,

Lâm nghiệp

Kiên quyết xử lý lấn chiếm, phá rừng

Vi phạm các quy định của Luật Lâm nghiệp, nhất là hành vi lấn chiếm, phá rừng vẫn xảy ra ở các địa phương. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Vẫn còn tình trạng lấn chiếm, phá rừng

Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh, năm 2022 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 196 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 108 vụ so với năm 2021. Tuy nhiên, hành vi phá rừng (hủy hoại rừng) đang có dấu hiệu gia tăng. Nếu như năm 2021 có 39 vụ thì năm 2022 số vụ vi phạm là 55 vụ và trong 6 tháng năm 2023 đã xảy ra 18 vụ vi phạm về phá rừng với diện tích rừng bị thiệt hại là 12 ha.

Các vụ phá rừng, lấn chiếm rừng chủ yếu xảy ra tại khu vực vùng cao, do trình độ dân trí còn hạn chế. Như vụ việc đối tượng Hoàng Văn Thừa, sinh năm 1976, trú tại thôn Khâu Pồng, xã Yên Hoa (Na Hang) có hành vi chặt phá 7.535 m² rừng được quy hoạch là rừng tự nhiên sản xuất tại lô 48 khoảnh 269A và lô 77,78 khoảnh 250 thôn Khâu Pồng được Tòa án nhân dân huyện Na Hang xét xử công khai.

Các lực lượng chức năng phối hợp điều tra, xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Trước đó, ngày 19/3/2022, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Lâm Bình ra quyết định khởi tố bị can đối với Triệu Thị Miễn, tổ dân phố Phai Tre A, thị trấn Lăng Can cùng về tội hủy hoại rừng với hành vi chặt phá 6.499 m2 rừng tự nhiên sản xuất được quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 243 - Bộ luật Hình sự. Đó là 2 trong số nhiều vụ chặt phá, hủy hoại rừng được các cơ quan chức năng xử lý để răn đe các đối tượng.

Một trong các nguyên nhân khiến tình trạng lấn chiếm, phá rừng gia tăng những năm gần đây được xác định do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội các năm 2021, 2022. Một số người dân không đi làm ở các khu công nghiệp được, cuộc sống khó khăn nên việc vi phạm Luật Lâm nghiệp về lấn chiếm, phá rừng diễn biến phức tạp.

Ngày 18/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các vụ án phá rừng, lấn chiếm đất rừng trong thời gian qua nhằm răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung; xử lý trách nhiệm của chủ rừng và các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật trên địa bàn quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Luật Lâm nghiệp; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền cơ sở duy trì thường xuyên việc tuần tra, kiểm soát khu rừng trọng điểm có nguy cơ bị lấn chiếm, phá rừng trái pháp luật. Các địa phương kiện toàn các Ban Chỉ đạo về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, củng cố, duy trì các tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng đến tận cơ sở; đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Người dân thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) tuần tra diện tích rừng được giao khoán bảo vệ.

Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình cho biết, huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện tăng cường kiểm tra, nắm chắc diễn biến rừng, đồng thời yêu cầu chính quyền các xã, thị trấn cùng cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để trả lại đất cho rừng tự nhiên. Quan điểm của huyện là không có vùng cấm, sẽ xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; huyện chỉ đạo các cơ quan tố tụng hình sự tổ chức xét xử lưu động các vụ án hủy hoại rừng, thông báo cho người dân tham dự nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ rừng; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả... Kiên quyết thu hồi toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho các tổ chức, cá nhân không quản lý, bảo vệ để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Năm 2022, huyện Lâm Bình đã khởi tố 2 vụ án hủy hoại rừng.

Cùng với các biện pháp bảo vệ rừng, tỉnh chú trọng việc giao khoán, gắn trách nhiệm bảo vệ rừng đến với các tổ chức, cá nhân, từ đó vừa tạo sinh kế phát triển kinh tế, vừa khuyến khích người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng, triệt để ngăn chặn tình trạng phá rừng, người dân có điều kiện vươn lên nâng cao đời sống. 

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục