,

Trong ngành

'Thực đơn' nào cho phát triển du lịch nông thôn?

Du lịch đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, dù 2 năm vừa qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Không phải không có lý do khi người dân ở cả đô thị hay vùng miền núi xa xôi cứ thấy có khách đến vùng mình là ngay lập tức họ hình thành việc cung ứng các dịch vụ, dần dần thành làm du lịch và tạo thêm thu nhập đáng kể, đặc biệt nếu so với sản xuất nông nghiệp.

Du lịch nông thôn - Tiềm năng rất lớn

Nông thôn Việt Nam có tiềm năng, lợi thế vô cùng to lớn về đa dạng cảnh quan, đa dạng sinh học, văn hóa và sản vật. Đến nay, đa số các làng, xã trên khắp đất nước vẫn còn lưu truyền hoặc tồn tại ít nhất một nghề hoặc một sản phẩm đặc trưng nhất định. Chính các sản vật này cùng với cảnh quan, đặc trưng văn hóa đa dạng đã góp phần tạo ra sự khác biệt và bản sắc độc đáo cho từng vùng nông thôn Việt Nam. Đây chính là nguồn tài nguyên to lớn để phát triển du lịch, giúp dịch chuyển dòng tiền từ nước ngoài vào Việt Nam, từ thành thị về khu vực nông thôn.

Sau hơn 10 năm làm Nông thôn mới, cùng với Chương trình OCOP đang có đà phát triển nhanh trong 3 năm qua, chúng ta đang có điều kiện rất tốt để chuẩn bị các “mâm cỗ” mời gọi khách du lịch tới “thưởng thức”, là thời cơ để giúp dân cư khu vực còn nghèo và thiệt thòi này có cơ hội tăng thêm thu nhập.

Hiện nay, chúng ta nghe nhiều đến du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, du lịch ẩm thực, du lịch chữa bệnh... là dựa vào tính chất của việc bán các trải nghiệm du lịch. Như vậy, mỗi loại hình du lịch sẽ có một “thực đơn” và cách thức “nấu nướng” khác nhau. Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng đề án phát triển du lịch nông thôn, theo nghĩa là các loại hình du lịch ở khu vực nông thôn. Và như vậy, nó sẽ bao trùm lên hầu hết các hình thái du lịch nói trên và sẽ là bài toán tương đối khó khi tìm giải pháp phát triển.

Tổng thu từ thị trường du lịch của chúng ta tăng trưởng rất nhanh trong thời gian gần đây. Theo thống kê từ Tổng cục Du lịch và số liệu của Statista, năm 2019, thị trường du lịch Việt Nam đạt gần 720.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 12,1% GDP (con số này của Thái Lan khoảng 18,2%). Hai năm qua, thị trường du lịch bị ảnh hưởng rất mạnh do đại dịch Covid-19, năm nay quy mô đã bị sụt giảm chỉ còn khoảng 180.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 2,9% GDP). Tuy nhiên, xuyên suốt các năm qua, thị trường khách du lịch nội địa luôn đóng vai trò trụ cột cho mảng này.

Hiện nay, chi tiêu của khách du lịch ở Việt Nam hầu hết là tiền đi lại, ngủ nghỉ. Họ chỉ dành khoảng 20 - 30% tổng chi phí chuyến đi cho mua sắm, vui chơi. Trong khi con số này ở Thái Lan là 60 - 65%. Nếu chúng ta có các sản phẩm hấp dẫn để giúp họ tăng chi tiêu, mua sắm khi đi du lịch, chỉ cần một vài phần trăm thì con số thu về đã là rất lớn.

Đơn cử, các khu suối khoáng nóng sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu chữa bệnh, nó cố định rồi nên chính quyền chủ động quy hoạch được, huy động khối tư nhân làm kiểu “dự án” được. Nhưng du lịch cộng đồng, nó hình thành từ chính việc khách du lịch tìm đến, họ thấy thích thú, ban đầu chỉ là một vài hộ dân làm, dần dà nhiều người dân tham gia, mở rộng và trở thành điểm du lịch. Bản chất là họ có thể vẫn đang trồng trọt, chăn nuôi hay làm dệt thổ cẩm... và đó là nguồn thu nhập chính. Làm du lịch trong giai đoạn đầu chỉ là “nghề phụ”. Do đó chúng ta không thể “quy hoạch” họ ngay được, chúng ta không thể “đổ” cho họ làm “tự phát” được, giải pháp phát triển cũng phải khác đi.

Phần lớn các tổ chức sản xuất, kinh doanh của chúng ta là nhỏ lẻ, nhất là khu vực nông thôn. Do đó việc đầu tư cung ứng dịch vụ cho du khách tới địa phương đa phần ở quy mô hộ. Các hình thái du lịch mà dựa vào cộng đồng người dân thì không thể làm nhanh, làm nóng vội, cả nhà nước và người dân cũng không đủ tiền để làm “một phát” được.

Một công ty có thể đầu tư hẳn một khu vực và xây dựng thành làng văn hóa dân tộc Thái Hải (Thái Nguyên), họ chỉ thuê người dân vào làm thuê ở đó. Mô hình trang trại Đồng quê Ba Vì (Hà Nội) thì lại là doanh nghiệp đầu tư điểm ăn ngủ nghỉ, còn các điểm du lịch lại chính là các hộ dân chăn nuôi, trồng trọt, làm chè, làm thuốc... ở khu vực xung quanh, nó liên kết nhau lại. Các mô hình tham quan trải nghiệm miệt vườn ở Đồng Tháp, Bến Tre... cũng hướng tới liên kết doanh nghiệp - hộ dân như thế này.

Làm loại hình du lịch nào cũng đều cần quy hoạch, cần hạ tầng, cần đào tạo tập huấn và quảng bá... nhưng với từng loại, nó liên quan đến chủ thể làm du lịch nên quy mô đầu tư, mô hình liên kết, sản phẩm dịch vụ và hình thức hỗ trợ cũng sẽ khác nhau. Do vậy, chúng ta cần lựa chọn loại hình du lịch phù hợp để đầu tư và thực hiện cho ra tấm ra món.

Xây dựng chính sách đúng cho phát triển du lịch nông thôn

Hoạt động nông nghiệp có ở hầu hết các hộ dân nông thôn nên phát triển du lịch ở khu vực này cần nhấn mạnh đến du lịch nông nghiệp, tức là bán các trải nghiệm nông nghiệp; trong đó, có trải nghiệm về cảnh quan nông thôn, tập tục văn hóa đặc sắc của cộng đồng dân cư, các sản vật mang tính văn hóa địa phương sản sinh ra từ quá trình tồn tại và phát triển của làng quê. Việc phát triển các làng nghề truyền thống, các sản phẩm OCOP, khai thác các bản làng có cảnh quan đẹp, kiến trúc độc đáo... chính là tài nguyên, là “thực đơn” phong phú và hấp dẫn giúp chúng ta phát triển “nghề phụ” du lịch cho người dân nông thôn.

Thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn là phù hợp với xây dựng nông thôn mới. Bộ NN&PTNT được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng đề án với ý nghĩa là cơ quan chủ quản sản phẩm nông nghiệp. Nhưng làm du lịch thì còn liên quan đến nhiều cơ quan quản lý, đó là tầm chiến lược du lịch quốc gia, là việc quản lý mạng lưới lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên, ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm du lịch, liên quan đến hệ thống vận tải hành khách, hoạt động quảng bá du lịch quy mô cấp vùng, cấp quốc gia...

Các địa phương khi quyết tâm phát triển du lịch cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng để định vị tiềm năng và khả năng làm du lịch. Công tác quy hoạch không gian và quy hoạch hạ tầng du lịch phải làm trước tiên. Các sản phẩm du lịch cần được lựa chọn để hỗ trợ phát triển phù hợp với phân khúc khách hàng. Phát triển cộng đồng dân cư làm du lịch cần có lộ trình, bài bản, không nóng vội. Việc lựa chọn làm du lịch theo kiểu độc đáo - giá cao hay làm đại trà - giá thấp đều có ý nghĩa cho từng giai đoạn, nhưng để lâu dài, để khách còn muốn quay lại thì nhất thiết phải có liên kết, phải có “thực đơn” đa dạng, và thực hiện bằng được yêu cầu về bảo tồn văn hóa, kiến trúc cảnh quan, bảo vệ môi trường. Đó là cách làm du lịch có trách nhiệm và hiệu quả.

Tạp chí điện tử nông thôn Việt

Tin cùng chuyên mục