,

Chuyển đổi số

Chuyển đổi số là thước đo tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Chiều 3/8, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT.

Cuộc họp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT chiều 3/8. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ NN-PTNT, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp trong những tháng đầu năm 2022 tiếp tục có sự chuyển biến mạnh mẽ. Hầu hết các tỉnh, thành phố đã ban hành Đề án, Kế hoạch chuyển đổi số và triển khai vào thực tế sản xuất đối với một số lĩnh vực như: chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng…

Theo kế hoạch, trong năm 2022, Bộ NN-PTNT tập trung công cuộc chuyển đổi số đối với 2 lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt. Ngày 15/6 vừa qua, việc công bố Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu chăn nuôi đã được thực hiện, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi, đồng thời chủ động kết nối về thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người chăn nuôi.

Đối với lĩnh vực trồng trọt, từ nay đến cuối năm 2022, Bộ NN-PTNT sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng với cây thanh long và lúa gạo nhằm nâng cao hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và người trồng thanh long trong việc tổ chức sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Trần Thị Hòa, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, thông tin, dự kiến ngày 19/8 tới đây, Hệ thống thông tin và dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng đối với cây thanh long sẽ được công bố.

“Những nội dung được ưu tiên cập nhật phục vụ cho việc quản lý của ngành và các địa phương là thông tin, dữ liệu về danh mục giống lưu hành, giống cây trồng được bảo hộ, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, văn bản quy phạm pháp luật. Thời gian tới, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp với Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam đi thực tế một số địa phương để hướng dẫn cho nông dân và cơ quan chuyên môn áp dụng Hệ thống vào thực tế”, lãnh đạo Cục Trồng trọt chia sẻ.

Nhiều lần nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của chuyển đổi số trong công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, Bộ NN-PTNT quản lý rất nhiều lĩnh vực trong nội ngành nông nghiệp. Chính vì vậy, Thứ trưởng cho rằng tất cả thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số Bộ NN-PTNT, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm cũng như nắm chắc nội dung Đề án Chuyển đổi số ngành NN-PTNT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hệ thống thông tin và dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng đối với cây thanh long được dự kiến công bố vào ngày 19/8 tới đây. Ảnh: TL.

Trong đó, ngoài không gian chung của Đề án phải cụ thể vào từng lĩnh vực theo tiến độ để triển khai cho đơn vị mình. Qua đó, Ban Chỉ đạo sẽ chắt lọc nội dung chuyển đổi số các các đơn vị để xây dựng nền tảng vừa là cơ sở dữ liệu phục vụ cho ngành nông nghiệp nói chung và từng lĩnh vực nói riêng.

“Hiện nay thực phẩm cần phải rõ nguồn gốc, công khai minh bạch, có thước đo chất lượng mới đủ điều kiện đáp ứng từ thị trường nội địa gần 100 triệu dân đến thị trường thế giới. Chuyển đổi số chính là thước đo của công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Vũ Minh Việt, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu yêu cầu cấp thiết của chuyển đổi số trong báo chí, tuyên truyền.

Theo ông Việt, hiện nay thực trạng văn bản quy phạm pháp luật, hành chính, chỉ đạo, điều hành, quản lý của Bộ, ngành đến được cơ sở, đặc biệt là đến tận tay người dân còn nhiều hạn chế. Vì vậy, để góp phần nâng cao hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành của Bộ, ngành, đồng thời từng bước nâng cao hiệu quả tuyên truyền, lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam đề xuất Bộ NN-PTNT giao báo thí điểm chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, tuyên truyền.

“Trước hết là phổ biến những văn bản hành chính quan trọng của Bộ thông qua hình thức chuyển đổi số. Chuyển đổi văn bản hành chính thành các sản phẩm tuyên truyền đa phương tiện như: Video, phóng sự truyền hình, radio, eMagazine, Inforgraphic… đăng tải trên các ấn phẩm báo chí của Báo Nông nghiệp Việt Nam. Theo đó, văn bản quản lý, chỉ đạo, điều hành, quản lý của Bộ, ngành sẽ trở thành các các sản phẩm tuyên truyền trực quan, sinh động, cập nhật, tin cậy, dễ áp dụng, thực hiện, làm theo, có sự lan tỏa nhanh chóng và rộng lớn”, lãnh đạo Báo Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ.

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục