,

Lâm nghiệp

Làm giàu từ kinh tế rừng

Với nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự nhạy bén của người dân, nguồn lợi từ phát triển rừng sản xuất đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có kinh tế khá giả.

Thay đổi nhận thức

Toàn tỉnh hiện có hơn 448,681 ha đất lâm nghiệp, trong đó có hơn 46.934 ha rừng đặc dụng, hơn 121.629 ha rừng phòng hộ, hơn 280.117 ha rừng sản xuất. Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân phát triển rừng. Tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020, bổ sung quy hoạch đến năm 2025; hoàn thành quy hoạch phân 3 loại rừng.

Tỉnh thực hiện nhiều chính sách phát triển rừng như hỗ trợ cây giống chất lượng cao là giống keo lai nuôi cấy mô và giống keo tai tượng hạt nhập từ Australia cho người trồng rừng; ban hành chính sách trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy, theo đó hộ gia đình nghèo chưa tự túc được lương thực khi trồng rừng thay thế nương rẫy và hộ dân tộc thiểu số có diện tích chuyển đổi nương rẫy sang trồng rừng tối thiểu từ 0,5 ha tập trung trở lên được hỗ trợ bằng tiền mặt tương đương 15 kg gạo/nhân khẩu/tháng. Thời gian hỗ trợ bắt đầu từ thực hiện trồng rừng, tối đa không quá 7 năm.

Đồi keo của gia đình ông Phan Văn Minh, thôn Trung Sơn, xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa).

Từ những chính sách của tỉnh, người dân  tích cực trồng rừng sản xuất, coi rừng là tài sản quý giá của mình. Nhiều thôn bản, xã, người dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số đã thay đổi hẳn nhận thức, tư duy phát triển kinh tế rừng.

Xã Kiến Thiết (Yên Sơn) là một trong những xã vùng đặc biệt khó khăn, dân cư chủ yếu người Mông, Dao, Tày với tập quán làm rẫy nhưng từ khi tỉnh, huyện, xã vận động trồng rừng sản xuất và triển khai hỗ trợ chính sách của tỉnh, người dân đã thay đổi nhận thức về kinh tế rừng. Người dân đã biến những nương ngô, nương sắn, nương lúa thành những cánh rừng xanh tốt.

Ông Lê Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Thiết cho biết, xã có 8.100 ha đất rừng. Có những thời điểm Kiến Thiết chỉ toàn đồi núi trọc vì tập quán canh tác của đồng bào người Mông, Nùng, Tày… phát nương làm rẫy, cộng thêm xã có độ dốc lớn nên thời điểm đó người dân phải đối diện với thiên tai do lũ ống, lũ quét gây ra.

Thực hiện Quyết định số 65/QĐ-UBND, ngày 17-3-2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp thuộc Chương trình 327 và Dự án 661 đã quy hoạch lại rừng sản xuất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, UBND xã phối hợp với lực lượng kiểm lâm vận động người dân trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc. Sau hơn 10 năm, xã đã trồng 7.300 ha rừng sản xuất, bảo vệ trên 1.000 ha rừng phòng hộ, đến nay toàn xã không còn thôn nào để đất trống, đồi trọc. Kinh tế rừng trồng đem lại cho người dân trên địa bàn xã khoảng 10 tỷ đồng/năm.

Vườn keo 6 năm tuổi của gia đình ông Vương Văn Lẹm, người Nùng thôn Nà Vơ, xã Kiến Thiết (Yên Sơn).

Ông Vương Văn Lẹm, người Nùng thôn Nà Vơ khoe: "2 ha nương ngô ngày trước giờ trồng keo đã 5 năm tuổi, đã có thương lái trả hơn 200 triệu đồng, nhưng tôi để một vài năm nữa cho được gỗ, được tiền. Cả Nà Vơ trồng rừng, cứ cánh rừng này nối cánh rừng kia, đám này khai thác, đám kia được trồng mới. Không có đất trống như trước nữa.

Thôn Nà Vơ có 91 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông, Nùng, Tày". Ông Hồ Văn Huyến, Bí thư Chi bộ Nà Vơ cho biết: Cả thôn có trên 300 ha rừng sản xuất, bình quân mỗi hộ có gần 4 ha, rừng không chỉ che chở cho người dân khỏi mưa lũ mà còn tạo sinh kế trong những năm qua. Thu nhập từ bán gỗ đã cho nhiều hộ dân có của ăn của để, nuôi con cái học hành. Nà Vơ giờ không có hộ nào thiếu đói.

Giàu lên nhờ rừng

Xã Tân Mỹ (Chiêm Hóa) có trên 3.000 ha rừng sản xuất, trong đó 1.800 ha được cấp chứng chỉ FSC. Từ nguồn gỗ rừng trồng, xã đã phát triển 4 xưởng chế biến gỗ dăm, ván bóc, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương... Hàng năm, doanh thu từ rừng của xã đạt trên 20 tỷ đồng. Phát triển rừng đang là hướng đi có hiệu quả khai thác tiềm năng, thế mạnh của xã cũng như là cơ hội để người trồng rừng thực sự giàu lên từ rừng.  

Gia đình chị Giàng Thị Doa, thôn Khuôn Thẳm trồng 27 ha keo, bồ đề. Chị Doa chia sẻ:  Rừng là nguồn sống của gia đình chị, cách 1 đến 2 năm lại được khai thác một đồi. Đồi ít cũng được vài chục triệu, nhiều thì tiền trăm. Nhà tôi có 4 người, quanh năm chỉ trồng và làm cỏ cây mà không hết việc. Mùa trồng cây gia đình phải thuê hơn chục người làm.

Ngôi nhà của gia đình anh Hoàng Văn Sành, dân tộc Mông, thôn Khum Kẹn, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) xây dựng từ kinh tế rừng.

Từ việc trồng cây, gia đình chị đã có cuộc sống no ấm. Không chỉ gia đình chị Doa, ở Khuôn Thẳm còn rất nhiều hộ trồng rừng giỏi, như gia đình ông Tráng Xào Dùng có trên 33 ha, ông Sùng Thèn Giáo trên 20 ha, ông Lý Tiến Bần 17 ha, chị Ma Thị Hoài 15 ha... Chị Ma Thị Hoài cho biết, gia đình chị trồng gối rừng, bởi vậy, cách 1 đến 2 năm, chị lại được khai thác gỗ. Từ tiền bán gỗ cộng các nguồn thu khác, bình quân, gia đình chị có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.

 Thôn Trung Thành 1, xã Thành Long (Hàm Yên) có 116 nóc nhà của dân tộc Cao Lan. Từ một thôn đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, đến nay Trung Thành 1 đã trở thành thôn đi đầu trong phát triển kinh tế của xã. Dọc theo con đường dẫn vào thôn là những ngôi nhà cao tầng khang trang.

Ông Hà Minh Tấn, Trưởng thôn Trung Thành 1 cho hay: Những năm trước cuộc sống của người dân rất khó khăn, đất ruộng cấy lúa ít, chủ yếu là đồi núi bao quanh, vì vậy những năm đó tỷ lệ hộ nghèo đói của thôn cao. Từ năm 2011 khi thực hiện trồng rừng theo Chương trình 147 của Chính phủ thì phong trào trồng rừng ở Trung Thành 1 phát triển mạnh mẽ. Đến nay, thôn có trên 500 ha rừng sản xuất, kinh tế rừng đem lại cho thôn từ 5-7 tỷ đồng/năm.

Với những chính sách tốt, hỗ trợ người dân kịp thời và lợi ích của kinh tế rừng đem lại đã và đang thay đổi cuộc sống người dân trong tỉnh.

Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục