,

Trong ngành

Nâng cao năng lực, kỹ năng phòng chống thiên tai

Những người dân đang sinh sống tại vùng thường xuyên xảy ra thiên tai cần thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin cảnh báo về thiên tai, đồng thời, nâng cao năng lực của bản thân về kỹ năng phòng chống thiên tai; tích lũy, dự trữ những nhu yếu phẩm cần thiết để khi xảy ra thiên tai sẽ có sẵn, chủ động sử dụng…

Đó là những thông điệp, khuyến cáo của ông Phạm Đức Luận – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhân ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10).

 Ông Phạm Đức Luận - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai)

Phóng viên (PV): Ông có nhận định như thế nào về diễn biến thiên tai năm nay và các tháng cuối năm?

Ông Phạm Đức Luận: Từ đầu năm đến nay, thiên tai xảy ra trên các vùng miền cả nước, từ mưa lũ cực đoan ở miền Bắc cuối tháng 3, đầu tháng 4 gây ngập lụt nặng nề, cho đến mưa lũ miền Trung hoặc là triều cường và sạt lở bờ biển ở miền Tây Cà Mau. Từ đầu năm đến nay, ảnh hưởng của thiên tai làm 139 người chết, mất tích và thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng. Đây là những thống kê sơ bộ, còn có những thiệt hại không thể đánh giá được bằng con số.

Trong thời gian tới, theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia có 4-6 cơn bão ảnh hưởng tới nước ta, trong đó có 1-3 cơn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và tình hình mưa lũ ở miền Trung hết sức căng thẳng. Tổng lượng mưa cao hơn trung bình từ 20-60% và xác suất dự báo rất cao từ 70-90% và những ngày tới đây thôi sẽ xảy ra đợt mưa rất lớn do ảnh hưởng của vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác ứng phó thiên tai và đặc biệt là trong năm nay, nhất là cơn bão số 4 vừa qua? Những vấn đề đã làm tốt và chưa tốt?

Ông Phạm Đức Luận: Nhìn chung công tác ứng phó với thiên tai đã có những chuyển biến rất lớn, từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa và phòng ngừa từ xa. Ví dụ, cơn bão số 4 khi còn cách xa Biển Đông, cơ quan cảnh báo cũng như cơ quan điều hành đã có văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai công tác ứng phó và khi có tình huống thiên tai thì cả hệ thống chính trị vào cuộc từ Trung ương đến cơ sở, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, rồi các địa phương, Bí thư, Chủ tịch, rồi các cơ quan, đoàn thể hết sức quyết liệt. Mặc dù bão ở trên biển rất mạnh nhưng công tác kêu gọi tàu thuyền đã giúp không gây ra thiệt hại trên biển. Hoặc là khi bão đổ bộ vào đất liền, mạnh nhưng không gây thiệt hại về người.

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn có những vấn đề như lơ là, chủ quan. Ví dụ như mưa lũ sau bão, đã có những trường hợp xảy ra rất đáng tiếc. Điều này có thể kể đến như việc bà con đi qua ngầm tràn, nước chảy xiết hoặc là câu cá, vớt củi,… để xảy ra những thiệt hại không đáng có. Hoặc là những việc như khuyến cáo chằng chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ nhưng một số bà con đến sát giờ mới chằng chống thì rất dễ xảy ra những tai nạn. Do đó, bây giờ chúng ta phải chủ động hơn nữa trong những việc này để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Người dân cần nâng cao năng lực, kỹ năng phòng chống thiên tai (Ảnh minh họa: B.T)

PV: Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai năm nay, Tổng cục phòng chống thiên tai đã có những hành động gì? Các thông điệp cũng như khuyến cáo đến người dân, đặc biệt là người dân vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, thưa ông?

Ông Phạm Đức Luận: Nhân ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chúng tôi tổ chức rất nhiều hoạt động. Cụ thể như Gala tại một số trường đại học mà có những sinh viên sau này ra trường làm công tác phòng, chống thiên tai, để những sinh viên đó nhận thức sớm về nghề nghiệp sau này, có những trải nghiệm, có những hình thức phối hợp trao đổi với nhau những kiến thức về phòng chống thiên tai. Từ đó, giúp các sinh viên có những kiến thức ban đầu về phòng chống thiên tai. Ngoài ra, chúng tôi còn rất nhiều hoạt động khác. Qua đó, chúng tôi mong muốn làm sao nâng cao nhận thức của cộng đồng, của xã hội đối với công tác phòng chống thiên tai, đồng thời để ngày phòng chống thiên tai lan tỏa, từ đó, giảm thiệt hại do thiên tai.

Tôi cũng gửi gắm thông điệp đến bà con, những người dân đang sinh sống tại vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, đó là bà con phải thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin cảnh báo về thiên tai phát trên hệ thống thông tin cơ sở, qua mạng xã hội, hoặc qua tin nhắn zalo,… để biết tình hình thiên tai xảy ra như thế nào để kịp thời phòng tránh. Bà con cần tích lũy, dự trữ những nhu yếu phẩm cần thiết để khi xảy ra thiên tai sẽ có sẵn, chủ động sử dụng, không phải chờ đợi.

Bà con không nên chủ quan, lơ là, không đi qua những ngầm tràn, nước sâu, chảy xiết hoặc khi mưa gió, không đi chặt cây,… Đặc biệt, cần chấp hành nghiêm sự hướng dẫn, chỉ đạo của chính quyền cũng như cơ quan chuyên môn khi ứng phó với thiên tai. Ví dụ như việc phải sơ tán đến nơi an toàn để bảo đảm tính mạng.

Bên cạnh đó, bà con cũng phải nâng cao năng lực của bản thân về nhận thức, kỹ năng phòng chống thiên tai. Cụ thể như sinh sống ở vùng thường xảy ra loại hình thiên tai nào thì bà con phải hiểu được và có kỹ năng phòng tránh thiên tai đó. Ví dụ ở vùng xảy ra ngập lụt thì phải trang bị tàu thuyền hoặc tập bơi,… Đây là những kỹ năng cần thiết để ứng phó với thiên tai.

PV: Xin cảm ơn ông!

Cổng thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục