,

Phát triển nông thôn

Người góp phần nâng tầm thương hiệu chè xứ Tuyên

Hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè, anh Nguyễn Công Sử, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử An h đã thành công trong việc nâng cao giá trị sản phẩm chè địa phương, đồng thời tạo việc làm, ổn định đời sống cho nhiều xã viên và người dân trồng chè trong vùng.

Anh Nguyễn Công Sử, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh

Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với cây chè, anh Sử cho biết, bố mẹ anh đều là công nhân làm việc nhiều năm tại Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm. Sinh ra và lớn lên giữa vùng chè bạt ngàn, anh đã chứng kiến cây chè giúp đổi thay cuộc sống của nhiều gia đình, bộ mặt nông thôn khởi sắc…Từ đó, trong anh nung nấu quyết tâm phải làm điều gì đó để thúc đẩy cây chè Tuyên Quang phát triển mạnh hơn nữa.

Anh Sử chính thức khởi nghiệp từ năm 2002 với một cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình, tuy nhiên phải đến năm 2011 anh mới bắt tay vào trồng chè đặc sản theo hướng an toàn. Xác định mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh và mở rộng thị trường, anh đã mạnh dạn đầu tư vào công nghệ, máy móc, thiết bị, cơ sở vật chất, để đa dạng sản phẩm, thiết kế bao bì mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, song song với việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu.

Để phù hợp quy mô phát triển, năm 2017, anh Nguyễn Công Sử thành lập HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh, với mục tiêu xây dựng thương hiệu, phát triển sản xuất các sản phẩm chè đặc sản, đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu để phát triển bền vững. HTX đẩy mạnh tổ chức sản xuất theo hướng tăng cường liên kết theo quy trình từ khâu hướng dẫn chăm sóc, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo quy định, đến bao tiêu nguyên liệu… của các hộ trồng chè trong vùng. Toàn bộ diện tích chè được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP. Từ 15 ha chè ban đầu, đến nay, diện tích chè của HTX đã tăng lên 60 ha; cho sản lượng khoảng 20 tấn chè khô/năm; tạo việc làm cho khoảng 50 lao động, với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

Anh Nguyễn Công Sử (bên trái) thăm đồi chè gần nhà

Xác định mở rộng thị trường là yếu tố quan trọng trong hướng đi của HTX, anh Sử đã tích cực đưa các sản phẩm của mình đến trưng bày, giới thiệu tại các hội chợ, diễn đàn về kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP trên toàn quốc, đồng thời ký kết hợp đồng tiêu thụ với một số nhà phân phối, siêu thị tại thị trường Hà Nội. Đây không chỉ là nền tảng quan trọng để sản phẩm của HTX khẳng định giá trị trên thị trường, mà còn là cơ hội để những sản phẩm này bước ra thị trường quốc tế.

Hiện nay, các sản phẩm chè của HTX đã xây dựng và đăng ký nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc với Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Theo đó, toàn bộ sản phẩm được sử dụng tem điện tử mã QR để truy xuất nguồn gốc.

Năm 2022 hợp tác xã đã có 7 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP từ hạng 3 sao đến 4 sao. Các sản phẩm đã được bán, phân phối ra thị trường các tỉnh như: Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Bà Rịa - Vũng Tàu và một số tỉnh khác...

Sản phẩm Trà Ngọc Thuý cấp đông của HTX Sử Anh.

Ngoài những sản phẩm chè OCOP được phân hạng, anh Sử còn được biết đến với sản phẩm “Trà Ngọc Thúy cấp đông”  khá độc đáo. Trà được thu hái thời gian từ 6h đến 9h sáng và chiều 15h30 đến 18h30 (đây là thời gian cho chất lượng chè cao nhất trong ngày) theo quy trình thủ công truyền thống, tiêu chuẩn một tôm hai lá và được bổ sung dưỡng chất trong quá trình chăm sóc. Trong quá trình chế biến, trà được cấp đông sâu để giữ được nguyên bản và hương vị của chè tươi, sau đó hút chân không hoặc đóng túi kín. Nhờ vậy, thời gian bảo quản có thể lên tới 3 năm. Anh Sử cho biết thêm, trong quá trình phát triển sản phẩm, nhận thấy chè cấp đông là mặt hàng còn rất ít người làm nên đầu tư cho dòng sản phẩm này sẽ tạo ra sự hấp dẫn, mới lạ, kích thích sự tò mò đối với người tiêu dùng. 

Năm 2023, sản phẩm “Trà Ngọc Thuý cấp đông” được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam Quyết định công bố trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam.

Từ những nỗ lực và đóng góp của mình, năm 2021, anh Nguyễn Công Sử đã nhận Bằng khen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thành tích thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia, tích cực tham gia phát triển sản phẩm OCOP; được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh danh hiệu “Nhà khoa học của nhà Nông” năm 2022. Năm 2021, 2023, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Năm 2021, đạt Giải Nhì Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang. Vừa qua, anh cũng vinh dự là 1 trong 10 cá nhân được tặng danh hiệu “Công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang” năm 2023.

Cổng TTĐT tỉnh

Tin cùng chuyên mục