,

Trong ngành

Ngành chăn nuôi dịch chuyển [Bài 3]: Doanh nghiệp về nhiều nhưng đóng góp còn khiêm tốn

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã đầu tư vào Tuyên Quang, nhưng đến nay vị thế, đóng góp từ lĩnh vực chăn nuôi cho ngân sách địa phương vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Cải cách hành chính, thu hút đầu tư giúp Tuyên Quang đón thành công nhiều "đại bàng" đến đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô công nghiệp. Ảnh: Đào Thanh.

Nhiều "đại bàng" chọn Tuyên Quang làm bến đỗ

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Tuyên Quang xác định sẽ mở rộng môi trường đầu tư thông qua cải cách hành chính, nhất là cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân. Nhờ đó, tỉnh thu hút được một số doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi.

Đến nay, Tuyên Quang có 3 công ty bò sữa, 13 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn. Trong đó, các trang trại bò tập trung chủ yếu ở huyện Yên Sơn và lợn tập trung tại huyện Sơn Dương. Cụ thể, tỉnh Tuyên Quang đã thu hút được hai tập đoàn lớn là Dabaco và Mavin đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn tại huyện Sơn Dương.

Đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động từ tháng 11/2017, trang trại bò sữa của Công ty Cổ phần Hồ Toản, thôn 14, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn ban đầu chỉ nuôi 514 con bò sữa nhập khẩu từ Úc. Đến nay, số lượng đầu đàn tăng lên 2.400 con, sản lượng sữa tươi lên tới 40 tấn/ngày.

Ông Lương Duy Toản, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hồ Toản cho biết, chính sách thông thoáng về thủ tục hành chính của Tuyên Quang đã tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp của ông có thể đầu tư mở rộng phát triển trong chăn nuôi quy mô lớn.

Và để đảm bảo những con bò khỏe mạnh và cho chất lượng sữa thơm ngon, Công ty Cổ phần Hồ Toản chú trọng con giống và quy trình tiêm phòng cùng nguồn thức ăn được kiểm soát đầu vào chặt chẽ. Hiện trung bình mỗi con bò của doanh nghiệp này đạt năng suất 33 lít sữa/ngày. Chất lượng sữa, hàm lượng bơ lên tới 3,8%. Công ty đã được cấp 2 chứng chỉ ISO về y tế thực phẩm và vệ sinh chăn nuôi.

Các doanh nghiệp lớn về đầu tư giúp thay đổi tư duy chăn nuôi của nông dân Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Từ những lát cắt trên cho thấy, việc thu hút được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về đầu tư đã tạo ra luồng gió mới cho ngành chăn nuôi của Tuyên Quang phát triển. Cùng với đó, các doanh nghiệp chăn nuôi cũng góp phần giải quyết được lượng lớn công ăn việc làm cho lao động địa phương.

Ngoài ra, trong quá trình làm việc, người lao động cũng học hỏi được những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, tuân thủ biện pháp thú y, an toàn sinh học, xây dựng chuồng trại khép kín. Không quá khi cho rằng, chính các doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã giúp thay đổi nhận thức và tư duy của bà con nông dân từ chăn nuôi nông hộ, manh mún, nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn hàng hóa.

Có thể thấy, dù ít hay nhiều, cách này hay cách khác, việc thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào đầu tư chăn nuôi tại tỉnh Tuyên Quang đã làm thay đổi không nhỏ bức tranh chăn nuôi của địa phương, nhất là việc tăng tổng đàn vật nuôi trên địa bàn cả chất và lượng. Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 90.000 con trâu, 39.200 con bò và gần 550.000 con lợn…

Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, những năm qua tỉnh Tuyên Quang có các cơ chế, chính sách như Nghị quyết 02, ngày 1/8/2019 về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Theo Nghị quyết này, doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi trâu, lợn tập trung sẽ được Nhà nước hỗ trợ một lần 50% chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng không quá 1,5 tỷ/dự án chăn nuôi trâu và không quá 1 tỷ/dự án chăn nuôi lợn để xây dựng chuồng trại, nhà kho, xử lý chất thải… Điều kiện hỗ trợ là quy mô chăn nuôi tối thiểu 100 con đối với trâu và 500 con đối với lợn.

Tại Nghị quyết số 11, ngày 1/8/2019 về chính sách hỗ trợ liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang nêu rõ, các chính sách hỗ trợ về chi phí tư vấn xây dựng liên kết, hạ tầng phục vụ liên kết, hỗ trợ giống, hỗ trợ bao bì, nhãn mác, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng… Qua đó, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

 

Chăn nuôi quy mô lớn phát triển, vấn đề bảo vệ môi trường cũng được đặt ra. Ảnh: Đào Thanh.

Chưa đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương

Việc thu hút đầu tư vào chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang đã có những đóng góp tích cực nếu xét trên quy mô tổng thể, song câu hỏi được nhiều cơ quan, đơn vị, chính quyền và người dân địa phương đặt ra thời gian gần đây là Tuyên Quang thu được cụ thể những gì sau khi đón thành công làn sóng doanh nghiệp đầu tư.

Thực tế, hiện các trang trại chăn nuôi của các công ty, tập đoàn phần đa chưa đóng góp nhiều cho thu ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi không sản xuất giống hoặc nếu có sản xuất chủ yếu cung cấp nội bộ cho chính doanh nghiệp, hợp tác xã nên người dân địa phương không được hưởng lợi nhiều từ nguồn giống chất lượng này.

Trong khi đó, vấn đề ô nhiễm môi trường luôn là nỗi lo canh cánh thường trực, bởi phần lớn nước thải từ các trang trại chăn nuôi đều thải ra sông, suối. Hậu quả là người dân sống xung quanh khu vực có trang trại chăn nuôi và dọc hai bên bờ sông, suối phải hứng chịu.

Về vấn đề này, ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, kiểm soát vấn đề ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi, ngành chức năng của Tuyên Quang vẫn thực hiện quan trắc định kỳ, phân tích mẫu để có chế tài xử lý kịp thời.

Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã thắt chặt hơn việc cho các doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Như tại thành phố Tuyên Quang sẽ không chấp thuận cho doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.

Các huyện khác vẫn còn dư địa để đầu tư, tuy nhiên cũng cần phải xem xét cụ thể, bởi đến thời điểm này tỉnh xác định không thể đánh đổi môi trường để lấy kinh tế. Tuyên Quang định hướng, thời gian tới sẽ thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng gắn với chế biến. Có như vậy mới đóng góp được nhiều cho nguồn thu ngân sách địa phương.

Trong gian đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung, phát triển gia trại, trang trại theo chuỗi giá trị an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tỉnh sẽ tiếp tục ban hành thêm chính sách thu hút doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư, liên kết chăn nuôi an toàn, bảo vệ môi trường. Hỗ trợ liên kết chăn nuôi gắn với chế biến, tiêu thụ. Phát triển cơ sở sản xuất giống vật nuôi đủ tiêu chuẩn phục vụ con giống cho nhu cầu phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Tuyên Quang cũng quy hoạch xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi, hỗ trợ sản xuất giống chất lượng cao, đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo bằng các giống chất lượng cao để định hướng ngành chăn nuôi phát triển theo chiều sâu và bền vững.

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, tổng đàn gia súc sẽ đạt trên 788.000 con, gia cầm trên 8,7 triệu con, sản lượng thịt hơi trên 104.000 tấn, sản lượng sữa tươi trên 33.000 tấn. Số cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn chứng nhận (An toàn dịch bệnh, VietGAHP, GlobalGAP...) tại các địa phương khoảng 35 cơ sở, số lượng sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn tối thiểu 12 sản phẩm/12 cơ sở…

nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Tin cùng chuyên mục