,

Trong ngành

Phát triển nông nghiệp đa giá trị

Không khí Xuân đang len lỏi khắp các bản làng, đến từng căn nhà mang theo hy vọng về một năm mới với những điều tốt đẹp. Năm 2023 là năm đánh dấu sự phát triển về kinh tế của huyện Na Hang nhất là nông nghiệp đa giá trị, từ đó đã tạo ra các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giúp nâng cao đời sống người dân.

Lợi thế phát triển nông nghiệp 

Năm 2023, sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá là sản phẩm duy nhất của tỉnh được đề nghị đánh giá nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao lọt vào top những sản phẩm “Chất lượng vàng nông nghiệp Việt Nam”. Điều này cũng khẳng định được vị thế nông nghiệp tốt của huyện Na Hang.

Xã Hồng Thái có hơn 20 ha chè Shan tuyết được công nhận đạt chuẩn hữu cơ, đây là vùng chè hữu cơ lớn nhất của tỉnh. 

Lãnh đạo huyện Na Hang tham quan mô hình phát triển kinh tế của người dân xã Khâu Tinh.

Hiện nay, tổng diện tích vùng nguyên liệu chè Shan tuyết trên địa bàn xã tăng lên trên 64 ha, trong đó có 29 ha chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. 

Hiện huyện Na Hang có nhiều sản phẩm được cấp nhãn hiệu hàng hóa, sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và 28 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, tiêu biểu như: rượu ngô men lá Na Hang, rau an toàn Hồng Thái, Khâu Tinh, cá hồ thủy điện Na Hang, chè Shan tuyết Hồng Thái, Sinh Long… Các sản phẩm nông nghiệp đều đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Năm 2023 cũng là năm mà ngành nông nghiệp huyện Na Hang đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Trong năm, tổng sản lượng lương thực đạt hơn 10.183 tấn, tăng 0,4% so với cùng kỳ; tổng diện tích cây ăn quả trên 366,2 ha, tăng 6,2% so với cùng kỳ.

Chăn nuôi thủy sản mang lại thu nhập khá cho người dân. Đến nay, toàn huyện có trên 8.371 hộ chăn nuôi, số hộ chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ngày càng tăng lên; tổng đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển ổn định với trên 14.300 con trâu, bò.

Phát triển du lịch nông nghiệp

Với những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, những năm gần đây Na Hang kết hợp du lịch với nông nghiệp, từ mối liên kết này đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Đến Na Hang du khách có thể trải nghiệm làm bún khô của người dân tộc Tày tại xã Đà Vị.

Du khách đến Na Hang ngày càng đông, các sản phẩm nông nghiệp bán được nhiều hơn, thu nhập của người nông dân được nâng lên. Chị Nguyễn Lan Phương du khách đến từ Hà Nội chia sẻ, đi du lịch tại Na Hang, gia đình chị được tham gia trải nghiệm hái chè Shan cổ thụ, bắt cá chép ruộng tại thửa ruộng bậc thang, tham quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Khâu Tràng; ngắm núi đồi hùng vĩ, điệp trùng và trải nghiệm cảnh đẹp hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, đây thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời.

Mục tiêu của huyện trong những năm tới không chỉ nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp mà nông nghiệp phải song hành, tương hỗ cùng ngành khác phát triển, đặc biệt là du lịch. Để thu hút du lịch nông nghiệp, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó gắn phát triển du lịch với phát triển kinh tế nông nghiệp. 

Du lịch nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế bền vững cho người dân huyện Na Hang. Không chỉ mang lại giá trị về kinh tế, nền nông nghiệp đa giá trị giúp người dân bảo vệ môi trường mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

Nguồn: Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục