,

Trồng trọt-BVTV

Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa xuân

Để thực hiện và hoàn thành được mục tiêu sản lượng vụ xuân, bên cạnh việc tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các khâu kỹ thuật như thời vụ gieo cấy, cơ cấu giống, điều tiết nước, kỹ thuật chăm sóc, thì việc phát hiện và phòng trừ kịp thời, hiệu quả sâu bệnh hại đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ và thực hiện thành công chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất.

Thời điểm sau cấy, lúa xuân dễ nhiễm một số bệnh như bọ trĩ, ruồi hại nõn, bệnh nghẹt rễ và chuột, ốc bươu vàng. Trong đó, chuột hại và ốc bươu vàng là đối tượng chính gây hại cho lúa xuân mới cấy. Nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời có thể gây thiệt hại lớn đối với sản xuất lúa xuân - vụ sản xuất chính, có ý nghĩa quyết định đến mục tiêu sản lượng của cả năm.


Nhiều cánh đồng ở xã Trung Môn (Yên Sơn) quây ni lông quanh ruộng để ngăn chặn chuột cắn hại lúa mới cấy.

Qua thống kê, diện tích lúa bị ốc bươu vàng gây hại là trên 20 ha, trong đó trên diện tích trà chính vụ là trên 5 ha, diện tích gây hại trên trà muộn là 15 ha, chủ yếu ở các địa phương Sơn Dương, Hàm Yên và TP Tuyên Quang.

Xã Nhân Mục (Hàm Yên) vụ xuân này cấy trên 150 ha lúa. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Huấn, nhiều diện tích lúa của bà con qua kiểm tra đang bị ốc bươu vàng hại, nhưng diện tích không nhiều. Rút kinh nghiệm từ các vụ sản xuất trước, ngay từ khi làm đất, chính quyền xã đã khuyến cáo, hướng dẫn bà con phun thuốc diệt ốc. Sau khi cấy xong, những diện tích xuất hiện ốc bươu vàng cũng được bà con chủ động phun thuốc phòng trừ. Nhờ thế, diện tích bị hại chỉ rải rác, không xuất hiện ổ lớn.

Bà Hoàng Thị Sáu, thôn Đồng Moóng cho biết, qua thăm đồng phát hiện diện tích 4 sào lúa của gia đình đang bị ốc bươu vàng gây hại nhẹ. Ngoài các biện pháp do cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn, như phun thuốc diệt ốc, gia đình bà huy động nhân lực, áp dụng biện pháp bắt thủ công để làm thức ăn cho đàn gia cầm.


Nông dân thôn Cây Khế, xã Đội Cấn (TP Tuyên Quang) làm cỏ, dặm lúa và bắt ốc bươu vàng.

Không chỉ ốc bươu vàng, đây cũng là thời điểm chuột cắn hại lúa mới cấy.

Gia đình anh Hoàng Văn Quý, thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) mấy ngày nay thường xuyên huy động người trong gia đình thăm ruộng. Từ năm 2023, chuột hại lúa ở khu vực này xuất hiện nhiều hơn so với những vụ sản xuất trước, khiến gia đình anh cũng như các hộ gia đình xung quanh thường xuyên thăm đồng, kiểm tra lại diện tích vừa cấy. Để phòng trừ chuột cắn hại lúa xuân, ngay từ khi bắt đầu vụ cấy, anh Quý cũng như bà con nông dân ở Bảo Ninh đã phát dọn quang bờ bụi để hạn chế chuột làm hang, ổ. Đồng thời, sử dụng các bẫy sinh học (bẫy thóc) để bẫy chuột, quây bờ ni - lông hạn chế chuột vào ruộng... Theo anh Quý, nguyên nhân khiến chuột gia tăng có thể do thời tiết, thức ăn đa dạng, việc đưa xuống ruộng nhiều giống lúa, trong đó có giống lúa chất lượng cao như các giống gạo thơm cũng thu hút chuột hơn.


Chị Lê Thị Vui, thôn Đồng Mon, xã An Khang (TP Tuyên Quang) phun thuốc diệt trừ ốc bươu vàng hại lúa xuân.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ngoài ốc bươu vàng, chuột hại lúa xuân, thời điểm này nhiệt độ thay đổi đột ngột có thể khiến lúa xuân mắc một số bệnh như nghẹt rễ, bọ trĩ. Đơn vị này khuyến cáo bà con thường xuyên thăm đồng, áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp như canh tác, làm sạch cỏ dại quanh ruộng, sục bùn, tưới nước hợp lý, bón phân đầy đủ, đúng lúc và phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ bệnh đúng thời điểm, đúng liều lượng, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho cây lúa sinh trưởng và phát triển.        

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục