tương lai không khó khăn nếu như bản thân các chủ doanh nghiệp thay đổi tâm thế. Trong tiếng Anh, các doanh chủ cần thay đổi mindset - tâm thế - thông qua học tập, đổi mới sáng tạo và quan trọng hơn là phối hợp thực hiện. Chuyển đổi để thành công trong tương lai đòi hỏi một số lượng lớn tri thức mà một mình doanh chủ không thể nào có được. Các doanh chủ nông nghiệp cần phải phối hợp với nhà trường, doanh nghiệp và các tổ chức cũng như chuyên gia để thành công. Sau khi chuyển đổi mindset (tư duy)mới tới skillset (kỹ năng). Yếu tố thứ hai này muốn có được cần phải có các chương trình đào tạo mở để giúp hàng triệu nông dân cập nhật kỹ năng. Cuối cùng, đó là toolset (công cụ). Tại cấp độ này, các chương trình từ Bộ Thông tin - Truyền thông đã làm rất tốt khi cùng với VNPT và Viettel cũng như các công ty công nghệ khác giới thiệu rất nhiều nền tảng công cụ cho nông dân.

Tạp chí điện tử nông thôn Việt

Tin cùng chuyên mục