,

Trong ngành

Kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm và đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi

Ngày 10/1, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức họp về một số nội dung liên quan đến nhập lậu gia súc, gia cầm. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp.


Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết: Năm 2023, sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38% so với năm 2022; trong đó thịt lợn hơi 4,87 triệu tấn, tăng 7,2%; thịt gia cầm hơi đạt 2,31 triệu tấn, tăng 6,0%. Sản lượng sữa tươi  1,17 triệu tấn, tăng 3,6%; trứng 19,2 tỷ quả, tăng 5,2%. Việc kiểm soát, ngăn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm là nhiệm vụ quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi, đến vấn đề an toàn dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Ông Đào Văn Thanh, Phó chánh Thanh tra Bộ cho biết: Bộ đã tham mưu Thủ tướng 02 công điện và ra 18 văn bản chỉ đạo địa phương, ban ngành liên quan để có biện pháp xử lý, ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm.

Ngày 6/12/2023, Thủ tướng đã ký ban hành Chỉ thị số 29 về việc ngăn chặn nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát tốt dịch bệnh, phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm.

Để triển khai Chỉ thị 29, Thanh tra Bộ đề xuất Bộ theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về thú y tăng cường công tác kiểm dịch nhập khẩu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa và nhập khẩu; phối hợp với các địa phương và Bộ, ngành liên quan kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật và sản phẩm động vật qua biên giới; tập trung chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y nhấn mạnh: Cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các cơ quan truyền thông để ngăn chặn tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cần thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Tới thời điểm này đã có đủ Chiến lược, chương trình, kế hoạch quốc gia để thúc đẩy phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Trong những năm qua, Cục đã tham mưu Bộ đầy đủ các văn bản của Bộ, ký thỏa thuận với Tổ chức Thú y Thế giới OIE xây dựng vùng An toàn dịch bệnh (ATDB), ký các nghị định thư về tổ yến, lở mồm long móng…

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y 

Về vấn đề an toàn dịch bệnh, Ông Nguyễn Văn Long cho biết: Cả nước có 4.000 cơ sở, vùng ATDB. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có vùng ATDB theo quy định của. Do vậy, cần đẩy mạnh xây dựng vùng ATDB theo tiêu chuẩn của OIE, vận động người chăn nuôi tham gia vào việc xây dựng vùng ATDB. Đây là điều kiện tiên quyết để có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định: Tình trạng nhập lậu là vấn đề lớn, tạo nguy cơ cao đối với ngành chăn nuôi. Thịt và các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam không theo con đường chính ngạch mang lại rủi ro dịch bệnh và hậu quả từ việc các sản phẩm chăn nuôi này có thể bị sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nếu không kiểm soát được tình trạng này, ngành chăn nuôi không thể phát triển được. Cần có chính sách đặc thù để tăng tính tự vệ cho ngành chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Tình hình nhập lậu gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Trong những năm qua, ngành chăn nuôi có đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp nhưng xuất khẩu lại rất chậm. Thứ trưởng đề nghị Cục Chăn nuôi cần tập trung triển khai 5 đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 gồm phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.

 

 

HNN (mard.gov.vn)

Tin cùng chuyên mục