,

Trong ngành

Nền nông nghiệp mở, đào tạo nhân lực cũng phải mở

Vai trò của đào tạo nhân lực, cải cách hệ thống khuyến nông nhằm đưa các thông tin khoa học công nghệ, quản trị kinh doanh tốt nhất đến bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp rất quan trọng.

Nền nông nghiệp mở cần mở cửa đào tạo nguồn nhân lực. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp chúng tôi xác định rõ hai nhóm đối tượng hướng tới. Thứ nhất là nhóm các nhà nghiên cứu, giảng dạy cao cấp trong ngành nông nghiệp. Thứ hai là nhóm những đối tượng trực tiếp sản xuất kinh doanh như hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ.

Chúng ta thấy rằng, nông nghiệp Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đòi hỏi kiến thức, kỹ năng nông nghiệp và rất nhiều vấn đề mới liên quan đến nguồn nhân lực.

Chính vì vậy vai trò của đào tạo nhân lực, cải cách hệ thống khuyến nông nhằm đưa các thông tin khoa học công nghệ, quản trị kinh doanh tốt nhất đến bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp rất quan trọng.

Đối với nhóm đối tượng thứ nhất, nhóm nghiên cứu, giảng dạy cao cấp cần thúc đẩy vai trò của trí thức ở các trường, các viện nghiên cứu liên quan đến ngành nông nghiệp. Thực tiễn đặt ra những thách thức về chảy máu chất xám diễn ra khá nhiều ở các viện nghiên cứu, các trường đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị để đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nội dung chuyển đổi của ngành nông nghiệp.

Đồng ý là còn nhiều khó khăn về nguồn lực nhưng cần phải có chiến lược rõ ràng về vấn đề này. Một số giải pháp theo tôi là tích cực mở rộng quan hệ quốc tế để hội nhập. Cập nhật, tiếp nhận kiến thức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và các vấn đề môi trường...

Có thể nói rằng nền nông nghiệp chúng ta hiện nay là một nền nông nghiệp mở nên để phát triển bền vững cần phải xác định ngay trong công tác đào tạo cũng phải mở cửa. Thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm hội nhập nắm bắt ngay được tiến bộ kỹ thuật, đổi mới sáng tạo mới nhất của quốc tế chính là giải pháp. Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở việt nam đến năm 2030 đã có những nội hàm này.

Thứ hai là giải pháp nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao đối với nhóm những đối tượng trực tiếp sản xuất kinh doanh như hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ. Vấn đề đặt ra là các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ phải làm thế nào để chuyển giao được đến với những đối tượng rất cần sự hỗ trợ của hệ thống nghiên cứu, giảng dạy của Nhà nước này.

Tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam và các đơn vị trực thuộc, chúng tôi đang rất tích cực cải tổ hệ thống nghiên cứu, chuyển giao bằng việc thành lập các cơ quan dịch vụ nghiên cứu, tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo chuỗi giá trị. Đây là sự khác biệt, thay vì riêng rẽ theo từng khâu như trước đây. Chúng tôi nghiên cứu các mô hình nông nghiệp kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp tích hợp đa giá trị. Các bộ phận nghiên cứu của VAAS sẵn sàng hợp tác với các địa phương, các trung tâm khuyến nông để chuyển giao các mô hình đồng bộ đến người nông dân, trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Nguồn nhân lực chất lượng cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với chiến lược phát triển nông nghiệp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ví dụ hiện nay VAAS đang phối hợp cùng với Đại sứ quán Úc triển khai mô hình Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo ngành rau, hoa quả. Đây là ngành hàng đang rất tiềm năng, tăng trưởng cả trong sản xuất và xuất khẩu rất cao thời gian gần đây. Cùng với đó nhu cầu của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp về đổi mới công nghệ rất lớn. Một trong những chương trình hành động của Câu lạc bộ  đổi mới sáng tạo ra là xây dựng danh sách các chuyên gia trong các khâu trong chuỗi giá trị rau, hoa quả.

Thông qua hình thức trực tuyến, thông qua mạng xã hội các chuyên gia này có thể giải đáp tất cả các vấn đề khi người nông dân, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp có nhu cầu. Song song với đó chúng tôi cũng chuyển giao các mô hình đồng bộ từ giống, kỹ thuật canh tác đến khâu marketing kết hợp với du lịch để các mô hình đạt hiệu quả, phát triển bền vững, tích hợp đa giá trị.

Đó là sự kết hợp giữa những người sở hữu kiến thức nông nghiệp với những đối tượng cần sự hỗ trợ và chúng tôi mong đợi trong giai đoạn tới khi ngành NN-PTNT tập trung tăng cường cải thiện năng lực của các Hợp tác xã thì mô hình Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ còn hiệu quả hơn.

Hiện nay chúng ta đang có khoảng 10 triệu hộ nông dân, thông qua mô hình Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo chúng tôi sẽ kết nối với các trung tâm chuyển giao đa chức năng, kết hợp với lãnh đạo các Hợp tác xã nông nghiệp để chuyển giao. Ở trong Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo đó chúng tôi xác định nguồn công nghệ không chỉ kết quả của các Viện nghiên cứu mà sẽ là tập hợp các công nghệ, kinh nghiệm quản lý tốt nhất ở trong nước, quốc tế và cả khu vực tư nhân để tổng kết, chia sẻ lại với cộng đồng.

 

Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS)

Nguồn: Báo nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục