,

Lâm nghiệp

Người nhân lên những cánh rừng

Anh Hà Xuân Thủy, thôn Phúc Tâm, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) dành cả thanh xuân, tâm huyết phát triển cho vườn ươm cây giống lâm nghiệp. Qua 15 năm dưới sự “chèo chống” của anh Thủy, vườn ươm ngày càng lớn mạnh, doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm. Đến nay, vườn ươm đã thành địa chỉ lựa chọn nguồn cây giống của nhiều chủ rừng lớn.

Kế nghiệp

Gia đình anh Thủy có truyền thống làm vườn ươm, bố anh là ông Hà Văn Điệt đã có thâm niên nhiều năm sản xuất cây giống có tiếng uy tín ở Chiêm Hóa. Bởi vậy dù tốt nghiệp Đại học Giao thông - Vận tải, anh Hà Xuân Thủy từng lăn lộn công trường, thi công công trình nhưng lại thành “đại gia” cây lâm nghiệp. Anh Thủy kể, những năm 2000, anh đã tham gia xây dựng công trình thủy điện Na Hang, sau đó anh đi một số công trình khác.

Cứ ngỡ cả đời sẽ gắn bó với nghề đã học, tuy nhiên, nghề anh chọn đã rẽ hướng khi năm 2008 bố anh có tuổi, cơ ngơi vườn ươm cây giống lâm nghiệp đang cần người kế cận để tiếp tục phát triển. “Từ bé đã giúp bố mẹ làm bầu, làm cây, cũng hiểu sự vất vả làm cây giống nên nghĩ mình sẽ chọn nghề khác. Nhưng đúng là duyên rồi! Đi một vòng lại trở về. Nghề chọn mình, vậy là việc “kế nghiệp” chính thức từ năm 2009, đến nay đã 15 năm rồi, nhanh quá!” - anh Thủy cười bảo.

 Anh Hà Xuân Thủy.

Quan điểm của anh Thủy là không làm thì thôi chứ đã làm phải làm bằng cả tinh thần và khối óc. Vì vậy ngoài học các kỹ thuật gieo ươm tốt nhất từ bố mình, anh đã bỏ thời gian nghiên cứu, mày mò để có những cây giống tốt nhất cung cấp cho người trồng rừng. “Để có được giống keo lai chất lượng cao, đầu tiên phải biết chọn những hom giống tốt, không mang mầm bệnh, lấy từ những cây mẹ đã được tuyển chọn trong vườn giống. Đặc biệt, phải biết “bắt bệnh” khi cây giống có biểu hiện nhiễm bệnh và biết cách điều trị.

Nhưng đó là trước kia thôi. Giờ làm cây giống phải hiểu sâu, biết rộng, phải ứng dụng được khoa học vào sản xuất. Việc nhân giống không còn làm thủ công là chọn lựa cây bố mẹ khỏe mà phải chú trọng đến việc giống cây có kinh tế, lớn nhanh, khỏe, phù hợp với thổ nhưỡng của từng địa phương và nhất là nhu cầu trồng rừng gỗ lớn… Anh Thủy phân tích.

Những năm gần đây cây giống lâm nghiệp ở vườn ươm của anh Thủy chủ yếu là keo hạt Úc, giống cây có nhiều ưu điểm như khỏe, ít sâu bệnh, tỷ lệ trồng sống trên 90%. Đặc biệt, cây cứng, ít phát triển cành, nhánh phụ, phù hợp với trồng rừng gỗ lớn. Có được vườn ươm tốt, cây giống đúng xu thế, đảm bảo đáp ứng được tiêu chuẩn phát triển của rừng chăm sóc tiêu chuẩn FSC, anh Thủy phải tự học, tham gia các lớp tập huấn trong và ngoài nước để học hỏi kỹ thuật mới, đáp ứng xu thế phát triển từng giai đoạn.

 Anh Hà Xuân Thủy (bên phải) giới thiệu cây keo hạt Úc đến ngày xuất bán.

Góp sức nhân lên những cánh rừng

Vừa đưa chúng tôi đi tham quan 2 vườn ươm giống cây lâm nghiệp, anh Thủy vừa tâm sự: Để sản xuất được 2,5 triệu cây giống/năm như hiện nay, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ sản xuất thực tế, trong quá trình chăm sóc, bón phân. Đồng thời, anh sử dụng công nghệ tưới nước tự động. Nâng cây keo hạt Úc đến kỳ xuất trên tay, anh Thủy giới thiệu, cây này đã đủ thời gian 90 ngày, cao 50 cm, đáp ứng cho người dân trồng rừng vụ xuân năm 2024.

Để chăm sóc cây giống tiêu chuẩn thì nước là yếu tố quan trọng sau chọn giống. Nguồn nước phải có độ PHkcl từ 5,0 đến 7,5 và hàm lượng muối NaCL dưới 0,05% mới đảm bảo tưới cây giống lâm nghiệp. Ngoài ra, vườn ươm phải có độ dốc khoảng 5 độ để không bị úng nước khi mưa và phải đủ nắng, tránh xa các nguồn sâu bệnh hại.

“Tiếng lành đồn xa” nhiều khách hàng tìm đến, đặt hàng. Vì vậy cây giống của gia đình anh Thủy được tiêu thụ mạnh từ Hà Tĩnh trở ra với số lượng lớn. Anh Thủy bảo, vụ đông xuân thì chủ yếu cung cấp cho các hộ dân trong huyện, trong tỉnh trồng rừng. Vụ  thu chủ yếu cung cấp cho các tỉnh miền Trung. Theo đó, số lượng cây giống đã tăng theo từng năm. Năm 2020, vườn ươm của anh chỉ mới sản xuất được 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp. Đến năm 2021, vườn ươm của anh sản xuất được 2,1 triệu cây giống. Trong 2 năm 2022 và 2023, sản xuất và bán khoảng 2,5 triệu cây, đáp ứng trồng khoảng 1.300 ha rừng, doanh thu khoảng 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí được khoảng trên 800 triệu đồng.

Vườn ươm cây giống lâm nghiệp của anh Thủy đang vào giống phục vụ trồng rừng khung thời vụ tháng 4 - 5 năm 2024.

Anh Quan Văn Tươi, Trưởng thôn Bản Giảo, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) cho biết: Thôn có 500 ha rừng, trong đó 70% là rừng FSC. 92 hộ dân, hộ nào cũng có rừng, trung bình mỗi hộ có 5 ha rừng. Anh và nhiều hộ dân của thôn sử dụng giống cây ở vườn ươm của anh Thủy. Qua chăm sóc thấy cây lớn đều, ít chết và khá phù hợp để phát triển rừng gỗ lớn.

Cùng với làm giàu cho gia đình, với 2 vườn ươm cây giống lâm nghiệp, anh Thủy đã tạo việc làm thường xuyên cho 12 lao động, mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Những lao động làm việc tại vườn ươm của gia đình anh Thủy đều có thâm niên hàng chục năm,  chị Phùng Thị Thuận cho biết, làm việc ở vườn ươm, chị được anh Thủy chỉ bảo rất nhiều về kỹ thuật ươm, chăm sóc cây keo, cây mỡ. Công việc tỉ mỉ nhưng không quá vất vả, phù hợp với phụ nữ, cùng với đó là thu nhập ổn định nên chị đã gắn bó với vườn ươm hơn 14 năm qua.

15 năm kế nghiệp, gắn bó với vườn ươm cây lâm nghiệp, anh Thủy đã yêu nghề “cha truyền con nối” này hơn hết thảy. Anh bảo, vừa có duyên vừa có nợ với nghề vậy. Càng làm càng thấy say mê hơn bởi nghề đã đem lại cho gia đình cuộc sống ngày càng tốt, giúp được nhiều người có công ăn, việc làm. Nghĩ lớn hơn chút thì cây giống ở vườn ươm của gia đình đã góp phần nhân lên nhiều cánh rừng xanh tốt, đem lại kinh tế, màu xanh cho đời.

Cây giống là yếu tố then chốt của ngành nông lâm nghiệp. Đặc biệt trong lĩnh vực lâm nghiệp với đối tượng là cây dài ngày, khả năng tác động vào điều kiện hoàn cảnh bằng các biện pháp kỹ thuật như bón phân, tưới nước là rất hạn chế thì giống càng có vai trò quan trọng. Những người tâm huyết với vườm ươm cây lâm nghiệp như anh Thủy đã góp phần nhân lên những cánh rừng ngày càng có chất lượng cao.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục