,

Lâm nghiệp

'Trả nợ' rừng chiến khu Tân Trào

Một thời, rừng chiến khu Tân Trào bị cạo trọc để đổi lấy cơm áo mưu sinh. Bây giờ, những cánh rừng đặc dụng ATK Tân Trào đã hồi sinh, trải dài mải miết.

 

Ban Quản lý Rừng đặc dụng Tân Trào đang thực hiện quản lý bảo vệ khoảng 4.000ha rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Người dân đã "quên" chuyện phá rừng

Anh Nguyễn Mạnh Thường là người năng nổ nhất trong số những hộ dân tham gia giữ gìn và bảo vệ cánh rừng đặc dụng ATK Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Anh Thường bảo: “Tôi sinh năm Mậu Thân 1968, tuổi khỉ. Khỉ phải sống ở trong rừng, phải gắn bó với rừng. Xưa mình lỡ phá rừng, nay mình sẽ tự nguyện dùng chính đôi bàn tay và sức lực của mình để trả nợ cho rừng. Nhìn những cánh rừng xanh tốt, tôi như thấy được mình sống lại.”

Ngày trước, nhiều người dân ở Tân Trào tham gia phá rừng để đổi lấy cơm áo mưu sinh. Những cây rừng non chưa kịp mọc lên đã thấy cả vạt rừng cổ thụ bị hạ xuống. Anh Thường nhớ lại, vào đầu những năm 90, khi chứng kiến ba đối tượng lâm tặc ở đất Thái Nguyên sang đây phá rừng, chính quyền quyết vây bắt. Nhưng chúng quá hung hãn chống lại lực lượng chức năng. Chúng mang theo vũ khí, dao, phớ. Không ai dám khống chế. Bất ngờ từ phía sau, anh tấn công khiến tên cầm đầu gục ngã, hai tên sau đó cũng nhanh chóng được lực lượng chức năng khống chế.

Sau lần ấy, anh suy nghĩ về nhiều chuyện của cuộc đời, về quãng thời gian đi buôn gỗ. Rồi thầm nghĩ, thì ra làm việc tốt cũng đâu khó khăn gì. Ý nghĩ về chuyện phá rừng và buôn gỗ cũng dần biến mất trong đầu anh giống như cơn gió thu biết cuốn đi những chiếc lá úa còn lưỡng lự trên cành để nhường chỗ cho những chồi non trong thân cây đang trỗi dậy vươn mình mạnh mẽ.

Anh Nguyễn Mạnh Thường (đi đầu) luôn tiên phong trong công tác bảo vệ rừng đặc dụng ATK Tân Trào. Ảnh: Đào Thanh.

Vào khoảng năm 2001 - 2002, khi nhà nước có chủ trương triển khai Dự án 661 theo chương trình 5 triệu ha rừng, anh Thường là người đầu tiên trong xã nhận trồng. Anh bảo rằng, đó là cơ hội lần thứ hai trong đời được nhận tiền từ rừng nên anh phải nắm lấy. Lần này, tiền nhận được ít hơn những lần trước, nhưng hợp pháp, đó là tiền của nhà nước chi trả. Đây cũng là cơ hội để anh trả nợ rừng.

Sau bao nhiêu bữa cơm nắm với muối trắng ăn giữa rừng, rừng nuốt bao nhiêu lưỡi cuốc, lưỡi dao thì cũng là lúc những mầm cây non dần trồi lên và vươn mình chịu được nắng gió. Cứ thế, từ mùa xuân này nối qua mùa xuân khác, khi đôi bàn tay anh chai lại, không còn cơ hội cho những cán cuốc, cán dao làm phòng rộp thì anh đã có những cánh rừng xanh ngút. 10 năm, rồi 20 năm, từng ấy năm cũng đủ để đám trẻ mới sinh ra trở thành người lớn thì những cây rừng được người dân vùng này trồng cũng khép tán, xanh tốt. Có cây đường vanh một người ôm không xuể.

Đầu năm 2020, khi tỉnh Tuyên Quang có chủ trương giao khoán cho các hộ dân tham gia bảo vệ rừng, gia đình anh Thường tiếp tục nhận bảo vệ 30ha. Với cái danh một mình quật ngã cả 3 tên lâm tặc năm nào nên từ khi anh tham gia bảo vệ rừng, đám lâm tặc nghe đến khu rừng của anh đều phải vác rìu, vác cưa xuống núi.

Anh nghe ngóng và nắm bắt từng đối tượng hay đi rừng rồi đến nhà cảnh cáo và vận động. Sau những lần được nhắc nhở như thế, đối tượng lâm tặc cộm cán nể anh. Và chính những đối tượng ấy là tai mắt của anh giúp có tin báo về việc phá rừng.

Một cây rừng cổ thụ tại khu rừng đặc dụng ATK Tân Trào. Ảnh: Đào Thanh.

Trong hun hút gió, đỉnh núi Hồng xanh thẳm màu của cây dổi, cây táu, cây lim xẹt… mấy người ôm không hết. Nơi đây không có rừng cổ thụ vài trăm năm tuổi như ở vùng Na Hang, Lâm Bình (Tuyên Quang), nhưng những cánh rừng nơi đây đang sống lại. Bởi khoảng 10 năm nay, người dân đã quên chuyện phá rừng.

Cùng nhau vun đắp rừng giàu

Ông Hoàng Văn Hò, Trưởng thôn Mỏ Ché, xã Tân Trào chia sẻ rằng, người Nùng ở Mỏ Ché nằm trong vùng rừng chiến khu với hơn 60 hộ dân sinh sống. Để giữ rừng, kiểm lâm tham mưu cho chính quyền địa phương mỗi thôn thành lập một tổ bảo vệ rừng nhưng không có kinh phí. Những người như ông Hò hăng hái tham gia.

Để bảo vệ rừng, mỗi tuần một lần ông huy động công an viên, hội nông dân, đoàn thanh niên mang theo dao để phát cỏ, mang theo cơm nắm và bình tông nước đi khám phá những cung đường rừng. Rồi ông cùng cán bộ kiểm lâm tại khu rừng đặc dụng ATK Tân Trào đến từng nhà vận động người dân cùng tham gia giữ rừng.

Ông Hò tâm sự, những người làng Mỏ Ché ở núi rừng chiến khu năm xưa từng tham gia phá rừng nay đều đã già. Chính ông cũng có lần tham gia phá rừng. Nhưng cũng chính ông của gần 20 năm về trước đã tham gia trồng rừng, bảo vệ rừng. Những cây rừng non tay ông trồng năm xưa nay cũng đã hàng chục đến vài chục năm tuổi, phủ xanh kín những cánh rừng đặc dụng. Năm 2020, thôn Mỏ Ché có 8 hộ tham gia quản lý bảo vệ rừng theo chính sách giao khoán của nhà nước. Trung bình mỗi hộ nhận khoảng 18 đến 30ha rừng đặc dụng.

Để bảo vệ những cánh rừng đặc dụng, việc dựa vào dân có ý nghĩa quan trọng. Ảnh: Đào Thanh.

Giờ đây, cuộc sống của những người Nùng ở Mỏ Ché và các làng trong vùng chiến khu đã khấm khá hơn nhiều. Nhiều người đã biết nghĩ xa, nghĩ cho mấy đời sau nữa. Họ đã biết nghĩ rằng, ngày trước mình phá rừng khác gì phá chính "cái tổ" của mình, vì vậy nay phải có trách nhiệm xây dựng lại. Xây lại rừng không giống xây ngôi nhà, một năm, hai năm đã xong mà có khi cả đời người mới có được một cây rừng đủ xanh, tán đủ xòe mát che cho con người, rễ đủ khỏe để hút nước giúp cân bằng sinh thái, đủ giữ đất cho núi đồi. Với ý nghĩ ấy, giờ thì cánh rừng ở Mỏ Ché đã rậm kín lối đi.

Anh Nguyễn Công Phương - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Sơn Dương đã gắn bó với nghề kiểm lâm gần 20 năm nay, cũng bằng ấy năm anh gắn bó với rừng đặc dụng Tân Trào và những cánh rừng ở Sơn Dương. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, việc phá rừng ở khu rừng đặc dụng Tân Trào gần như không còn xảy ra, nhất là từ khi phong trào trồng sắn trên đồi nương không còn.

Người dân bỏ sắn đi làm công nhân tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh có thu nhập khá cao. Nhiều người đã biết mở dịch vụ du lịch dựa trên di tích lịch sử và những cánh rừng tuyệt đẹp nơi chiến khu và đã có thu nhập ổn định.

Người dân xã Tân Trào tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Đào Thanh.

Anh Nguyễn Công Phương bảo rằng, muốn bảo vệ rừng tốt thì phải biết tuyên truyền, vận động để dân nghe, dân hiểu được rằng chính những cánh rừng ngay cạnh chân làng trước đây đã biết bảo vệ Bác Hồ, bảo vệ cách mạng. Thế hệ hôm nay phải biết tìm cách trả nợ cho thế hệ cha ông, cho đất nước. Mà cách trả nợ tốt nhất là giữ gìn, bảo vệ rừng thật tốt để rừng ngày thêm giàu hơn.

Nói rồi, anh Phương bỗng bay bổng theo một đoạn trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu. Những câu thơ như quyện vào cánh rừng lộng gió, quyện vào nắng sớm của trời thu xanh trong biêng biếc.  

“Nhớ khi giặc đến giặc lùng

 Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

 Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù

Mênh mông bốn mặt sương mù

Đất trời ta cả chiến khu một lòng.”

Ban Quản lý Rừng đặc dụng Tân Trào được giao quản lý khoảng 4.000ha rừng, gồm rừng đặc dụng, rừng trồng và rừng tự nhiên.

Từ năm 2020 trở lại đây, tỉnh Tuyên Quang có chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững, Ban Quản lý Rừng đặc dụng Tân Trào đã triển khai việc khoán rừng cho 192 người tham gia bảo vệ. Hộ ít nhất được giao khoán 16ha, hộ nhiều 30ha và thực hiện phân lô theo khu vực. Những hộ được giao phải sống gần rừng và tâm huyết với rừng.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là tổng kinh phí được nhận giao khoán chỉ hơn 200 triệu đồng, quá ít so với nhu cầu thực tiễn của diện tích rừng được giao. Trong khi chờ nhà nước thay đổi chính sách và hỗ trợ thêm kinh phí thì việc giữ rừng vẫn phải thực hiện. Trách nhiệm của cán bộ kiểm lâm vẫn phải hoàn thành, mà cách giữ rừng tốt nhất chính là dựa vào nhân dân.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục