,

Lâm nghiệp

Chuyện giữ rừng nơi vùng cao Tuyên Quang

Những cánh rừng tự nhiên bạt ngàn một màu xanh ở huyện vùng cao Lâm Bình (Tuyên Quang) vẫn đang được bảo vệ nghiêm ngặt, chuyện giữ rừng đã không còn là trách nhiệm của riêng lực lượng kiểm lâm.


Khi người dân đã ý thức tốt hơn việc giữ rừng thì việc chung sống hài hoà với rừng đã trở thành tất yếu.

Sinh ra và lớn lên cùng với những cánh rừng ở thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập (Lâm Bình) anh Chúc Minh Ê đã coi rừng như một phần cuộc sống của mình bởi với những người dân nơi miền sơn cước này rừng đã góp phần nuôi sống và che chở cho nhiều thế hệ.

Chúc Minh Ê nhớ lại: "Nhiều năm trước, người ta vẫn vào rừng để xẻ trộm cây, săn bắt thú trái phép đấy. Nhìn mà xót, có những cây gỗ hôm trước nhìn vẫn còn mà chỉ mấy hôm sau đã bị chặt mất rồi".

Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước, cái thời còn chưa có các tổ bảo vệ rừng. Giờ đây chuyện giữ rừng, bảo vệ rừng đã bài bản hơn với những tổ, đội tuần rừng được thành lập, trong đó có sự tham gia của chính đồng bào - những người sống với rừng.

Chúc Minh Ê và những người dân trong bản đã trực tiếp tham gia vào các tổ, đội tuần rừng. 

Anh Chúc Minh Ê đã tham gia vào đội tuần rừng được gần 5 năm nay. Những cánh rừng tự nhiên rộng bạt ngàn là thế nhưng mỗi tháng đều đặn 12 lần, đội tuần rừng đi kiểm tra từng gốc cây từng lối mòn. Có những chuyến đi kèo dài cả vài ngày khi đi sâu vào lõi rừng.

Khi phát hiện có dấu hiệu xâm phạm về rừng, các tổ đội tuần rừng sẽ trực tiếp báo cho chính quyền biết để xử lý. Nhờ đó, rừng được bảo vệ chặt chẽ nên không có người vào chặt gỗ và săn bắt thú rừng nữa.

"Lũng Giềng nay đã khác, trước đây, bà con trồng chủ yếu là cây nứa và các loại cây gỗ không có giá trị kinh tế nên người dân mới vào rừng chặt cây gỗ để bán. Nay kế sinh nhai đã có khi những cây mỡ, cây keo lai trồng ở rừng sản xuất được bán cho người dân thu nhập ổn định" - anh Chúc Minh Ê chia sẻ.

Chục năm về trước, thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) vốn là điểm nóng về tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép. Những đối tượng từ các nơi khác về kết hợp với một số người dân thiếu hiểu biết pháp luật ở địa phương để lấy gỗ rừng.

Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, khi công việc mưu sinh của người dân đã ổn định, lực lượng chức năng tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật đã giúp những cánh rừng ở Bản Biến giữ được màu xanh vốn có của đại ngàn.

Những cánh rừng bạt ngàn màu xanh ở Bản Biến (Lâm Bình). 

Ông Ma Phúc Hiến - Trưởng thôn Bản Biến cho biết, nằm trong vùng lõi của rừng phòng hộ, cả bản hiện có 184 hộ dân với 796 nhân khẩu, trên 90% là đồng bào Dao đỏ. Trước đây, đồng bào sinh sống chủ yếu dựa vào rừng, nhưng hiện nay thanh niên có xu hướng tìm việc làm tại các khu công nghiệp.

"Những hộ gia đình khác sống với rừng đã triển khai làm du lịch cộng đồng gắn du lịch sinh thái, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân. Nói chung giờ có đường có điện người ta thu nhập kiểu khác, không phát rừng làm nương nữa, có chăng chỉ đi rừng tìm cây thuốc thôi, rừng được bảo vệ tốt rồi" - ông Hiến hồ hởi.

Ông Nguyễn Văn Toán - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lâm Bình cho biết, bảo vệ rừng thì nòng cốt vẫn là lực lượng kiểm lâm, ngoài ra sự tham gia của người dân, chính quyền địa phương đã giúp công tác này thêm hiệu quả.

Cũng theo ông Toán, hiện nay các xã đã có được ban chỉ đạo về công tác bảo vệ rừng, cùng với đó 100 tổ, đội bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng tại các thôn bản đã giúp tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân.

Tuy vậy, trong công tác bảo vệ rừng tại huyện vùng cao này cũng còn những khó khăn. Ông Toán cho hay, địa bàn rộng lại giáp ranh với các huyện, tỉnh khác nên việc phát hiện xử lý các hành vi xâm phạm rừng là không dễ, kiểm lâm phụ trách địa bàn chưa bám nắm địa bàn sâu sát.

Trong khi đó, nhận thức của một số bộ phận người dân còn hạn chế hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp chủ yếu là hộ nghèo. 

Báo Lao động

Tin cùng chuyên mục