,

Thời sự

Tuyên Quang phấn đấu GRDP năm 2024 tăng 9%

(ĐCSVN) - Xác định năm 2024 sẽ là năm tăng tốc bứt phá để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Tuyên Quang đang đặt ra mục tiêu trong năm 2024, GRDP của địa phương sẽ tăng 9% so với năm 2023.

Dây chuyền sản xuất của Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang  

Trong năm 2023, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã khắc phục khó khăn, quyết liệt thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trong năm 2023, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó tập trung ưu tiên nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Dự báo được những khó khăn thách thức từ trước nên địa phương đã chủ động thích ứng, kiểm soát rủi ro, ứng phó kịp thời với các biến động của thị trường. Bên cạnh đó, Tuyên Quang cũng thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển đô thị, phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Nhờ đó, kinh tế của tỉnh duy trì ổn định và phát triển, một số ngành, lĩnh vực quan trọng tiếp tục tăng trưởng. Tỉnh có 18/20 chỉ tiêu khả năng hoàn thành và vượt kế hoạch, trong đó: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,46% so với năm 2022 (xếp thứ 02/14 tỉnh Trung du và miền núi Bắc Bộ, 01/11 tỉnh miền núi phía Bắc, xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố); GRDP bình quân đầu người đạt trên 56 triệu đồng/người/năm. Trong năm 2023, Tuyên Quang tiếp tục tập trung phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức làm việc với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, khó khăn, vướng mắc, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng trên 15,7% so với cùng kỳ.

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 4,6% so với năm 2022; sản lượng lương thực đạt trên 34 vạn tấn. Thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 191 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Về du lịch, Tuyên Quang đã thu hút 2,6 triệu lượt khách du lịch, đạt 106% kế hoạch, tổng thu từ khách du lịch 3.200 tỷ đồng.

Một góc thành phố Tuyên Quang nhìn từ trên cao. Ảnh: TTXVN  

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, công tác cải cách hành chính cũng được tỉnh xác định là một trong những nội dung quan trọng góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu. Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa truyền thống của các dân tộc; chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hiệu quả phòng chống dịch. Thực hiện đầy đủ kịp thời các chính sách an sinh xã hội và các chế độ chính sách đối với người có công; nâng cao chất lượng giáo dục, hiệu quả đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Trong năm 2023, Tuyên Quang đã giải quyết việc làm cho trên 22.600 lao động; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 3,81%... Đặc biệt, về thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đã đạt trên 3.280 tỷ đồng, đạt 102% dự toán.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm qua, địa phương cũng còn một số hạn chế như: Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân và tiêu thụ một số nông sản còn gặp nhiều khó khăn; Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp chế tạo, công nghiệp phụ trợ... còn thấp; Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa chưa có sự bứt phá, giá trị gia tăng chưa cao; Việc duy trì, củng cố, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới tại các xã đã đạt chuẩn còn hạn chế; Chuyển đổi số chưa tạo được chuyển biến mạnh mẽ; Chất lượng sản phẩm du lịch còn thấp, chưa có được nhiều sản phẩm đặc trưng, có sức hấp dẫn…

Với những thế mạnh của địa phương, từ kết quả đạt được trong thời gian qua, cũng như xác định rõ những hạn chế còn tồn tại, trong năm 2024, Tuyên Quang đã xây dựng mục tiêu, kế hoạch cụ thể. Trong đó, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản; Tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị động lực, công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại; Khai thác tiềm năng nguồn lực, tập trung phát triển mạnh du lịch và các ngành dịch vụ; Tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao. Phát triển kinh tế đồng bộ với phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Trong đó, tỉnh xác định rõ, năm 2024 sẽ là năm tăng tốc bứt phá để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Mục tiêu năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP (theo giá so sánh 2010) tăng 9% so với năm 2023.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự đồng thuận của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh, hi vọng sẽ tạo thành sức mạnh tổng hợp, đồng tâm, nhất trí để Tuyên Quang vượt qua khó khăn trở ngại, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh năm 2024./.

Nguồn: dangcongsan.vn/

Tin cùng chuyên mục