,

Lâm nghiệp

Tuyên Quang: Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững từ trồng rừng gỗ lớn

Những năm qua, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn trồng rừng gỗ lớn. Mặc dù thời gian trồng chưa lâu nhưng rừng gỗ lớn có rất nhiều triển vọng, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân trong vài năm tới.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo tỉnh thăm mô hình sản xuất lâm nghiệp tại xã Đông Thọ, (Sơn Dương).

Xã Đông Thọ, (Sơn Dương) hiện có trên 2.800 ha rừng gồm trên 146 ha rừng tự nhiên và trên 2.700 ha rừng trồng. Trên địa bàn xã hiện có trên 703 ha rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Bình quân hàng năm, toàn xã trồng trên 100 ha rừng, với trên 1.800 hộ dân tham gia sản xuất lâm nghiệp, thu nhập bình quân từ 120 triệu đồng đến 150 triệu đồng/1ha/ chu kỳ trồng rừng (6-7 năm). Đông Thọ cũng là điểm sáng triển khai hiệu quả Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ giống cây lâm nghiệp chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018 - 2021. Đồng chí Âu Văn Tá, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết, từ kinh tế rừng đã giúp nhiều hộ trong thôn thoát nghèo, có cuộc sống no đủ. Đầu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã là 44%, đến nay giảm còn 39%.
Từ những chính sách của tỉnh, người dân tích cực trồng rừng sản xuất, coi rừng là tài sản quý giá của mình. Tại các địa phương, đặc biệt là người dân tộc thiểu số đã thay đổi hẳn nhận thức, tư duy phát triển kinh tế rừng. Xã Kiến Thiết, (Yên Sơn) là một trong những xã vùng đặc biệt khó khăn, dân cư chủ yếu người Mông, Dao, Tày với tập quán làm rẫy nhưng từ khi tỉnh, huyện, xã vận động trồng rừng sản xuất và triển khai hỗ trợ chính sách của tỉnh, người dân đã thay đổi nhận thức về kinh tế rừng. Người dân đã biến những nương ngô, nương sắn, nương lúa thành những cánh rừng xanh tốt.
Ông Lê Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết, xã có 8.100 ha đất rừng. Có những thời điểm Kiến Thiết chỉ toàn đồi núi trọc vì tập quán canh tác của đồng bào người Mông, Nùng, Tày… phát nương làm rẫy, cộng thêm xã có độ dốc lớn nên thời điểm đó người dân phải đối diện với thiên tai do lũ ống, lũ quét gây ra. Thực hiện Quyết định số 65/QĐ-UBND, ngày 17-3-2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, UBND xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm vận động người dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Sau hơn 10 năm, xã đã trồng 7.300 ha rừng sản xuất, bảo vệ trên 1.000 ha rừng phòng hộ, đến nay toàn xã không còn thôn nào để đất trống, đồi trọc. Kinh tế rừng trồng đem lại cho người dân trên địa bàn xã khoảng 10 tỷ đồng/năm.
Việc trồng rừng gỗ lớn sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, để tạo sinh kế giúp họ vươn lên thoát nghèo. Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp, HTX Nông nghiệp đóng vai trò rất lớn trong việc phát triển trồng rừng gỗ lớn từ việc trồng rừng đến bao tiêu sản phẩm, nhất là ở các huyện miền núi. Xã Tân Mỹ, (Chiêm Hóa) có trên 3.000 ha rừng sản xuất, trong đó 1.800 ha được cấp chứng chỉ FSC. Từ nguồn gỗ rừng trồng, xã đã phát triển 4 xưởng chế biến gỗ dăm, ván bóc, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương... Hàng năm, doanh thu từ rừng của xã đạt trên 20 tỷ đồng. Phát triển rừng đang là hướng đi có hiệu quả khai thác tiềm năng, thế mạnh của xã cũng như là cơ hội để người trồng rừng thực sự giàu lên từ rừng.  
Gia đình chị Giàng Thị Doa, thôn Khuôn Thẳm trồng 27 ha keo, bồ đề. Chị Doa chia sẻ: Rừng là nguồn sống của gia đình chị, cách 1 đến 2 năm lại được khai thác một đồi. Đồi ít cũng được vài chục triệu, nhiều thì tiền trăm. Nhà tôi có 4 người, quanh năm chỉ trồng và làm cỏ cây mà không hết việc. Mùa trồng cây gia đình phải thuê hơn chục người làm. Từ việc trồng cây, gia đình chị đã có cuộc sống no ấm. Không chỉ gia đình chị Doa, ở Khuôn Thẳm còn rất nhiều hộ trồng rừng giỏi, như gia đình ông Tráng Xào Dùng có trên 33 ha, ông Sùng Thèn Giáo trên 20 ha, ông Lý Tiến Bần 17 ha, chị Ma Thị Hoài 15 ha... Chị Ma Thị Hoài cho biết, gia đình chị trồng gối rừng, bởi vậy, cách 1 đến 2 năm, chị lại được khai thác gỗ. Từ tiền bán gỗ cộng các nguồn thu khác, bình quân, gia đình chị có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Theo bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay Tuyên Quang đã làm rất tốt việc bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp. Minh chứng là Tuyên Quang đã trở thành địa phương đứng thứ 3 cả nước về độ che phủ rừng, với độ che phủ rừng đạt hơn 65%. Tổng diện tích rừng hiện có là hơn 422.400ha, trong đó diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu là trên 140.700ha. Hàng năm tỉnh thực hiện khai thác và trồng mới hơn 10.000ha rừng; tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt trên 900.000m3. Tỉnh đã có trên 43.800ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Giai đoạn 2021 - 2025, Tuyên Quang phấn đấu phát triển diện tích rừng gỗ lớn đạt trên 89.000ha.
Bà Hoàn cho biết thêm, phát triển rừng gỗ lớn vẫn còn những khó khăn, rào cản. Nhất là việc thực thi các chủ trương Nghị quyết, việc triển khai Luật… Như vừa rồi, qua đi khảo sát thực tế của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tuyên Quang tại huyện Chiêm Hóa và huyện Hàm Yên khi triển khai thực hiện trồng rừng gỗ lớn vẫn còn những khó khăn, tồn tại như: Kinh tế của đa phần các hộ dân trồng rừng còn khó khăn, cần khai thác rừng non, gỗ đường kính nhỏ để đảm bảo cuộc sống. Ngoài ra, rừng trồng chu kỳ kinh doanh dài dễ gặp rủi ro bởi sâu bệnh hại, thiên tai như gió, bão làm gãy đổ, suy giảm chất lượng rừng, do đó người dân phải khai thác rừng ở giai đoạn sinh trưởng nhanh, chưa thành thục tự nhiên. Cùng với đó, hiện nay giá lâm sản chưa ổn định, giá gỗ lớn chưa chênh lệch nhiều so với giá gỗ nguyên liệu. Một số chủ rừng chưa đầu tư nâng cao chất lượng rừng trồng, còn có biểu hiện trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nên diện tích trồng rừng gỗ lớn và diện tích chuyển hóa rừng gỗ nguyên liệu giấy sang kinh doanh gỗ lớn trên địa bàn huyện chưa đảm bảo đạt mục tiêu.

Khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, tỉnh Tuyên Quang cũng hỗ trợ cây giống chất lượng cao cho người trồng rừng.

Việc phát triển rừng gỗ lớn cần nguồn lực lớn để hỗ trợ chủ rừng, nhưng do có vướng mắc trong quy định bảo đảm tiền vay của lĩnh vực ngân hàng khi thực hiện vay vốn tại ngân hàng nên còn hạn chế trong triển khai chính sách. Cụ thể, tại huyện Hàm Yên, UBND huyện đã phê duyệt diện tích 82ha, nhưng chủ rừng vay vốn phải có tài sản thế chấp giá trị trên 120% giá trị vay (không bao gồm giá trị cây đứng), nên một số chủ rừng không được giải ngân hoặc giải ngân số tiền thấp hơn so với nhu cầu.
Một khó khăn nữa là chỉ một số nhà máy chế biến, xuất khẩu gỗ cần rừng có chứng chỉ, tuy nhiên một số nhà máy, cơ sở chế biến không yêu cầu rừng có tiêu chuẩn, do đó khó giữ được rừng gỗ lớn. Cùng với đó, các hộ trồng khai thác bán rừng non và không thể có chế tài quản lý mà chỉ vận động tuyên truyền người dân gây khó khăn cho việc giữ rừng gỗ lớn, lâu năm để nâng cao chất lượng.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo tỉnh thăm dây chuyền sản xuất giấy tại Công ty cổ phần Giấy An Hòa.

Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay nói chung và ở Tuyên Quang nói riêng người trồng rừng vẫn còn tư tưởng chứng chỉ FSC chỉ cần khi xuất khẩu còn tiêu thụ nội địa thì không cần cũng là rào cản nhất định cho sự phát triển. Vì người dân quan niệm, làm thủ tục cấp chứng chỉ mất tiền thuê chuyên gia đánh giá, khi bán trong nước chỉ bằng giá rừng không được cấp chứng chỉ hoặc cao hơn không đáng kể thì họ mất khoản tiền phát sinh. Dù có những khó khăn và rào cản nhất định trong công tác phát triển rừng gỗ lớn, rừng được cấp chứng chỉ FSC, tuy nhiên không thể phủ nhận những thành tựu to lớn mà ngành kinh tế lâm nghiệp đã đem lại cho tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua. Đây là kết quả của chủ trương, nghị quyết sát với thực tiễn và nhu cầu nguyện vọng của người dân, đã giúp người dân thay đổi nhận thức và gắn bó với rừng. Minh chứng rõ nét là kim ngạch xuất khẩu lâm sản của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2017 - 2022, đạt 119 triệu USD; GRDP ngành lâm nghiệp của tỉnh năm 2022 đạt trên 1.750 tỷ đồng, chiếm trên 17% GRDP nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng trưởng bình quân đạt trên 10%/năm; giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Rừng Tuyên Quang đang vươn mình mạnh mẽ. Từ những cánh rừng đặc dụng, rừng nguyên sinh đến cánh rừng sản xuất, đều phát triển. Rừng xanh ngày càng lấn núi, lấn đồi nhiều hơn.
Nhớ lại hơn 10 năm trước, nhắc đến rừng nhà nhà đều ngao ngán lắc đầu. Bởi người dân quan niệm trồng rừng sẽ không có cái ăn, trồng cây ngắn ngày chỉ nửa năm đến một năm sẽ cho thu hoạch. Vận động mãi nhiều hộ mới trồng rừng. Tuy nhiên hơn 10 năm nhìn lại, những hộ chịu khó khăn, vất vả gắn bó với rừng năm xưa giờ đây đều là những người nông dân khá giả. Họ vẫn là người nông dân bám đất bám đồi cuốc hố trồng rừng, nhưng rừng đã cho họ thu hoạch, có cuộc sống ấm no. Sở hữu 50ha rừng, gia đình Phạm Đức Thắng, ở thôn Thái Sơn Tây là một trong những hộ trồng nhiều rừng nhất của xã Đại Phú, huyện Sơn Dương. Vụ trồng rừng năm nay là chu kỳ thứ 3 rừng của ông Thắng chuẩn bị cho thu hoạch. Ngày trước, những hộ dân ở thôn ông nhắc đến trồng rừng ai cũng lắc đầu vì trồng sắn, ngô vài tháng cho thu hoạch đã có tiền. Trồng rừng không bán được thì chỉ làm củi, mà củi thì trên rừng ở quê ông không thiếu. Nhưng ông vẫn quyết tâm trồng bởi cán bộ bảo trồng rừng sẽ được các nhà máy giấy thu mua kịp thời. Hơn nữa trên địa bàn tỉnh đã có chủ trương dự án xây dựng các nhà máy sản xuất chế biến gỗ nên chắc chắn trồng rừng sẽ có tương lai. 
Hiện nay, với 30ha rừng nhận trồng liên doanh với Công ty lâm nghiệp Sơn Dương, trừ các khoản chi phí ông Thắng còn lãi 50 triệu đồng/ha. Còn hơn 20ha rừng của gia đình đứng tên, chắc chắn số tiền lãi thu về sẽ gấp đôi. Ông Thắng cho biết, nhiều năm gắn bó với rừng, rừng cho gia đình ông cuộc sống ấm no, cũng cho ông nhiều kinh nghiệm trồng chăm sóc được tích lũy. Muốn rừng có chất lượng trước hết giống phải tốt. Khi triển khai trồng rừng, ông Thắng luôn chọn những cơ sở gieo ươm uy tín. Tuy đắt hơn giá thị trường như cây lớn nhanh và chậm phân cành. Toàn bộ 50ha rừng của gia đình ông Thắng đều được cấp chứng chỉ FSC và ông hướng phát triển thành rừng gỗ lớn, để rừng có thể xuất khẩu cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Hà Minh Tấn, Trưởng thôn Trung Thành 1, xã Thành Long, (Hàm yên) cho hay: Những năm trước cuộc sống của người dân rất khó khăn, đất ruộng cấy lúa ít, chủ yếu là đồi núi bao quanh, vì vậy những năm đó tỷ lệ hộ nghèo đói của thôn cao. Từ năm 2011 khi thực hiện trồng rừng theo Chương trình 147 của Chính phủ thì phong trào trồng rừng ở Trung Thành 1 phát triển mạnh mẽ. Đến nay, thôn có trên 500 ha rừng sản xuất, kinh tế rừng đem lại cho thôn từ 5-7 tỷ đồng/năm. Với những chính sách tốt, hỗ trợ người dân kịp thời và lợi ích của kinh tế rừng đem lại đã và đang thay đổi cuộc sống người dân trong tỉnh.

Từ rừng chất lượng cao là tiền đề cho các doanh nghiệp sản xuất chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu.

Đồng hành cùng người dân phát triển rừng gỗ lớn, rừng chất lượng cao, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Nghị quyết số 36 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2021 đề ra mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2030 phải bám sát các chủ trương, quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Theo đó, phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biển đổi khí hậu nói riêng của Trung ương, của tỉnh, trọng tâm là các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Từ Nghị quyết này, ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang tham mưu cho HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 03, giai đoạn 2021 - 2025. Tại Nghị quyết này cũng ban hành nhiều chính sách trong đó có chính sách hỗ trợ chuyển rừng gỗ nhỏ sang gỗ lớn, nhằm hỗ trợ vùng nguyên liệu cho các nhà máy trong chế biến lâm sản, đặc biệt là về xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật và châu Âu. Trong đó thực hiện hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay cho các tổ chức, cá nhân vay vốn để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn (kéo dài tuổi rừng lên trên 10 năm). Mỗi diện tích rừng thực hiện chuyển hoá, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ lãi suất tiền vay 1 lần/đơn vị diện tích đó. Mức cho vay có hỗ trợ lãi suất tối đa 70 triệu đồng/ha; thời gian hỗ trợ lãi suất theo thời gian vay vốn nhưng tối đa không quá 36 tháng.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện chủ trương này, nhiều địa phương đã triển khai thành công trong việc mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Tổng diện tích phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn toàn tỉnh đến hết năm 2022 là 76.652/76.000ha, đạt 100,8% kế hoạch. Ngành NN-PTNT đang phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát thống kê diện tích; hỗ trợ chính sách về cây giống, chính sách vốn vay ưu đãi để chủ rừng yên tâm gắn bó lâu dài với quá trình tham gia trồng, bảo vệ, mở rộng và phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn./.

Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục