,

Lâm nghiệp

Phản biện xã hội dự thảo Đề án Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ

Sáng 19-10, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Đề án Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ của UBND tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh và đồng chí Tăng Thị Dương, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị phản biện.

Dự thảo Đề án Xây dựng Tuyên Quang trở thành Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao và trung tâm sản xuất và chế biến gỗ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì soạn thảo.

Đề án đề ra mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được một trung tâm nghiên cứu, khảo nghiệm, phát triển và trồng trình diễn các nguồn giống cây lâm nghiệp với quy mô tối thiểu 300 ha và có được ít nhất 10 nguồn giống các loài cây lâm nghiệp trong vùng; xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở sản xuất giống hiện có để có được ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp công nghệ cao; cung ứng được cho toàn bộ diện tích trồng rừng hàng năm trong tỉnh và tối thiểu 20% nhu cầu cây giống lâm nghiệp trong toàn vùng Trung du và miền núi (TD&MN) phía Bắc.

Đồng thời, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ, sản xuất chuyên sâu đồ gỗ, kết nối sàn giao dịch điện tử quốc tế và có ít nhất 1 sản phẩm đồ gỗ được công nhận Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Định hướng đến năm 2050 Tuyên Quang trở thành trung tâm về công nghiệp chế biến lâm sản, có vị trí vững chắc trong chuỗi giá trị ngành gỗ và lâm sản của vùng TD&MN phía Bắc; toàn bộ các cơ sở chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong tỉnh tham gia chuỗi sản xuất lâm sản ứng dụng công nghệ cao phục vụ xuất khẩu, trở thành nơi cung cấp tối thiểu 30% giống cây lâm nghiệp tốt cho vùng TD&MN phía Bắc; duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 65%; thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách chi trả dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng theo quy định của Chính phủ.

Đồng chí Nguỵ Văn Thận, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ tham gia phát biểu góp ý tại hội nghị.

Thảo luận, góp ý kiến tại hội nghị, các đại biểu đều khẳng định việc xây dựng đề án là cần thiết, có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng của tỉnh. Tuy nhiên, đề án cần đánh giá rõ thực trạng, những khó khăn cũng như giải pháp thực hiện phù hợp trong thời gian tới.

Trong đó, nhấn mạnh các nội dung cần quan tâm như: công tác quy hoạch vùng sản xuất; quy mô và hoạt động của khu sản xuất lâm nghiệp; công tác tổ chức thực hiện đề án; thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào chế biến, sản xuất lâm nghiệp, đầu ra cho sản phẩm; một số khó khăn trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đề án, việc thành lập khu ứng dụng công nghệ cao; vấn đề lao động việc làm; vấn đề môi trường...

Đồng chí Lê Tiến Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nguyễn Hưng Vượng đánh giá cao công tác chuẩn bị nội dung dự thảo của cơ quan soạn thảo cũng như các ý kiến tham gia phản biện của các đại biểu.

Đồng chí lưu ý đối với cơ quan soạn thảo đề án cần xem xét, điều chỉnh các phần trong đề án cho phù hợp. Đề án cần chỉ rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; bám sát mục tiêu, nghị quyết của tỉnh đã ban hành.

Đồng chí cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục rà soát, thống nhất các số liệu trong đề án; đề ra các giải pháp thực hiện đề án phải phù hợp với vùng, doanh nghiệp và các chủ rừng. Đồng thời tiếp thu, bổ sung các ý kiến góp của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Đề án.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục