,

Thời sự

Phát triển đồng bộ, bền vững chuỗi giá trị hợp tác xã

Chính phủ luôn khuyến khích, quan tâm tới khu vực kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX.). Làm sao để có cơ chế, chính sách, giải quyết điểm nghẽn thực hiện tốt mục tiêu, chương trình đề án do Chính phủ ban hành.

Sáng ngày 11/4, Liên minh HTX Việt Nam tổ chức Diễn đàn HTX quốc gia năm 2024, với chủ đề “Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì Diễn đàn.

Diễn đàn HTX quốc gia 2024 tiếp tục là cầu nối, là kênh tiếp xúc HTX với DN, HTX với chính quyền các cấp, giữa HTX với nhà khoa học… với tinh thần chung là thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của KTTT, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Phát triển bền vững chuỗi giá trị là đòi hỏi khách quan, xuyên suốt

Bà  Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam phát biểu khai mạc. (Ảnh: HNV)

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm là vấn đề được đề cập nhiều trong thời gian qua, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu; là đòi hỏi khách quan cũng như yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Khu vực KTTT không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Theo số liệu thống kê, hiện nay cả nước có 31.764 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73 nghìn tổ hợp tác. Bên cạnh đó, kể từ tháng 7/2024, Luật HTX năm 2023 sau khi được Quốc hội thông qua, sẽ có hiệu lực, với nhiều điểm mới nổi bật giúp các tổ chức KTTT phát triển hiệu quả, năng động và bền vững.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với các HTX và ngược lại, KTTT, HTX cũng là “hơi thở” của chuỗi giá trị đa dạng nhiều ngành hàng ở khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Bà Cao Xuân Thu Vân cho biết thêm, hiện nay, trong hơn 31.000 HTX, có hơn 20.000 HTX nông nghiệp, chiếm trên 64% tổng số HTX cả nước. Trong gần 6 triệu thành viên HTX có trên 3,8 triệu là nông dân, chiếm trên 63% tổng số thành viên. Nhiều loại hình HTX liên kết trong sản xuất kinh doanh tạo nên chuỗi liên kết đa giá trị, bền vững.

Không chỉ ở nông nghiệp, việc tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm có tính phát triển bền vững đã và đang trở thành xu thế tất yếu của KTTT, HTX ở những lĩnh vực khác. Những HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, môi trường, thính ứng cao và chống chịu cao, giúp chuỗi giá trị phát triển bền vững trước các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài.

Vì vậy, ở cấp độ quốc gia, địa phương phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thúc đẩy KTTT phát triển chuỗi giá trị bền vững.

Ở cấp độ HTX, liên hiệp HTX và tổ hợp tác, để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững đòi hỏi sự đổi mới tư duy, đảm bảo liêm chính trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng và bao trùm trong kinh doanh theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Diễn đàn được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Hà Nội (Ảnh: HNV) 

Có ưu đãi nhưng phát triển HTX còn gặp khó

Tham luận tại Diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẳng định, phát triển HTX sẽ giúp thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị.

Theo ông Lê Đức Thịnh, thời gian qua, Chính phủ có nhiều chính sách khuyến khích HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị. Tuy nhiên, ông Thịnh cho hay, thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp (DN) rất khó thực hiện liên kết do không tìm được HTX nông nghiệp đủ mạnh để có thể đứng ra làm đầu mối, nên DN phải hợp đồng trực tiếp với từng hộ nông dân, dẫn đến chi phí cao và dễ gặp rủi ro.

Bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách hiện nay, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, cần tiếp tục rà soát, bổ sung, hướng dẫn thực hiện cơ chế chính sách, nhất là tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc mà các HTX hiện đang gặp phải như: tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ thủ tục xác nhận, chứng nhận sở hữu đất đai của HTX và thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp để HTX xây dựng hạ tầng; hỗ trợ kết cấu hạ tầng sản xuất, đặc biệt là hạ tầng phục vụ chế biến, bảo quản và thương mại…

Diễn đàn là một trong nhiều hoạt động thiết thực của Tháng hành động vì HTX 2024 (Ảnh: HNV)

Tại Diễn đàn, ông Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH&CN nhận định, Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế đang là xu hướng chủ đạo và phát triển mạnh mẽ, với nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn đối với cộng đồng HTX.

Theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, kết quả hoạt động KH&CN đối với KTTT, HTX đã góp phần thúc đẩy sự phát triển thông qua việc triển khai xây dựng nhiều mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN ở các địa phương góp phần giải quyết các vấn đề: Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo và chất lượng gạo xuất khẩu; phát triển sản xuất các loại nông sản nhiệt đới có lợi thế so sánh cao; ứng dụng và phát triển các sản phẩm công nghệ sinh học…

Chỉ tính riêng đối với Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn từ năm 2016 đến nay đã có 28 dự án được phê duyệt và triển khai do HTX là tổ chức chủ trì hoặc tham gia với tổng kinh phí thực hiện trên 200 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương gần 90 tỷ đồng.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, bà Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc Agriterra Việt Nam, cho biết, hiện, Agriterra Việt Nam đang hỗ trợ hơn 30 đối tác và dự án, hoạt động tại 16 tỉnh, thành trên cả nước. Cùng với đó, tổ chức này đang hợp tác với Liên minh HTX Việt Nam và các tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các tổ chức chuyên môn, các nền tảng, DN… Các chuỗi giá trị mà Agriterra Việt Nam đang hỗ trợ gồm: 2 HTX chè, 4 HTX cà phê, 2 HTX trồng trọt, 4 HTX thuỷ sản, 26 HTX lúa gạo. Theo bà Hiền, bí quyết để các HTX tại Hà Lan thành công nhờ vào các yếu tố: Loại hình pháp nhân quyết định sự phát triển của HTX, nên cho phép nhiều loại hình pháp nhân khác nhau phù hợp với thị trường, đáp ứng nhu cầu phát triển của HTX, có nhiều HTX phát triển quy mô đa quốc gia như: FrieslandCampina là một HTX sữa đa quốc gia của Hà Lan.

Trao đổi tại Diễn đàn, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP.Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, hiện nay, việc phát triển chuỗi cung ứng nông sản trên nền tảng KTTT gắn với hệ thống phân phối hiện đại nhận được sự quan tâm đặc biệt từ Đảng và Chính phủ. Thời gian qua, nhiều chính sách phát triển KTTT được ban hành, đó là Luật HTX 2003, Luật HTX năm 2012 và gần đây nhất là Luật HTX năm 2023 đã tạo môi trường phát triển cho các tổ chức KTTT được mở rộng và tạo nền tảng pháp lý ngày càng chặt chẽ hơn, theo đặc điểm riêng có của nước ta. Bên cạnh đó, các tổ chức KTTT nông nghiệp và phi nông nghiệp không tách rời có điều kiện thuận lợi hơn trong quá trình liên kết sản xuất và phân phối nông sản.

Đồng quan điểm, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời nhận định, cần bắt đầu từ ổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết ngành hàng theo tiêu chí mà người nông dân cùng ngành nghề sản xuất, phạm vi hoạt động. Ở đó, người sản xuất có trình độ giống như “thủ lĩnh” dẫn dắt, DN bắt tay với những người đó. Đây là bậc thấp tiến lên HTX.

Trong khi đó, ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc HTX Đầu tư Nông trại xanh và phát triển bò Ba Vì (Hà Nội), cho rằng có 3 yếu tố quyết định đến sản xuất gồm: vốn, khoa học kỹ thuật và thị trường. Ông Hùng cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các HTX, cần có sự vào cuộc của hệ thống chính trị, Chính phủ đưa ra chính sách điều kiện thông thoáng cho HTX vay vốn. Ngân hàng cắt giảm các thủ tục vay vốn không cần thiết, không phù hợp như việc quy định về tài sản thế chấp. 

Chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của HTX, ông Lê Văn Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HTX Xuyên Việt (Hải Dương) cho rằng, để thu hút thêm thành viên tham gia HTX cần để bà con thấy được thực tế hiệu quả. Ông Việt đề xuất: HTX muốn phát triển bền vững cần mắt xích quan trọng là hội đồng cố vấn chuyên sâu với sự tham gia của nhà khoa học, chuyên gia, giám đốc HTX “thực chiến” giúp HTX khi mới thành lập không bị “mò đường”, loay hoay trong phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực. Ban đầu, Hội đồng cố vốn chuyên sâu này cần thí điểm cho một số HTX ở các địa phương trọng điểm.

Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Vĩnh Cường Bạc Liêu cho biết, khi tham gia vào chuỗi liên kết, bà con nông dân rất yên tâm vì được HTX lo đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. 

Một trong số các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm tiêu biểu của các HTX trong khuôn khổ Diễn đàn (Ảnh: HNV) 

Còn bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan (Bắc Kạn) để xuất, để giúp bà con xóa đói giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế cần được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để bổ sung nguồn vốn lưu động của HTX mở rộng diện tích, liên kết cho bà con vùng khó khăn. Đồng thời, nâng cao trình độ năng lực cán bộ quản lý. 

Ông Mai Văn Khẩn, Giám đốc HTX Tân Tiến (Lâm Đồng) đề xuất thêm các giải pháp: tuyên truyền nâng cao nhận thức của các thành viên; Hướng tới sản xuất xanh, tuần hoàn; Tiếp tục đào tạo cán bộ, tuyển dụng cán bộ có trình độ về làm việc; Xây dựng hệ thống tái sử dụng chất thải.

Quan tâm tín dụng và nguồn nhân lực KTTT, HTX

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết phát triển KTTT, mà nòng cốt là HTX luôn được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ quan tâm. Ban Chấp hành Trung ương và Ban Bí thư đã có nhiều Nghị quyết về phát triển KTTT như: Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX (năm 2002), Kết luận số 56-KL/TW (năm 2019), Nghị quyết số 20-NQ/TW (năm 2022) sau khi tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX. Quốc hội đã ban hành 3 Luật về HTX (Luật HTX năm 1996, năm 2012 và Luật HTX năm 2023) làm cơ sở để hoàn thiện đồng bộ chính sách pháp luật cho phát triển thành phần kinh tế này.

Phó Thống đốc NHNN nhìn nhận, mặc dù tín dụng đối với HTX tuy thấp, nhưng thực chất tín dụng của ngành ngân hàng phục vụ hoạt động SXKD của HTX có thể cao hơn nhiều, được thể hiện dưới hình thức khoản vay của cá nhân thành viên HTX. 

Lý giải nguyên nhân tín dụng đối với HTX nói chung và HTX tham gia liên kết còn thấp ngoài nguyên nhân, ông Tú cho rằng, đó là do liên kết còn hạn chế, quy mô nhỏ, chưa hình thành các chuỗi liên kết hoàn chỉnh, rủi ro thị trường, giá cả, phương án vay vốn kém khả thi, không hiệu quả, còn do một số nguyên nhân mà các cấp, các ngành chỉ ra trong quá trình tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX như: Vấn đề cơ chế quản lý, pháp lý và địa vị pháp lý của tổ chức kinh tế  hợp tác; năng lực quản lý, điều hành, tổ chức SXKD của HTX; Quy mô SXKD, phạm vi hoạt động hẹp; năng lực cạnh tranh còn yếu; minh bạch tài chính, kế toán, dòng tiền; Vấn đề thị trường, ứng dụng KHKT, chuyển đổi số trong hoạt động của HTX.

Trong khi đó, theo quy định của Luật các TCTD, TCTD phải yêu cầu khách hàng cung cấp tài liệu, dữ liệu chứng minh khả năng tài chính, phương án sử dụng vốn khả thi, mục đích sử dụng vốn vay trước khi quyết định cấp tín dụng cho khách hàng. Theo đó, việc các HTX phải đáp ứng các yêu cầu về hồ sơ, thủ tục vay vốn là cần thiết để đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hoạt động, hạn chế nợ xấu phát sinh cho các TCTD.

 

Ký kết hợp tác tại Diễn đàn (Ảnh: HNV) 

Để khắc phục khó khăn cho TCTD trong hỗ trợ, cho vay đối với HTX trong thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng cần phải khắc phục từ hai phía là cơ quan Nhà nước và HTX.

Theo kiến nghị của ông Tú, cơ quan Nhà nước cần sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật HTX 2023, trên cơ sở đó triển khai đồng bộ 8 chính sách, tập trung nguồn lực hỗ trợ phát triển HTX.

Về phía NHNN, ông Tú kiến nghị, các HTX cần đảm bảo đủ các điều kiện, yêu cầu của một tổ chức HTX (về nguồn vốn, tài sản, nguồn nhân lực, phương án sản xuất kinh doanh, chuyển đổi, ứng dụng công nghệ...).

Bên cạnh đó, đảm bảo hoạt động đúng bản chất của HTX, tăng cường liên kết, SXKD hiệu quả, minh bạch tài chính, trả nợ đúng hạn, làm cơ sở để các TCTD cho vay.

Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá, các ý kiến tại Diễn đàn tập trung vào 3 nhóm: Nhóm 1 là những vướng mắc khó khăn, kiến nghị. Nhóm 2 mong muốn, giải pháp. Nhóm 3 là bài học hay từ các mô hình tại các quốc gia khác nhau với quy mô khác nhau, trong đó có vấn đề nguồn nhân lực, vốn, đất đai…

Đối với các vấn đề như vay vốn, ở góc độ Bộ KH&ĐT có Quỹ phát triển HTX. Tuy nhiên, đại diện Bộ KH&ĐT nhìn nhận, hiện cho vay khó, đặc biệt là cho vay trực tiếp HTX rất khó, “Chúng tôi đang tìm hiểu lý do vì sao lại khó cho vay. Đối với tổ chức hội phụ nữ cho vay tốt nhưng với HTX lại rất khó?”, ông đặt vấn đề. 

Đồng thời, Thứ trưởng cũng lý giải một trong những nguyên nhân đó là với những HTX liên kết có DN đứng sau nên không cần vay vốn, nhưng với những HTX độc lập lại không đủ điều kiện vay vốn.

Khơi dậy tinh thần hợp tác trên cả nước

 Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo (Ảnh: HNV)

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức Diễn đàn HTX Quốc gia 2024 với chủ đề Phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm.

Phó Thủ tướng ghi nhận vai trò tích cực của Liên minh HTX Việt Nam trong tổ chức Tháng hành động vì HTX 2024, qua đó khơi dây tinh thần hợp tác trên cả nước. Phó Thủ tướng khẳng định: Những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước đã hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật cho khu vực HTX, đến nay cơ chế cơ bản hoàn thiện. 

Phó Thủ tướng đánh giá: Chính sách hỗ trợ hiện nay khá đầy đủ nhưng quan trọng nhất là tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 4.000 HTX tham gia liên kết chuỗi giá trị, 1.449 chuỗi liên kết đối với sản phẩm chủ lực… Các hình thức liên kết chuỗi giá trị đa dạng về chuỗi cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm theo từng nhóm chủ thể. 

Tại một số địa phương đã xuất hiện mô hình HTX kiểu mới, đem về thu nhập cho các thành viên, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị hàng hóa quy mô lớn để xuất khẩu. Việc phát triển chuỗi sản xuất liên kết sẽ giúp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, quy mô lớn khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, đem về hiệu quả trong sản xuất. 

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thủ tướng đánh giá, khu vực KTTT, HTX còn nhiều yếu kém như năng lực sản xuất kinh doanh còn yếu, khoa học - công nghệ hạn chế, giá trị sản phẩm trên thị trường chưa cao, liên kết giữa HTX với DN bất cập. 

Nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực khu vực HTX còn hạn chế, khó khăn tiếp cận nguồn vốn vay do không có tài sản thế chấp, hoạt động sản xuất kinh doanh thiếu bền vững; chính sách hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị ở một số địa phương chưa được cụ thể hóa. 

Phó Thủ tướng nhìn nhận, điều kiện thụ hưởng chính sách liên kết khó khăn, còn nhiều điểm chưa rõ ràng, phổ biến chính sách, phát triển liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản còn hạn chế, nếu không giữ chữ tín thì không liên kết thành công; hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh còn yếu; xây dựng mã vùng trồng khó khăn; bảo hiểm nông nghiệp gắn với liên kết theo chuỗi giá trị thiếu bền vững… Trong khi đó, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với phát triển KTTT, HTX.

Phó Thủ tướng cho biết, Nghị quyết 20 về đổi mới phát triển nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới xác định tới năm 2030 có 140 nghìn tổ hợp tác, 45 nghìn HTX… Đây là những con số thách thức, cần sự thống nhất đồng lòng.

Luật HTX 2023 đã thể chế hóa đầy đủ 8 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị; Nghị quyết 09 ban hành chương trình hành động với 48 đề án xác định rõ cơ quan chủ trì nhằm phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT, trong đó đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ, ngành, địa phương bám sát, quán triệt chủ trương của Đảng, Chính phủ về chính sách phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực KTTT, HTX.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến chính sách cần thống nhất về nhận thức và tư duy. Đồng thời, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính cần cân đối nguồn vốn từ ngân sách nhà nước phục vụ cho phát triển chuỗi giá trị trong từng giai đoạn; UBND các tỉnh thành phố triển khai chính sách hỗ trợ, lồng ghép nguồn vốn để việc liên kết, phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm bền vững. 

Tại Diễn đàn, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và lãnh đạo Bộ, ngành chứng kiến lễ Ký kết Phối hợp giữa Liên minh HTX Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng HTX Việt Nam./. 

Nguồn: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục