,

Văn bản Hướng dẫn kỹ thuật

Hướng dẫn Kỹ thuật khai thác mật và phòng chống thiên địch hại ong

Tiếp theo chuyên mục giới thiệu về kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, quản lý ong lấy mật kỳ trước, trong Chuyên mục Khuyến nông hôm nay, Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật khai thác mật và phòng, chống thiên địch hại ong lấy mật như sau:

1. Khai thác phấn và mật ong

1.1. Khai thác phấn hoa

- Dùng mảnh nhựa cứng có đục các lỗ vừa đủ cho ong ra vào và chặn trước cửa tổ, bên dưới để một máng hứng phấn; khi ong mang phấn về chui qua lỗ nhỏ thì những hạt phấn hai bên chân ong sẽ được gạt lại; việc thu gom phấn ong được thực hiện 2 lần/ ngày vào buổi trưa và cuối buổi chiều.

- Bảo quản phấn hoa theo 3 cách, gồm:

Phơi nắng; sấy khô bằng tủ nhiệt hoặc sử dụng đường để ủ với phấn.

1.2. Khai thác mật ong từ thùng ong có khung cầu di động

- Chọn cầu ong có ống mật đã vít nắp trên 80%.

- Lấy các khung cầu ra, rũ hết ong vào thùng; dùng chổi mềm quét hết ong xuống thùng.

- Dùng dao chuyên dụng hớt nhẹ nắp vít các ống mật theo chiều từ dưới lên trên để không làm vỡ các lỗ tổ, tiếp theo đưa các cầu ong đã cắt nắp ống mật vào các ngăn thùng quay sao cho cân đối và quay với tốc độ tăng dần đều, giảm dần tốc độ khi hết mật của 1 mặt để bánh tổ không bị vỡ và ấu trùng không bị văng ra, sau đó đổi mặt cầu ong và tiếp tục quay như trên.

- Quay xong trả ngay cầu về đàn để ong ủ ấm ấu trùng, nhộng.

- Lọc mật qua lớp vải màn trước khi rót mật vào đồ chứa rồi đậy kín nắp.

- Bảo quản mật ở nơi mát, tránh ánh sáng trực tiếp và không để gần các chất có chứa mùi như dầu hỏa, mắm tôm,…

- Vào vụ hoa nở rộ thì từ 10 - 15 ngày thu hoạch mật một lần.

2. Thiên địch hại ong lấy mật và biện pháp phòng chống

2.1. Sâu ăn sáp (sâu phá bánh tổ)

- Giữ cho đàn ong luôn mạnh, quân phủ kín các cầu, đủ thức ăn để chúa đẻ thường xuyên. Vào vụ thiếu thức ăn cần phải loại bớt cầu, nhất là các cầu cũ.

- Thường xuyên vệ sinh đáy thùng sạch sẽ, quét sạch sáp vụn, cắt bỏ những phần bánh tổ do ong xây không đúng chỗ và cạo kỹ các khe thùng để diệt trứng sâu.

- Thu hẹp cửa tổ, bít kín các khe hở của thùng ong bằng phân trâu hoặc thanh gỗ.

2.2. Phòng chống kiến

Thường xuyên dọn sạch cỏ, lá khô và cây bụi nhỏ xung quanh nơi đặt tổ ong, buộc giẻ tẩm dầu nhớt thải vào các chân thùng ong; có thể kê đặt các chân thùng vào các bát có nước và nhỏ vài gọt dầu tây hoặc dầu thải sẽ ngăn kiến rất hiệu quả. Chủ động tìm diệt những tổ kiến trú ngụ trên tán cây, dưới nền đất nơi đặt các thùng ong bằng cách cắt, phá tổ hoặc dùng nước đun sôi tiêu diệt để phòng trừ kiến gây hại đàn ong.

2.3. Phòng chống ong Bò Vẽ

- Sử dụng biện pháp thủ công như dùng vợt, chổi bằng xương lá dừa, lá cọ để đập chết ong Bò Vẽ đến trước cửa tổ là biện pháp rất hiệu quả. Dùng bẫy bả bằng nước hoa quả đặt trong thùng không nuôi ong và có hom ở cửa tổ để ong Bò Vẽ chui vào và không ra được.

- Dùng bả độc bằng chất đạm như thịt bò, cá... đã tẩm thuốc độc là phương pháp tốt nhất để diệt, vì ong Bò Vẽ sẽ mang miếng thịt, cá có tẩm thuốc độc về tổ làm cho ong chúa, các ấu trùng ăn vào và sẽ bị chết.

Trên đây là hướng dẫn kỹ thuật khai thác mật và cách phòng chống thiên địch hại ong lấy mật. Đề nghị người chăn nuôi ong lấy mật thực hiện tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao./.